Định vị vị thế mới cho ngành đóng tàu Việt Nam
Cần có các cơ chế, chính sách đột phá để ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam sớm vươn lên đáp ứng 100% nhu cầu trong nước và tăng thị phần đóng tàu xuất khẩu trên thế giới.

Hạ thủy thành công tàu dịch vụ điện gió CSOV số 3 được đóng mới tại Công ty Đóng tàu Hạ Long. Ảnh: A.M
Xác định rõ mục tiêu
“Chúng tôi đang khẩn trương hoàn thiện Đề án Nâng cao năng lực các doanh nghiệp đóng tàu trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và Bộ Xây dựng. Đây là đề án rất quan trọng, có tác động lớn không chỉ đến lĩnh vực đóng tàu, mà còn cả với ngành kinh tế biển của đất nước trong 5 - 10 năm tới”, ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam cho biết.
Trước đó, tại Công văn số 2839/VPCP-CN ngày 4/4//2025, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các cơ quan liên quan để hoàn thiện Đề án Nâng cao năng lực các doanh nghiệp đóng tàu trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, Bộ Xây dựng làm rõ cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý trong chỉ đạo và quản lý ngành công nghiệp đóng tàu, trong đó có các doanh nghiệp đóng tàu (các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, chiến lược, quy hoạch, pháp luật...) nhằm nêu bật sự cần thiết và phù hợp của Đề án.
Bộ Xây dựng cần xác định rõ mục đích, sản phẩm cụ thể của Đề án sau khi được phê duyệt là gì (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình, kế hoạch hay phê duyệt Đề án), trong đó, các nhiệm vụ, giải pháp đã đủ cơ sở, rõ ràng, đủ thẩm quyền để thực hiện hiệu quả, đạt mục đích nâng cao năng lực các doanh nghiệp đóng tàu chưa?
Cần phải nói thêm, tại Nghị quyết số 220/NQ-CP ngày 22/12/2023 của Chính phủ về Kế hoạch tổ chức thực hiện Thông báo số 23-TB/TW ngày 28/12/2022 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương xử lý Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành có liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực các doanh nghiệp đóng tàu trong nước trong quý I/2025.
Trên cơ sở đó, vào tháng 1/2024, Bộ GTVT giao Cục Hàng hải Việt Nam (nay là Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Viện Chiến lược và phát triển giao thông - vận tải; SBIC, các đơn vị liên quan xây dựng và hoàn chỉnh hồ sơ Đề án Nâng cao năng lực các doanh nghiệp đóng tàu trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sau hơn một năm triển khai, nghiên cứu, trên cơ sở đề xuất của Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 13/TTr-BXD gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực các doanh nghiệp đóng tàu trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, nội dung Đề án đã được nghiên cứu, có tính chất kế thừa các quy hoạch thời kỳ trước, phù hợp với chủ trương xử lý SBIC tại Thông báo số 23/TB-TW ngày 28/12/2022 và Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược Phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
“Trong đó, Đề án tập trung vào việc khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng có sẵn và tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, phát triển ngành đóng tàu phù hợp với thị trường trong nước và quốc tế”, ông Nguyễn Xuân Sang nói.
Được biết, một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của Đề án là việc Bộ Xây dựng đã xác định tương đối cụ thể các mục tiêu của ngành đóng tàu Việt Nam trong 5 - 10 năm tới.
Cụ thể, Đề án xác định, đến năm 2030 sẽ hoàn thành cơ bản Đề án xử lý SBIC, trong đó, các doanh nghiệp đóng tàu (bao gồm cả các doanh nghiệp thuộc SBIC sau phá sản) ổn định sản xuất - kinh doanh, củng cố uy tín và thương hiệu; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả sản xuất - kinh doanh để có lãi, có tích lũy và phát triển.
Phấn đấu tăng thị phần đóng mới, bàn giao đạt 0,8 - 0,9% tổng sản lượng đóng tàu toàn cầu, với các sản phẩm chủ yếu là tàu chở hàng tổng hợp đến 70.000 tấn, tàu container, tàu chở khí hóa lỏng (LPG) và một số tàu dịch vụ khác.
Trong đó, với thị trường trong nước, đáp ứng nhu cầu đóng mới bổ sung, thay thế đội tàu vận tải biển Việt Nam khoảng từ 4 triệu tấn đến 5 triệu tấn (bình quân khoảng 0,7 - 0,8 triệu tấn/năm).
Với xuất khẩu, phấn đấu đạt khoảng 30% tổng số tàu đóng mới để xuất khẩu, tương đương 1 triệu tấn.
Trong giai đoạn 2030 - 2040, Đề án đặt mục tiêu tăng dần tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm tàu biển của các doanh nghiệp đóng tàu trong nước từ 30% lên 40%, trong đó có 10% vật liệu, trang thiết bị tàu thủy; tổng sản lượng đóng tàu trong nước đạt 1% tổng sản lượng đóng tàu toàn cầu. Trong giai đoạn 2040 - 2050, tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm đóng tàu tăng lên trên 50%, trong đó có 20% vật liệu, trang thiết bị tàu thủy; tổng sản lượng đóng tàu trong nước đạt 2% tổng sản lượng đóng tàu toàn cầu.

Đón đợi các cơ chế “đúng, trúng”
Trong Tờ trình số 13, Bộ Xây dựng cho biết, ngành đóng tàu trong nước đã có bước phát triển vượt bậc, trở thành một ngành công nghiệp trọng điểm, với một hệ thống các nhà máy đóng tàu lớn nhỏ từ Bắc vào Nam, các nhà máy liên doanh với nước ngoài.
Theo phân tích, thống kê của một số tổ chức quốc tế, ngành đóng tàu Việt Nam đứng thứ 7 thế giới, chiếm 0,61% thị phần đóng tàu toàn cầu, với sản phẩm chủ yếu là các loại tàu chở hàng tổng hợp, tàu công trình và dịch vụ hàng hải khác.
Tuy nhiên, việc nâng thị phần đóng tàu mới toàn cầu thêm 0,2 - 0,3%, cũng như đáp ứng nhu cầu mua sắm, đổi mới đội tàu biển trong nước là một thách thức cực đại cho ngành đóng tàu Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đóng tàu, đặc biệt là SBIC, đang phải đối mặt với những khó khăn về vấn đề tài chính do các khoản nợ đầu tư lớn tại các ngân hàng chưa được tái cơ cấu, nên việc vay vốn ngân hàng để sản xuất sẽ gặp khó khăn.
Ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu phát triển theo bề rộng, phần lớn các nhà máy có trang thiết bị công nghệ sản xuất chưa đồng bộ, mức độ tự động hóa thấp, thời gian đầu tư đã lâu không được nâng cấp.
Sự thiếu đồng bộ và lạc hậu về công nghệ cũng là nguyên nhân làm giảm hiệu quả sản xuất - kinh doanh, hoạt động kém ổn định và chất lượng sản phẩm không cao, dẫn đến không đủ khả năng cạnh tranh với các sản phẩm hiện đại trên thị trường quốc tế.
Với nhu cầu đóng mới tàu biển trên thế giới tăng trưởng trong thời gian tới, các thị trường lớn (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) cơ bản đã đầy đơn hàng.
“Thực tế, tại một vài nhà máy của Việt Nam, trong đó có một số nhà máy chủ lực của SBIC, dù đang trong giai đoạn xử lý phá sản vẫn có đơn hàng đến năm 2027, nhưng phần lớn doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực để tiếp cận và ký kết hợp đồng với nước ngoài”, ông Trần Mạnh Hà, quyền Tổng giám đốc SBIC cho biết.
Đặc biệt, các ngành công nghiệp phụ trợ, như luyện kim, thép, chế tạo máy hầu như chưa có, toàn bộ vật tư chính cho đóng tàu phải nhập khẩu làm giảm tính chủ động và khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Mặc dù vậy, theo ông Trần Mạnh Hà, trong bối cảnh nhu cầu thay thế tàu biển trên thế giới đang rất cao, tiềm năng thị trường còn rất lớn và phụ thuộc vào nỗ lực của ngành đóng tàu trong nước trong việc cải thiện về công nghệ, tiến độ, chất lượng và giá thành sản phẩm, nhất là ở những thị trường ngách mà Việt Nam có thế mạnh như các tàu biển có trọng tải 35.000 - 50.000 DWT.
Được biết, trong Đề án Nâng cao năng lực các doanh nghiệp đóng tàu trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Xây dựng đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành khoảng 6 nhóm cơ chế, đặc thù.
Trong số này có việc ưu tiên bố trí kinh phí và có cơ chế, chính sách phù hợp để các cơ sở công nghiệp quốc phòng được tham giá đấu giá hoặc tiếp nhận một số cơ sở đóng tàu của SBIC có vị trí chiến lược, trọng điểm về quốc phòng, an ninh, như các nhà máy đóng tàu Cam Ranh, Hạ Long, Sông Hồng.
Đề án cũng kiến nghị không bán tài sản, chuyển giao các doanh nghiệp đóng tàu SBIC có vị trí chiến lược, trọng điểm về quốc phòng, an ninh cho các thành phần kinh tế, tổ chức nước ngoài hoặc có vốn đầu tư nước ngoài nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh.
“Nếu có chính sách hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp trong nước tiếp nhận và kế thừa các cơ sở vật chất, tài sản và nguồn nhân lực từ SBIC (sau khi thực hiện phá sản), chắc chắn, chúng ta sẽ tận dụng tối đa nguồn lực hiện có, hạn chế tình trạng lãng phí tài sản, đồng thời duy trì được nền tảng cơ sở vật chất kỹ thuật quan trọng để ngành đóng tàu vươn mình mạnh mẽ hơn trong 5 - 10 năm tới”, lãnh đạo SBIC cho biết.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dinh-vi-vi-the-moi-cho-nganh-dong-tau-viet-nam-d269495.html