'Diva bánh tráng trộn' Cát Thy tâm sự về hành trình gập ghềnh trước khi trở nên nổi tiếng
Với sự duyên dáng, 'Diva' Cát Thy đã trở thành thương hiệu bánh tráng trộn nổi tiếng nhất Sài Gòn. Nhưng ẩn sau đó là cuộc hành trình không hề dễ dàng của một người chuyển giới để được sống đúng là chính mình.
Cát Thy (sinh năm 1991) là một nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng LGBT+ ở Sài Gòn. Để được là chính mình, Cát Thy đã có một hành trình khá chông gai. Trong một talkshow trò chuyện cùng nghệ sĩ Gia Bảo trên YouTube, Cát Thy đã có những chia sẻ hiếm hoi về quá khứ chuyển giới.
Từ nhỏ đã mong muốn được là một "cô gái đáng yêu"
Từ những năm 6, 7 tuổi, Cát Thy đã có điệu bộ và những cử chỉ như một bé gái. Cát Thy chia sẻ: “Là con trai nhưng khi đi vệ sinh mình chỉ thích ngồi thôi, cảm thấy rất thoải mái. Ba mẹ thấy mình ngồi thì mắng và cho ăn đòn roi. Nhưng dù có bị đòn cỡ nào, mình vẫn giữ thói quen này".
Đến khi 9, 10 tuổi, Cát Thy trở nên điệu hẳn, chơi những trò chơi của con gái như nhảy dây, lò cò, bán đồ hàng rồi búp bê. Khi được nhóm con trai rủ chơi ông vua, bà chúa, Cát Thy cũng thẳng thắn chọn vai nữ.
Ở thời điểm xã hội chưa cởi mở, chưa chấp nhận cộng đồng LGBT+ như hiện tại, Cát Thy từng quyết định xuất gia, cạo trọc đầu đi tu. Nhưng khi coi các cuộc thi Hoa hậu chuyển giới, Cát Thy lại nung nấu ước mơ được là chính mình, cô quyết định chuyển giới ở năm 17 tuổi.
Không dễ dàng để được "là chính mình"
Tuổi 17, Cát Thy cho biết cô được bạn giới thiệu làm nghề hát lô tô nhưng vì "hát dở nên chuyển sang xiếc".
Giải thích về tên mới của bản thân, Cát Thy cho biết cô hâm mộ ca sĩ chuyển giới Cát Tuyền nên lấy tên “Cát”, còn Thy là từ bản nhạc “Chuyện tình nàng trinh nữ tên Thy”. Còn "Hoàng Kim" lại bắt nguồn từ bà bán dưa gần gánh lô tô, gọi trái dưa bình thường là dưa "hoàng kim". Tổng hợp lại, cái tên "Hoàng Kim Cát Thy" ra đời.
Mong muốn trở thành phụ nữ ngày càng trở nên mạnh mẽ, Cát Thy muốn thay đổi cơ thể để trông thật giống phụ nữ. Cát Thy bắt đầu đi bơm ngực. Với số tiền ít ỏi, Cát Thy quyết định "bơm góp", mỗi lần có tiền lại bơm một chút một chút một. Cát Thy nhớ lại: “Bơm vô đau xé thịt, xé gan. Da đau đớn cực kỳ”.
Ngoài chuyện chỉnh vòng 1, Cát Thy còn phải kiếm tiền để có thể tiêm hoóc-môn. Lúc ấy, Cát Thy đi xin việc ở shop thời trang có treo biển đang tuyển nhân viên nhưng bị người tuyển chọn từ chối.
Nói về ấn tượng đầu tiên gặp Cát Thy, Gia Bảo cho biết: “Là một người rất là vui tính, biết đem tiếng cười đến cho mọi người. Bà bán vé lô tô rất là duyên dáng… ai cũng phải mua vé hết”.
Được là mình và còn được mọi người yêu mến
Trong đợt dịch COVID-19, đoàn Lô tô Hương Nam của Cát Thy phải tạm ngưng trình diễn khiến cô mất đi nguồn thu nhập. Thế là Cát Thy quyết định đầu tư khoản chi phí nho nhỏ mua nguyên liệu về tự làm món bánh tráng trộn bán gần nhà.
Gia Bảo chia sẻ, khi biết chuyện Cát Thy không đi hát lô tô đã mong muốn giúp đỡ bạn: “Facebook mình cũng có nhiều người theo dõi nên chụp với Cát Thy một tấm hình, mua ủng hộ bánh tráng. Chụp một tấm hình đưa lên, biết đâu khán giả, người ta thấy thương mua ủng hộ Cát Thy”.
Và quả thực sau đó, cái tên "Cát Thy" nổi lên như một hiện tượng nhờ cộng đồng mạng. Theo chia sẻ của Cát Thy, cô bán theo phần tùy theo lượng khách, tức là khách đông thì mỗi người mua chỉ mua được 2, 3 phần để dành cho cả những người đến sau.
Thương những vị khách xếp hàng, Cát Thy chọn giải pháp là bán cho nhiều người và ai cũng đều có dịp nếm thử món ăn. Cộng thêm đó, Cát Thy vừa bán vừa đứng nói chuyện, kiếm trò nói để nói trong suốt khoảng thời gian từ 3h chiều đến tận 11h đêm. Chính nhờ khả năng ăn nói duyên dáng nên số lượng khách hàng tới mua bánh tráng của Cát Thy ngày một đông.
Nói về nghề lô-tô, Cát Thy chia sẻ: “Ở đây, khán giả tìm đến mình là một bà bán bánh tráng trộn Cát Thy, khán giả tìm đến sân khấu thì bà Cát Thy đứng sân khấu”, nó tương tự giống nhau. Ở sân khấu thì có âm thanh, ánh sáng, đèn đuốc, sân khấu, trang phục chỉnh tề. Ở dưới sân khấu của Cát Thy là bánh tráng trộn và Cát Thy phục vụ cho khán giả, biểu diễn tấu hài giúp mọi người vui vẻ”.