Đinh Yem: Già làng 'miệng nói, tay làm'
Khi nhắc đến già làng Đinh Yem (thôn 4, xã Đông, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) người dân nơi đây đều tỏ lòng kính trọng, nể phục bởi sự hiểu biết, sống gương mẫu trong mọi công việc.
Bắt đầu câu chuyện với chúng tôi, già làng Đinh Yem kể về cuộc đời mình: Tháng 6-1959, ông lên đường nhập ngũ và đóng quân tại An Khê. Sau đó, ông cùng đồng đội tham gia chiến đấu tại các chiến trường ở miền Trung và Tây Nguyên. Sau khi đất nước giải phóng, ông giữ nhiều cương vị chủ chốt của xã Đông, như: Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã. Về nghỉ hưu năm 2002, nhưng ông vẫn luôn hăng hái góp sức mình vào sự phát triển của địa phương. Được sự tín nhiệm của người dân, ông được bầu làm Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh của thôn. Từ năm 2008 đến nay, ông đảm nhận vai trò già làng.
Ở cương vị già làng, ông tích cực tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nông thôn mới bằng việc góp ngày công, hiến đất làm đường giao thông. Để người dân làm theo, ông không ngần ngại hiến hàng nghìn m2 đất để mở đường giao thông nội thôn, đường vào khu sản xuất. Ông Yem chia sẻ: Thôn 4 có 243 hộ, 948 khẩu, trong đó người dân tộc thiểu số có 88 hộ. Cách đây 10 năm, đường vào thôn là đường đất, nhỏ hẹp. Đường vào khu sản xuất của người dân ở khu vực núi Kông Chư Bí là đường mòn nên việc vận chuyển nông sản rất khó khăn. Sau khi xin ý kiến và được sự chấp thuận của chính quyền địa phương, ông đã tự nguyện hiến 3,5 sào đất rẫy của mình để nối tuyến đường từ thôn vào đến khu vực núi Kông Chư Bí. Từ việc làm của ông, nhiều hộ dân đã noi theo để hiến đất, đóng góp ngày công sớm hoàn thành con đường. Đến nay, đường vào khu sản xuất này được bê tông hóa.
Không chỉ gương mẫu trong việc hiến đất làm đường giao thông, ông Yem còn vận động người dân vệ sinh môi trường sống xung quanh, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. Theo ông Yem, trước đây người dân thôn 4, nhất là người Bahnar không quan tâm đến việc làm nhà tắm, nhà vệ sinh và chuồng trại để nuôi nhốt gia súc.
“Việc sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh là một trong những nguyên nhân gây ra dịch bệnh, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Tuy nhiên, việc vận động, thuyết phục người dân không hề dễ dàng vì bà con quen với nếp sinh hoạt cũ. Để thay đổi thói quen của bà con, ngoài việc đến từng nhà tuyên truyền, tôi chủ động xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh đạt chuẩn trước. Từ sự gương mẫu của tôi, đến nay hầu hết các hộ người Bahnar đã xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh đạt chuẩn”-ông Yem bộc bạch.
Ông Yem còn tâm huyết và gìn giữ nghề đan lát truyền thống của người dân tộc Bahnar. Các sản phẩm của ông làm chủ yếu là gùi, rổ, nia, đơm, được tạo từ các vật liệu tre, nứa, mây. Theo ông Yem, để hoàn chỉnh một sản phẩm phải mất nhiều thời gian và trải qua từng công đoạn. Trong đó, phần chẻ, vót và đan nguyên liệu chiếm nhiều thời gian nhất, công đoạn này cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người làm. “Đan lát là nét đẹp văn hóa của người Tây Nguyên nói chung và người Bahnar nói riêng nên tôi cố gắng giữ gìn, phát huy và truyền dạy cho thế hệ trẻ”-ông Yem nói.
Trao đổi với P.V, bà Phùng Thị Myni-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đông-thông tin: Ông Đinh Yem là già làng uy tín, luôn gương mẫu trong mọi hoạt động, công việc của cộng đồng. Ông là già làng miệng nói, tay làm nên được người dân kính trọng, nể phục.
Với những đóng góp của mình ông được các cấp, ngành địa phương, trung ương khen thưởng. Tiêu biểu năm 2019, ông được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen vì có thành tích tiêu biểu thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc khu vực Tây Nguyên. Năm 2021 ông Yem được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2016-2020. Năm 2023, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen gương người tốt, việc tốt điển hình tiên tiến xuất sắc tiêu biểu, giai đoạn 2022-2023.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/dinh-yem-gia-lang-mieng-noi-tay-lam-post293040.html