DN công nghiệp hỗ trợ 'chậm lớn' do thiếu đầu tư
Phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ còn nhiều khó khăn khi doanh nghiệp thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chiếm gần 4,5% tổng số DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Một số DN sản xuất linh kiện Việt Nam đã có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn... Khi năng lực sản xuất sản phẩm CNHT trong nước được nâng lên, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp đã dần được cải thiện.
Tuy nhiên, do 99% DN CNHT là các DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ nên năng lực của các DN CNHT hiện còn nhiều hạn chế do thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất; khả năng tài chính của DN yếu, vốn tự có thấp... Trong khi cơ chế về ưu đãi tín dụng, thuế, tiền thuê đất, đặc biệt là phân bổ nguồn lực để triển khai các chính sách về CNHT chưa được cụ thể hóa… khiến DN CNHT khó khăn trong việc tiếp cận các hỗ trợ và ưu đãi để thay đổi và làm chủ công nghệ.
Khoảng cách khó kết nối đang ở rất gần
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giang Sơn phản ánh, là DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cung ứng các linh phụ kiện ngành điện công nghiệp, dân dụng - điện tử phụ trợ cho công nghệ cao, nhưng khi muốn phát triển các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh lại gặp khó khăn lớn nhất là vấn đề tiệm cận nguồn vốn.
“Mặc dù chính sách Nhà nước đã ban hành, song cơ chế cho vay từ các Ngân hàng và Tổ chức tài chính còn nhiều bất cập, khiến ưu đãi vẫn chưa “đến được” với DN”, ông Sơn nói.
Khó khăn trong đầu tư khiến các DN CNHT “chậm lớn”, khó tiếp cận được công nghệ mới nên sản phẩm CNHT hiện vẫn rất khó kết nối, cung ứng được cho các DN lớn trong chuỗi sản xuất công nghiệp ngay cả tại thị trường Việt Nam.
Là doanh nghiệp FDI có nhu cầu lớn về vật tư, linh kiện có thể được cung cấp bởi các DN CNHT trong nước, bà Đào Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Văn phòng Tổng Giám đốc, Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết, Canon luôn tìm kiếm nhà cung cấp Việt Nam. Hiện, Canon có 59 nhóm linh kiện cần nội địa hóa và luôn đăng tải trên website của DN.
"Các nhà cung cấp Việt Nam hiện mới có khả năng cung cấp một số sản phẩm nhựa, bao bì đóng gói, linh kiện in ấn…cho doanh nghiệp, trong khi để sản xuất ra 1 chiếc máy in, Canon cần tới gần 400 linh kiện với nhiều chủng loại khác nhau. Doanh nghiệp luôn tìm kiếm thêm các nhà cung cấp mới tại Việt Nam nhưng chủ yếu vẫn chỉ đáp ứng được một số linh kiện bằng nhựa”, bà Huyền cho biết.
Cho rằng ý chí và quyết tâm của nhà cung cấp sản phẩm CNHT hiện nay vẫn còn thiếu, bà Huyền chỉ rõ, sản phẩm CNHT khi muốn vào chuỗi cung ứng, yêu cầu đặt ra rất cao nên phải có sự ổn định về chất lượng. Đơn cử như Canon có tới 59 nhóm hàng, mỗi nhóm hàng là hàng chục loại sản phẩm nên luôn còn dư địa lớn cho các DN CNHT Việt Nam.
Đại diện Samsung Việt Nam cũng chia sẻ, Samsung sản xuất 180 triệu điện thoại/năm nên đòi hỏi nguồn linh kiện rất lớn, chất lượng đảm bảo và sẵn sàng thay đổi theo các chiến lược mới. Trong khi đó, việc thay đổi công nghệ, dây chuyền để đáp ứng điều này đối với các DN CNHT ở Việt Nam là vô cùng khó khăn do nguồn vốn còn hạn chế.
Do đó, Samsung khuyến khích và khuyến cáo các DN CNHT Việt Nam nên nỗ lực trong các mảng khác, đặc biệt là nghiên cứu và phát triển (R&D). Hiện chi phí R&D của DN Việt Nam rất thấp, trung bình chỉ khoảng 0,2-0,3% doanh thu. Khi các DN làm tốt lĩnh vực R&D, sán phẩm sẽ có chất lượng tốt hơn nhưng đồng giá với các nhà cung cấp khác.
Doanh nghiệp cần hỗ trợ để chủ động
Với hàng loạt hạn chế cố hữu tồn tại từ nhiều năm qua, ngành CNHT Việt Nam được nhìn nhận vẫn khá "còi cọc". Để có thể làm mới CNHT Việt Nam, bên cạnh trợ lực từ chính sách của nhà nước, rất cần sự chủ động một cách bài bản hơn nữa của DN, nhất là trong đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao nội lực.
Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam cho hay, thời gian qua những chính sách hỗ trợ DN về tài chính hầu như khá khó khăn. "Việc tiếp cận tín dụng giá rẻ ở Việt Nam là khó khăn, kể cả các quỹ hỗ trợ tín dụng cũng khó tiếp cận vì thủ tục cực kỳ phức tạp, chủ yếu yêu cầu thế chấp. Trong khi ở các nước, DN chỉ cần có đơn hàng của Samsung, Canon là có thể thế chấp nhưng ở Việt Nam điều này không thể. DN phải tự "chiến đấu", bà Bình nhấn mạnh.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, để thúc đẩy phát triển ngành CNHT thời gian tới, Bộ Công Thương nêu rõ phương hướng là rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập để hỗ trợ cho DN công nghiệp phát triển; đồng thời tiếp tục có các chính sách mới trong quản lý và thu hút đầu tư để đảm bảo các DN FDI có sự liên kết và chuyển giao công nghệ cũng như tạo ra những lan tỏa cho DN CNHT trong nước.../.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dn-cong-nghiep-ho-tro-cham-lon-do-thieu-dau-tu-779028.vov