Định vị lại chuỗi giá trị nông sản

Phát triển giá trị nông sản theo chuỗi là giải pháp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra để thúc đẩy tiêu thụ tốt nhất và nâng cao giá trị nông sản Việt Nam; góp phần khẳng định thương hiệu và chất lượng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, hiện nay có nhiều địa phương phát triển chuỗi nông sản rất tốt, nhưng cũng có nơi đang trên con đường dần định vị lại chuỗi giá trị nông sản để phát triển.

Trái cây tỉnh Tiền Giang được giới thiệu tại sự kiện Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm OCOP tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 29/8 đến hết ngày 2/9. Ảnh minh họa: Mỹ Phương/TTXVN

Trái cây tỉnh Tiền Giang được giới thiệu tại sự kiện Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm OCOP tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 29/8 đến hết ngày 2/9. Ảnh minh họa: Mỹ Phương/TTXVN

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều địa phương cũng đang thực hiện chuỗi giá trị nông sản dưới nhiều hình thức như hội quán tại tỉnh Đồng Tháp, hợp tác xã tại các tỉnh, thành phố trong khu vực này. Dù dưới hình thức nào, thì mục đích cuối cùng vẫn là tạo nên mạng lưới sản xuất nông nghiệp hiệu quả cho nông dân.

Theo ông Trần Văn Tuấn - Chủ nhiệm Thanh long hội quán tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, hội quán, các hợp tác xã tại huyện Châu Thành nhận ra sự thay đổi của thị trường từ nhiều năm nay. Sự thay đổi này bắt buộc nông dân phải liên kết với nhau để xây dựng nên một hệ thống sản xuất hiệu quả, tiết kiệm, chất lượng mới nâng được khả năng cạnh tranh với xu thế phát triển sản xuất hiện nay ở nhiều nơi khác.

Tương tự vậy, hội quán thanh long cũng nắm bắt được yêu cầu về sản xuất sạch, theo tiêu chuẩn VIETGAP, GLOBALGAP… Tuy nhiên, để hình thành nên mạng lưới chuỗi giá trị bền vững, các hội quán, hợp tác xã hiện cần rất nhiều yếu tố trợ lực như thống nhất về quan điểm tiếp cận và tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, cả về chính sách tín dụng để hỗ trợ hợp tác xã. Đồng thời, chuỗi giá trị này hiện rất cần những chứng chỉ liên quan đến mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường hiện nay.

Xây dựng một chuỗi giá trị nông sản, tạo nên mạng lưới sản xuất hiệu quả là điều nhiều địa phương chú trọng. "Buôn có bạn, bán có phường" chưa bao giờ lỗi thời trong bất kỳ thời điểm nào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngành nông nghiệp cũng không nằm ngoài phương châm này. Tại Tiền Giang, xây dựng chuỗi giá trị cũng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy.

Ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang cho biết, trong giai đoạn 2019-2023, thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Tiền Giang đã có 27 dự án, kế hoạch liên kết được phê duyệt, triển khai thực hiện trên các lĩnh vực lúa, rau, chăn nuôi, trái cây. Qua đó, có 27 hợp tác xã nông nghiệp liên kết cùng 52 doanh nghiệp với 1.245 hộ nông dân tham gia liên kết chuỗi giá trị nông sản.

Điển hình như Hợp tác xã Cẩm Sơn (xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy) hiện quản lý gần 780 ha sầu riêng chuyên canh, chủ yếu trồng các giống chất lượng cao có giá trị xuất khẩu lớn như: Ri6, Mong Thong. Hợp tác xã đã tranh thủ sự hỗ trợ của địa phương và các ngành chức năng, xây dựng vùng sầu riêng an toàn theo hướng GAP, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ sức khỏe, môi sinh, môi trường; triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đăng ký để được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp, công ty giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản. Nông dân an tâm đẩy mạnh sản xuất, thâm canh, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sầu riêng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Khi tham gia vào bài toán liên kết chuỗi, nhiều nông dân không còn phải lo lắng nhiều đến đầu ra cho nông sản. Đương nhiên, thị trường là nơi biến động không ngừng, nếu người sản xuất không đủ "bình tĩnh" để đón nhận những đợt sóng giá và chiêu trò thương mại tức thời thì sẽ tự phá vỡ chuỗi liên kết giá trị này.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, các thành phần kinh tế luôn cần sự liên kết với nhau để tạo ra giá trị và nâng cao giá trị. Khâu sản xuất cần có sự liên kết về nhân lực, đào tạo chuyên môn, khâu tiêu thụ cần sự liên kết của người sản xuất và nhà tiêu thụ uy tín. Dù thế nào thì các thành phần đều phải liên kết.

Mỗi mối liên kết có sự khó khăn và thuận lợi của nó. Nhưng nếu phá vỡ, thì chính người sản xuất lẫn đơn vị tiêu thụ gặp khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Điển hình cho mối liên kết thuận lợi trong tiêu thụ sầu riêng, bà Nguyễn Thị Thinh - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Phú, huyện Châu Thành, Bến Tre chia sẻ, hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng gần 13 ha sầu riêng và khoảng 30 ha chôm chôm. Hiện còn nhiều diện tích sầu riêng và chôm chôm chưa được cấp mã số vùng trồng, chưa thể kí hợp đồng liên kết lâu dài với đơn vị tiêu thụ.

Giá trị sầu riêng của các diện tích có mã số vùng trồng và có liên kết cao hơn diện tích không liên kết là 15 triệu đồng/ha. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Giá trị sầu riêng của các diện tích có mã số vùng trồng và có liên kết cao hơn diện tích không liên kết là 15 triệu đồng/ha. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Chính vì vậy, những diện tích có hợp đồng liên kết bán sầu riêng với giá cao hơn giá thị trường từ 8.000 đến 15.000 đồng/kg. Chỉ tính sơ qua, cũng có thể thấy giá trị sầu riêng của các diện tích có mã số vùng trồng và có liên kết cao hơn diện tích không liên kết là 15 triệu đồng/ha. Đó là chưa kể vào những thời điểm hàng khan hiếm, đơn vị liên kết còn có thể tăng giá cao hơn so với hợp đồng đã ký.

Ngược lại, với những người sản xuất do thiếu kinh nghiệm ứng biến với thị trường, tự ý "bẻ kèo" giao dịch với đơn vị đã kí hợp đồng thu mua, chạy theo thương lái bên ngoài khi được đưa ra mứa giá thu mua "hời" hơn hợp đồng, ắt không thể làm ăn lâu dài với đơn vị thu mua. Đơn cử trong vụ sầu riêng vừa qua, Hợp tác xã nông nghiệp Tân Phú không thể kham nổi số lượng sầu riêng của các hộ sản xuất bị thương lái bẻ kèo khi họ không còn mối liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ trước đó - bà Nguyễn Thị Thinh dẫn chứng.

Nhấn mạnh về quá trình tuyên truyền và thực hiện các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, hướng đến nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp Bến Tre, ông Huỳnh Quang Đức - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cho biết, địa phương này hiện có nhiều chuỗi liên kết nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp như dừa tươi, sầu riêng, bưởi da xanh…

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre đóng vai trò chủ trì phối hợp các sở, ngành tổ chức mô hình liên kết sản xuất kinh doanh hiệu quả; tham mưu ban hành chính sách phù hợp sát với nhu cầu thực tế; đề xuất tổ chức lại cách phát triển ngành nông nghiệp, cách liên hệ giữa doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, nông dân, như vậy đưa nông dân vào mối liên kết sản xuất an toàn, bền vững và nâng cao hiệu quả hơn so với tự tìm đường đi cho mình.

Hồng Nhung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/dinh-vi-lai-chuoi-gia-tri-nong-san-20230902073408860.htm