Ngành nào hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Chính phủ?

Các chính sách hỗ trợ rất quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong nước năm 2025, vậy đâu là những ngành nghề được hưởng lợi từ những thay đổi này?

Trong báo cáo về triển vọng môi trường tín nhiệm năm 2025 được công bố hồi đầu tháng 2 VIS Rating đã nhận định các chính sách hỗ trợ nhằm đạt được mục tiêu theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 sẽ cải thiện môi trường kinh doanh trong nước.

Tại hội thảo trực tuyến tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đình Duy, chuyên gia phân tích kinh tế vĩ mô của VIS Rating đã phân tích rõ hơn về nội dung này, từ đó nhận định các ngành được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.

Nhiều nhóm ngành hưởng lợi từ việc Chính phủ thúc đẩy đầu tư công và các chính sách khác hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng.

Nhiều nhóm ngành hưởng lợi từ việc Chính phủ thúc đẩy đầu tư công và các chính sách khác hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng.

Cụ thể, ông Duy cho biết, lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) trong 9 tháng đầu năm 2024 của các doanh nghiệp niêm yết đã tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, đảo ngược xu hướng giảm trong năm 2023 (giảm 9% so với 2022).

“Chúng tôi kỳ vọng dòng tiền và lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025”, ông Duy cho biết.

Theo chuyên gia, các động lực chính cho nền kinh tế Việt Nam, cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2025 vẫn là chi tiêu công, FDI và xuất khẩu.

Đặc biệt, đầu tư công tiếp tục đẩy mạnh sẽ giúp tạo ra nhiều hoạt động kinh doanh, cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp trong nhóm ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và vận tải. Ngoài ra, với cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện, nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi từ việc thu hút FDI mới.

Bên cạnh đó, các chính sách mới giải quyết các rào cản pháp lý và hoàn thiện quy hoạch đất đai sẽ thúc đẩy phát triển dự án bất động sản mới và tăng cường niềm tin của người mua nhà. Từ đó, hoạt động bán hàng, dòng tiền của kinh doanh bất động sản sẽ được cải thiện.

Đối với nhóm ngành tiêu dùng bán lẻ, năm 2024 doanh thu bán lẻ hàng hóa của toàn nền kinh tế tăng trưởng khá thấp, dù vậy, chuyên gia VIS Rating cho rằng xu hướng này sẽ được cải thiện trong năm này nhờ vào lương công chức tăng lên, thu nhập và hoạt động kinh doanh của hộ cá nhân dần hồi phục.

Ngoài ra, một bệ đỡ khác của doanh thu bán lẻ hàng hóa là ngành du lịch. Năm 2024, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã phục hồi gần bằng mức trước dịch COVID-19. Kỳ vọng năm 2025 thì số khách quốc tế sẽ tăng trưởng 10 - 15% so với 2024, tạo ra cái nguồn cầu cho hoạt động bán lẻ hàng hóa.

“Chúng tôi kỳ vọng doanh số bán lẻ năm 2025 tăng 10 - 12% so với 2024”, ông Duy cho biết.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra những yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng các doanh nghiệp, ngành nghề cũng như toàn nền kinh tế như rủi ro tỷ giá và lãi suất tăng lên, ảnh hưởng đến chi phí vay vốn, bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp; chính sách của Hoa Kỳ dưới chính quyền mới…

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/nganh-nao-huong-loi-tu-chinh-sach-ho-tro-tang-truong-kinh-te-cua-chinh-phu-1105097.html