DN ngoại lỗ gần triệu tỷ ở Việt Nam, đâu là dấu hiệu 'lỗ giả lãi thật'?

Hơn 50% doanh nghiệp FDI báo lỗ, 18.140 doanh nghiệp bị lỗ lũy kế, tổng lỗ lũy kế lên tới gần 1 triệu tỷ đồng. Chuyên gia cảnh báo vấn nạn 'lỗ giả, lãi thật' làm thất thu thuế và méo mó thị trường.

Mối lo sau con số thua lỗ gần 1 triệu tỷ đồng

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến cuối năm 2023, trong tổng số khoảng 29.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), có tới 16.292 công ty báo lỗ, 18.140 doanh nghiệp bị lỗ lũy kế, trị giá lỗ lũy kế lên tới gần 1 triệu tỷ đồng; số nộp ngân sách nhà nước năm 2023 giảm gần 4.000 tỷ đồng so với năm 2022.

Các chuyên gia đánh giá, hơn 50% doanh nghiệp FDI báo lỗ là con số đáng quan ngại.

Chia sẻ với PV VietNamNet, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh - cho rằng, doanh nghiệp FDI thua lỗ do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan. Một số doanh nghiệp gặp rủi ro kinh doanh nên thua lỗ, thậm chí phá sản - đây là chuyện bình thường, phù hợp quy luật thị trường.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp FDI liên tục thua lỗ nhưng vẫn hoạt động nhiều năm, thậm chí còn mở rộng sản xuất thì ngược với quy luật thị trường, do thực hiện chuyển giá nên lỗ giả, lãi thật.

Hơn 50% doanh nghiệp FDI báo lỗ là con số đáng quan ngại. Ảnh: Nam Khánh

Hơn 50% doanh nghiệp FDI báo lỗ là con số đáng quan ngại. Ảnh: Nam Khánh

Theo ông Ánh, chuyển giá là hiện tượng phổ biến trên thế giới, nhất là tại các tập đoàn lớn xuyên quốc gia nhằm tối đa hóa lợi nhuận, né tránh nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thông qua tối ưu hóa chênh lệch thuế suất.

“Chuyển giá và thua lỗ do chuyển giá không chỉ làm thất thu thuế mà còn làm méo mó mặt bằng giá, khiến cho giá không thể hiện được vai trò tín hiệu thị trường, công cụ cạnh tranh bình đẳng. Chuyển giá cũng làm thị trường trở nên méo mó, cả thị trường trong nước lẫn thị trường xuất nhập khẩu, đồng thời chèn ép bất công doanh nghiệp nội địa trong khi doanh nghiệp FDI vốn đã được hưởng nhiều ưu đãi vượt trội”, ông Ánh phân tích.

ThS Nguyễn Bình Minh, giảng viên Trường Đại học Thương mại, cũng cho rằng, không chỉ Việt Nam mà bất cứ quốc gia nào nhận đầu tư nước ngoài đều đứng trước thách thức về chuyển giá.

“Nhìn từ góc độ đầu tư, nếu doanh nghiệp FDI vẫn liên tục mở rộng quy mô, tiếp tục tạo được nhiều công ăn việc làm, vẫn tăng trưởng thì đương nhiên đầu tư cũng phải tăng, vẫn có lỗ lũy kế là chuyện bình thường.

Còn nếu không mở rộng quy mô đầu tư, không mở rộng thị trường, báo cáo doanh số không hề tăng mà vẫn báo lỗ, thì rất có thể doanh nghiệp đang chuyển giá để trốn thuế”, ông Minh nói.

ThS Vũ Tuấn Anh, chuyên gia chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhận định, chuyển giá là một vấn đề phức tạp trong quản lý tài chính và thuế của các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt khi công ty mẹ và công ty con tự quy định chi phí cho nhau. Điều này tạo ra khó khăn trong việc thiết lập một tiêu chuẩn chung và khung pháp lý để kiểm soát, cắt giảm chi phí một cách hợp lý.

“Các công ty thường có xu hướng điều chỉnh giá trị giao dịch nội bộ nhằm tối ưu hóa nghĩa vụ thuế, điều này có thể gây thất thoát nguồn thu cho quốc gia”, ông Tuấn Anh nêu quan điểm.

Đề xuất giải pháp phòng ngừa

Ông Vũ Tuấn Anh đề xuất ba giải pháp phòng ngừa chuyển giá.

Một là nghiên cứu kỹ phê duyệt đầu tư FDI. Trước khi phê duyệt một dự án FDI, cơ quan quản lý cần có cơ chế kiểm tra và đánh giá chặt chẽ.

Việc yêu cầu doanh nghiệp trình bày mức thuế tại các thị trường đã đầu tư là một biện pháp quan trọng. Ví dụ, nếu một công ty có dự án tương tự tại Thái Lan, họ cần báo cáo số thuế đã nộp tại đó để đối chiếu với mức thuế dự kiến tại Việt Nam. Điều này giúp đảm bảo tính minh bạch và giảm nguy cơ lợi dụng sự khác biệt về chính sách thuế giữa các quốc gia.

Hai là yêu cầu doanh nghiệp FDI cung cấp cho cơ quan quản lý kế hoạch chi tiết về cơ chế giá giữa công ty mẹ và công ty con.

Doanh nghiệp cần đưa ra dự báo số thuế nộp trong 5-10 năm với các kịch bản khác nhau, bao gồm khi doanh nghiệp có lãi hoặc lỗ. Điều này giúp các cơ quan chức năng đánh giá tác động tài chính dài hạn và giảm thiểu nguy cơ trốn thuế.

Ba là cân bằng luật lệ giữa các nguồn vốn đầu tư.

Một nguyên tắc quan trọng trong chính sách thu hút đầu tư là không phân biệt giữa FDI và vốn trong nước. Các ưu đãi đầu tư nên được tính theo tổng vốn cam kết thay vì nguồn gốc của dòng tiền. Điều này giúp tạo ra một sân chơi công bằng, đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, đồng thời duy trì sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Còn theo ThS Nguyễn Bình Minh, với những doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ khi không mở rộng quy mô đầu tư và thị trường, thì cơ quan quản lý cần phải có các biện pháp kiểm tra, kiểm toán.

Bất kỳ dự án đầu tư nào khi lập dự án đầu tư đều có dự kiến thời gian hoàn vốn và thời gian có lãi. Cơ quan quản lý có thể đối chiếu, yêu cầu doanh nghiệp thực thi đúng quy định pháp luật của Việt Nam và phải nộp thuế đầy đủ.

“Các biện pháp chống chuyển giá tương đối đầy đủ và đa dạng, song việc áp dụng không chỉ đòi hỏi trình độ, khả năng quản lý mà còn cả quyết tâm và đạo đức”, TS Vũ Đình Ánh bày tỏ.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dn-ngoai-lo-gan-trieu-ty-o-viet-nam-dau-la-dau-hieu-lo-gia-lai-that-2372666.html