Định vị thương hiệu cho sản phẩm Huế - Kỳ 3: Cải tiến mẫu mã, nâng chất lượng sản phẩm

Theo các chuyên gia, để các sản phẩm đặc trưng ở Huế được du khách chọn lựa làm quà tặng cần phải đổi mới mẫu mã, nâng chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, ngành du lịch TP. Huế đang chuyển động theo hướng “xanh”, hướng đến sự bền vững. Vì vậy, các sản phẩm OCOP ở địa phương cần có sự đồng điệu, tương hỗ với hướng phát triển du lịch-dịch vụ.

Thống kê của ngành du lịch, những năm gần, TP. Huế thu hút trên 4,5 triệu lượt khách du lịch mỗi năm; trong đó lượng khách tham gia trải nghiệm các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn và quan tâm đến nhóm sản phẩm quà tặng, lưu niệm nằm trong danh mục OCOP của thành phố khá lớn. Tuy nhiên, khi tìm hiểu những yếu tố, trong đó có yếu tố đa dạng mẫu mã sản phẩm, sức tiêu thụ ở TP. Huế, chúng tôi thấy vẫn còn những rào cản. Thực tế, sản phẩm quà tặng lưu niệm ở Huế hiện nay vẫn chưa làm cho du khách quan tâm nhiều.

Có chuyến về thăm quê sau nhiều năm lập nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, anh Lê Quang Thọ rong ruổi tìm mua vài món quà Huế vào tặng người thân. Nhìn anh loay hoay suy nghĩ chưa biết nên chọn mua món gì, tôi thử gợi ý vài thứ, nhưng anh đều lắc đầu. Anh Thọ thực tình: “Thị trường ở Huế bày bán nhiều món đồ, nhưng toàn hàng công nghiệp. Sản phẩm mang bản sắc địa phương, tiện dụng thì hạn chế, đơn điệu, quanh quẩn chỉ nón lá, dầu tràm, kẹo mè xửng, mắm ruốc… Đã đến lúc Huế cần phải có những sản phẩm quà tặng thật tinh tế, tiện dụng, đặc trưng và dễ mang đi”

Chị Thái Như Hiền, hướng dẫn viên du lịch đến từ Hà Nội mới đưa khách mua sắm hàng lưu niệm, quà tặng tại đường Xuân 68, quận Phú Xuân thẳng thắn: “Không riêng Huế, hiện nay nhiều địa phương trong nước đang gặp cùng một vấn đề là thị trường quà lưu niệm, quà tặng bị các sản phẩm nước ngoài lấn át. Sản phẩm lưu niệm, quà tặng do người địa phương làm ra khó cạnh tranh về giá, độ tinh xảo chưa cao. Hơn thế, lại chưa chú trọng đến hướng nhỏ gọn, tính đặc trưng của địa phương-điểm đến”.

Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành TP. Huế, người có thâm niên trong ngành du lịch chia sẻ, thông thường khi đi du lịch, hầu hết du khách đều muốn mang về những vật lưu niệm mang đặc trưng văn hóa, con người của nơi mình đến. Nắm bắt yếu tố này, nhiều quốc gia làm truyền thông rất tốt về khai thác đặc trưng các điểm đến và phối hợp giới thiệu sản phẩm quà tặng, lưu niệm dù đó là những sản phẩm, món hàng nhỏ nhất. Ví dụ như ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều khai thác những sản phẩm quà tặng, lưu niệm để quảng bá hình ảnh điểm đến. Họ "thổi" vào món quà lưu niệm những câu chuyện thú vị, cảm xúc và khách du lịch sẽ cảm thấy muốn mua món quà đó để mang về

Ông Cơ cũng cho rằng, hiện nay sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm ở Huế vẫn còn nghèo nàn và hạn chế. Nhiều sản phẩm trùng lặp, đơn điệu, chưa thể hiện nét riêng về văn hóa vùng đất Cố đô. Theo ông Cơ, với những sản phẩm và món hàng để khách quan tâm chọn mua làm quà tặng, lưu niệm phải tinh tế, đẹp, thú vị, tối ưu về chất lượng, kích cỡ và mang ý nghĩa văn hóa vùng miền.

Xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, nhất là sản phẩm quà tặng, lưu niệm là một phần không thể thiếu trong trải nghiệm du lịch. Sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên dấu ấn của điểm đến, tăng sức hút, hấp dẫn du khách, đồng thời là công cụ quảng bá hình ảnh điểm đến.

Theo ông Giáp Hòa, Giám đốc Công ty CP Phú Hoàng Thịnh-chi nhánh Huế hoạt động trong lĩnh vực vận tải taxi, người thường du lịch các nước Đông Nam Á: Sản phẩm quà tặng, lưu niệm là món hàng kích thích chi tiêu của du khách nhất và đóng góp không nhỏ vào tổng doanh thu du lịch. Mới đây, trong chuyến du lịch đến Thái Lan để tìm kiếm cơ hội đầu tư, đối tác đã chia sẻ con số khá ấn tượng. Đó là trong thời gian gần đây, doanh thu hàng năm từ mua sắm của khách du lịch ở đất nước này chiếm gần 50% tổng thu của ngành du lịch. Với thông tin đó, ông Hòa cho rằng ở TP. Huế nếu biết tận dụng sẽ có nguồn thu lớn từ việc bán sản phẩm quà tặng, lưu niệm cho du khách khi dừng chân tại Huế.

Hơn nữa, với những điều ông Hòa phân tích, chúng tôi liên tưởng đến nguồn lợi thu được từ chính dòng sản phẩm quà tặng, lưu niệm không khác gì mặt hàng “xuất khẩu” tại chỗ. Chỉ riêng yếu tố tiêu thụ tại chỗ, sản phẩm làm ra đã dành được lợi thế cạnh về giá khi giảm được cước phí vận chuyển đi thị trường xa, góp phần mang lại hiệu quả cho các cơ sở, DN tham gia sản xuất.

Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Huế nhận định, TP. Huế là vùng đất du lịch, có nhiều dư địa để du khách lưu trú, tham quan, trải nghiệm. Sự thiện chí từ lãnh đạo thành phố, các sở ngành hoạch định chính sách, cá nhân, đơn vị liên quan đang tiếp tục làm cho Huế có thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, phong phú hấp dẫn du khách với tinh thần “Nếu không đến Huế thì chẳng biết nơi nào tốt hơn”. Với tinh thần đó, chúng tôi nghĩ sẽ tạo ra những cơ hội rất rõ, nếu biết xây dựng, kết nối, có những sản phẩm, món hàng đặc trưng, đặc sắc mang dấu ấn văn hóa Huế chiếm được thị trường tiêu thụ rộng lớn từ khách du lịch. Vấn đề là mỗi địa phương, mỗi chủ thể sản phẩm không chỉ chú trọng về chất lượng, thương hiệu mà phải tổ chức, quy hoạch các điểm trưng bày giới thiệu của địa phương gắn với từng điểm đến, tour tuyến du lịch để quảng bá sản phẩm đến du khách nhanh nhất, ngắn nhất, thuận tiện nhất.

Tham khảo ý kiến các chuyên gia du lịch, họ đều có cùng quan điểm về việc phát triển thị trường quà tặng, lưu niệm chính là hướng đi mang lại giá trị kép trong việc bảo tồn, lan tỏa các giá trị văn hóa, đồng thời kết hợp thúc đẩy phát triển dịch vụ, sản xuất kinh doanh tại địa phương. Hiện nay, Huế có rất nhiều cơ sở làng nghề truyền thống mạnh về điêu khắc gỗ, mộc mỹ nghệ, đúc đồng, gốm sứ… và nhiều sản phẩm OCOP đã định danh thương hiệu, uy tín; trong đó có các điểm du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm OCOP gắn “hạng sao” đã chạm đến cảm xúc của nhiều du khách. Trên cơ sở này cần chú trọng khai thác thị trường ngách trong việc tiêu thụ, quảng bá sản phẩm gắn với hoạt động du lịch. Kinh nghiệm ở các nước thành công trong hoạt động du lịch gắn với nguồn thu bán hàng quà tặng, lưu niệm là cần giới thiệu đến du khách những câu chuyện liên quan đến sản phẩm, tính độc đáo, thú vị thể hiện qua chất liệu, nơi sản xuất, tài năng sáng tạo của người thợ… Qua đó, thể hiện thông điệp, định vị bản sắc văn hóa rõ nét hơn trong từng sản phẩm, góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách và giúp họ lưu giữ những món đồ lưu niệm, tiện dụng sau mỗi chuyến dừng chân ở Huế.

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/e-magazine/dinh-vi-thuong-hieu-cho-san-pham-hue-ky-3-cai-tien-mau-ma-nang-chat-luong-san-pham-153516.html