Sóc Trăng vượt kế hoạch về phát triển sản phẩm OCOP

Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) không chỉ nâng tầm nhiều loại nông sản, đặc sản địa phương mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết.

Ông Trần Hoàng Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông sản và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Sóc Trăng đã có 263 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó có 1 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao, 26 sản phẩm 4 sao OCOP và 236 sản phẩm 3 sao OCOP của 150 chủ thể.

Theo đó, hầu hết sản phẩm đạt sao OCOP đều được chế biến từ các loại nông sản, trái cây của địa phương. Các sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Sản phẩm Bột củ sen Châu Thành được trưng bày giới thiệu tại hội chợ.

Sản phẩm Bột củ sen Châu Thành được trưng bày giới thiệu tại hội chợ.

Để hỗ trợ cho các chủ thể OCOP có sản phẩm đạt sao OCOP, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ tư vấn, thiết kế 20.500 cái bao bì sản phẩm, nhằm nâng giá trị sản phẩm; hỗ trợ máy móc trang thiết bị ứng dụng vào sản xuất sản phẩm.

Đồng thời, tổ chức tập huấn kiến thức về môi trường, chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn, bảo hộ nhãn hiệu, công bố chất lượng sản phẩm; đưa các sản phẩm OCOP đi trưng bày, giới thiệu, quảng bá… tại các cuộc hội chợ, hội nghị trong và ngoài tỉnh. Triển khai 6 điểm trưng bày, bán hàng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh…

Năm 2025, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tiếp tục củng cố và nâng hạng các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.

Ưu tiên phát triển sản phẩm của các hợp tác xã, phấn đấu có 24% chủ thể OCOP là hợp tác xã; có 14% chủ thể OCOP là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khuyến khích hỗ trợ một số chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị, theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá xếp hạng; ưu tiên hỗ trợ các chủ thể OCOP là nữ, phấn đấu có 15% chủ thể OCOP là đồng bào dân tộc thiểu số. Duy trì 50% - 60% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam, để tiếp tục phát triển đa dạng sản phẩm OCOP, các địa phương trong tỉnh cần tổ chức quán triệt sâu rộng, tuyên truyền, tập huấn, làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

"Đóng góp lớn nhất của Chương trình OCOP là góp phần làm tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm đặc trưng của địa phương, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế của người dân. Bên cạnh đó, chương trình còn giúp nguồn lực tại chỗ được khai thác tốt nhất và tái đầu tư trong khu vực nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm OCOP giúp tăng cường tích lũy nội bộ, tích lũy tại chỗ cho địa phương. Các sản phẩm OCOP với chuẩn chất lượng quy định sẽ có được giá bán cao hơn, số lượng bán ra nhiều hơn, từ đó đem lại lợi nhuận nhiều hơn cho chủ thể OCOP, góp phần cải thiện sinh kế của cộng đồng, gia tăng phát triển kinh tế địa phương." - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam nhấn mạnh.

Xuân Lương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/soc-trang-vuot-ke-hoach-ve-phat-trien-san-pham-ocop.713445.html