Đỗ Anh Vũ trong cuộc rong chơi chữ nghĩa
Tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ được bạn bè công nhận là người đa tài, anh đã gieo hạt trên nhiều mảnh đất và đều kết trái thảo thơm. Chuyển soạn văn học là một mảng mới, nổi bật trên hành trình sáng tạo của anh.
Giữa một thế giới đầy ắp thông tin, giới trẻ đang bị dẫn dụ bởi nhiều “món ăn nhanh” trên nền tảng mạng xã hội, văn hóa đọc bị mai một, thì cách anh chuyển soạn những tác phẩm văn học nhà trường thành thơ, là một hướng đi thú vị, tăng thêm sự lựa chọn và góc nhìn cho công chúng yêu văn học.
“Vợ nhặt” (Kim Lân), “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân), “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài), “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam), “Chí Phèo”, Lão Hạc”, “Đời thừa” (Nam Cao), “Rừng xà nu” (Nguyễn Trung Thành), là những tác phẩm văn học quen thuộc với công chúng và các thế hệ học trò. Qua sự dụng công của Đỗ Anh Vũ, những truyện ngắn ấy đã “cởi tấm áo” đạo mạo, nghiêm cẩn, trong khuôn khổ nhà trường để trở nên dí dỏm, gần gũi, dễ hiểu hơn với đời sống thường nhật, của xã hội hiện đại, được độc giả đón nhận cởi mở.
Đỗ Anh Vũ, từng bộc bạch về lý do anh chuyển soạn các tác phẩm văn học nhà trường. Bạn đầu chỉ do sự tình cờ của anh khi được gợi ý từ nhà văn Phạm Duy Nghĩa: Tôi rất mong một ngày nào đó Đỗ Anh Vũ chuyển soạn một truyện ngắn của tôi thành thơ. Ngay sau đó, anh đã chuyển soạn thành công truyện ngắn nổi tiếng “Cơn mưa hoa mận trắng” của nhà văn Phạm Duy Nghĩa. Không dừng lại ở đó, anh lại tiếp tục chuyển soạn “Bậc cao thủ”- một truyện ngắn Nhật Bản có tiếng vang. Truyện ngắn của tác giả Võ Hồng Thu cũng được anh thử nghiệm. Từ điểm tựa này, Vũ đã táo bạo vươn tới những tác phẩm văn học nhà trường. Anh đã tuyệt đối tôn trọng nguyên tác và tự nhủ, đó là cách anh tôn vinh, thể hiện tình yêu của mình với các tác giả, tác phẩm đã được kiểm chứng qua thời gian và nhiều thế hệ độc giả.
Thực ra, các tác phẩm Đỗ Anh Vũ chuyển soạn, tôi đã đọc nhiều trên Facebook, nhưng khi được nhận món quà “Từ truyện ngắn đến truyện thơ” của anh, tôi vẫn vô cùng ngạc nhiên và thích thú, cũng như rất nể về năng lượng sáng tạo của anh.
Kim Lân, tác giả của truyện ngắn “Vợ nhặt”, người đã được Nguyên Hồng đánh giá là “một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn”, thì khi soi vào trang thơ Đỗ Anh Vũ, ta thấy sự hiện diện quen mà lạ, qua cách đưa vào ngôn ngữ của thời hiện tại:
“Trẻ con thấy thân hình to lớn
Bộ mặt trông dữ tợn gật gà
Ùa ra vây hắn kêu la:
“Anh Tràng công tác từ xa đã về”
Chỉ một từ “công tác”, tác giả đã cho thấy việc trêu đùa Tràng là thói quen của bọn trẻ, cách gắn một từ kiểu cách như vậy vào một người đặc sệt nông dân lại có phần dở dở, ương ương ương như Tràng đã tạo ra sự hóm hỉnh trong lối trần thuật của Đỗ Anh Vũ và ít nhiều là cách “lạ hóa” để nhân vật trở nên có nét mới mà không tách khỏi nguyên tác. Và khi Kim Lân miêu tả thị- người vợ nhặt, qua nết ăn thô tục, phá hết nét duyên phụ nữ, để hé mở cái nhìn nhân đạo, ăn là cách người đàn bà bám riết lấy sự sống: “Thị ăn một chặp hết bốn bát bánh đúc, không kịp ngẩng đầu lên. Ăn xong lấy đũa quệt ngang miệng và nói “Hà, ngon, về nhà chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố”. Thì sáng tạo của Đỗ Anh Vũ là dùng lối nói khẩu ngữ đầy ấn tượng để khắc họa nhân vật:
“Ả ngồi xuống măm măm thật lực
Bánh đúc ngon thỏa sức phang liền
Ăn xong bốn bát sướng điên
Nói rằng: “Chị thấy hụt tiền chết anh”
Có lúc, anh lại nhập vào Tràng bằng giọng vui mừng khôn xiết, đúng với lối xưng hô quen thuộc của các cặp vợ chồng nông dân:
“Tràng liền mừng rỡ biết bao
Ối giời, chờ mãi, u tao đã về”
Hay khi đọc đến đoạn Tràng sau đêm hạnh phúc đầu tiên, thấy thế giới xung quanh thay đổi kỳ diệu, người đọc sẽ không khỏi không bật cười về lối viết của anh:
“Sân vườn quét sạch cực kỳ
Hong quần áo, nước đầy phè trong ang”
Nếu ở “Vợ nhặt”, ngôn ngữ của anh có nhiều đoạn pha trộn ngôn ngữ sinh hoạt bình dân, là hồn vía nguyên tác đứa con tinh thần của Kim Lân- người được mệnh danh là nhà văn của nông thôn Việt Nam thì ở “Chữ người tử tù”, Đỗ Anh Vũ lại tạo ra được không khí nghiêm trang, cổ kính, là nét đặc trưng cho đề tài vang bóng một thời của Nguyễn Tuân. Ở nguyên tác, Nguyễn Tuân dụng công trong cách dùng hệ thống từ Hán Việt, tạo ra không khí cổ xưa và tái hiện trong tác phẩm chuyển soạn, là một thử thách lớn, Đỗ Anh Vũ đã làm được điều đó. Đọc đoạn thơ ngắn của anh, ta đã thâu tóm được văn phong của nguyên tác, gợi ra một thế giới của người xưa:
“Quản ngục bóp thái dương nghĩ ngợi
Trống thu không vọng tới thật gần
Lướt qua nội cỏ đầm sương
Vẳng đưa tiếng chó ngoài làng sủa ma
Sao Hôm tự trời xa nhấp nháy
Như sắp trôi tận đáy phương nào
Bao thanh âm muốn bay cao
Để nâng đỡ một ngôi sao tạ từ
Ở nơi góc án thư vàng nhợt
Quản ngục khêu con bấc cháy lên
Tóc râu đã ngả màu thêm
Mặt thôi tư lự, chuyển êm dịu rồi”
Cảnh cho chữ là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”, được Đỗ Anh Vũ chuyển thể bằng nghệ thuật điện ảnh, qua cách tạo dựng bối cảnh, nhân vật, ánh sáng, hành động…Tất cả tựa hồ một cuốn phim quay chậm, thổi vào người đọc sự hồi hộp, như thể lần đầu được đọc tác phẩm:
“Một cảnh tượng tuyệt vời hiếm có
Giữa buồng giam đêm đó xảy ra
Tường đầy mạng nhện giăng qua
Đất bừa phân chuột cùng là phân dơi
Hiện ba cái đầu người rực sáng
Lụa bạch còn nguyên láng lần hồ
Người tù xiềng xích đậm tô
Từng con chữ đẹp nhẹ đưa phiêu bồng”
Kết thúc truyện vẫn là hành động cúi đầu bái lạy hoa mai của Quản ngục nhưng không chỉ dừng lại ở: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”, Đỗ Anh Vũ đã phát triển thêm qua sự bừng ngộ của nhân vật:
“Thành tâm lĩnh ý tôn huynh
Nửa đời mê muội giờ mình ngộ ra”.
Ra khỏi không khí cổ xưa, ở “Rừng xà nu”, Đỗ Anh Vũ đã truyền vào độc giả bầu khí quyển chiến trận của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nơi mảnh đất Tây Nguyên bạt ngàn những cánh rừng xà nu. Anh đã tái hiện thiên nhiên hùng vĩ mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn của ngòi bút Nguyễn Trung Thành:
“Có cây bị đứt ngang phân nửa
Đổ ào ào nghe tựa bão về
Vết thương nhựa ứa tràn trề
Long lanh, ngào ngạt, nắng hè gắt gay
…
Xà nu hướng về miền nắng vỡ
Nhựa bay ra thơm mỡ thơm màng
Những cây đã lớn hiên ngang
Không hề sợ hãi trăm ngàn đạn bom
Xà nu che chở buôn làng
Căng vòm ngực lớn muôn vàn bao la”
Có cảm giác Đỗ Anh Vũ như một phù thủy chữ, anh chỉ thay đổi trật tự, cắt ghép câu văn nguyên tác, đã đem đến hình hài mới cho tác phẩm của mình. “Nắng vỡ” là cách dùng từ rất Vũ, mạnh, gợi cảm, nắng Tây Nguyên được khắc họa ở mức độ cực tả, là môi trường thử thách khắc nghiệt, thiên nhiên kì vĩ, phóng khoáng như từ thời sử thi của những Đăm Săn, Xinh Nhã, xứng đáng với loài cây xà nu man dại, trong sạch, yêu ánh sáng, ham tự do. Đó chính là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của người Xô Man.
Câu chuyện cụ Mết kể cho dân làng nghe về cuộc đời bi tráng của Tnú, phẩm chất của nhân vật được anh mã hóa bằng những kí tự thơ ngắn gọn, đầy đủ:
“Cuộc đời của nó khổ ghê
Nhưng lòng nó tựa suối kia đầu làng
Thủy chung, trong sạch mênh mang
…
Giặc trói Tnú, ném vào trong góc
Và bây giờ thằng Dục bước ra
Ngón tay Tnú sáng lòa
Dầu xà nu tẩm, thịt da nào còn”
Ở nguyên tác tả: “Mười ngón tay anh thành mười ngọn đuốc sáng” thì Đỗ Anh Vũ chuyển thành: “Ngón tay Tnú sáng lòa”, khiến khổ thơ cũng như lấp lánh sáng lên trong nỗi đau bi hùng. Tôi thích lối diễn xướng lịch sử giản dị ở Vũ. Thơ anh hay vì không đại ngôn, nhưng được gọt dũa tỉ mỉ từng câu chữ, thấy được những khoảnh khắc nhọc nhoài trong lao động nghệ thuật.
Tuy nhiên, văn bản chuyển soạn sẽ chặt chẽ và tận tụy với nguyên tác hơn, nếu Đỗ Anh Vũ không bỏ qua chân lý lịch sử mà Nguyễn Trung Thành đã gửi gắm vào lời của nhân vật cụ Mết, trong câu chuyện vang vang giữa đại ngàn, đêm nhà ưng dài như một tiếng chiêng đồng: “Nhớ lấy, ghi lấy, sau này tau chết đi rồi, bay còn sống, phải để cái nhớ lại cho con cháu, chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”.
Đỗ Anh Vũ là ngòi bút đa giọng điệu, rong chơi trên khắp nẻo đời, tung tẩy, cười xòa, khi lại lắng đọng, dư ba. Có cảm giác, chốn văn chương, thơ phú, địa hạt nào cũng trong ngòi bút anh. Ấy chính là cách anh mài ngọc. Đọc “Chí Phèo”, ta thấy anh diễn đạt rất chỉnh trạng thái nhập nhòa, say- tỉnh; ma- người; ác độc- thiện lương của nhân vật Chí Phèo:
“Bây giờ không trẻ không già
Chí Phèo là quỷ, là ma, là người?
Bao lần ăn vạ kêu trời
Bao lần đâm chém tả tơi trong làng
Cơn say tràn ngập mênh mang
Bao cơ nghiệp tan hoang cũng đành
Dân làng xa lánh, chạy nhanh”
Và khi bản năng đàn ông trong Chí được Thị Nở đánh thức, anh đã bắt bằng những vần thơ rất chỉnh, táo bạo, vô cùng đời thường:
“Đôi tay trần để buông xuôi, há mồm
Váy đen thì xộc xệch luôn
Yếm đeo xẹo xọ, cái sườn nây nây
Chí Phèo bỗng thấy ứ đầy
Râm ran nhộn nhạo thế này, trời ơi”
Và cảnh lứa đôi yêu nhau cũng rất Chí Phèo, rất người:
“Chí Phèo cười giữa cơn say
Sở trường của bố mày đây: kêu làng
Bỗng nhiên Thị Nở rộn ràng
Giúi lưng hắn xuống sẵn sàng yêu nhau”
Anh chạm trổ vẻ đẹp của tình yêu bằng cụm từ “làm việc nhiệm màu tình yêu”, bằng sự kết hợp giữa hành động mộc mạc nhưng thực tế- “làm việc” với sự bay bổng lãng mạn- “nhiệm màu tình yêu”. Đó là cách kiến tạo ngôn ngữ từ cách hài hòa các yếu tố tưởng như trái ngược nhau. Anh còn độc đáo ở chỗ, đưa ngôn ngữ mạng nhào trộn cùng từ loại điển hình:
“Một nồi cháo nóng nguyên xi
Thị vừa nấu đấy, hi hi cháo hành
…
Con dao đã rút ra rồi
Chí đâm túi bụi đồng thời kêu to
Khi dân làng đến kéo vô
Cả hai hồn đã đu đưa suối vàng”
Thể thơ dân tộc lục bát đã được mạng hóa, “hi hi” vốn để hiệp vần với “xi”, nó còn là kí tự tiếng Anh dùng để chào, dân cư mạng thì dùng để biểu thị tiếng cười, sự vui vẻ. Còn như “đu đưa” là cách nói mang tính giải trí, theo trend của giới trẻ “đi đu đưa”. Chí Phèo và Bá Kiến đã dắt nhau đến một thế giới khác, nhẹ nhàng hơn bối cảnh bạo lực ở nguyên tác. Đó phải chăng là góc nhìn mới của một độc giả- nghệ sĩ? Đỗ Anh Vũ đã đưa vào thế giới nghệ thuật của mình, hiện tượng ngôn ngữ mạng, có giá trị lưu lại lịch sử thói quen sử dụng từ ngữ của một thời kỳ.
Theo tôi, nghệ sĩ không chỉ là người “thư ký trung thành của thời đại” mà còn phải là người đón trước, dự báo những xu thế chuyển vần tích cực, tất yếu của văn học, để bắt kịp nhu cầu của công chúng và sự xê dịch phù hợp trong quá trình phát triển, đi lên của xã hội. Vẻ đẹp của ngôn ngữ không nằm ở chỗ nó là bảo tàng các giá trị được nhà văn chân chính, tài năng sáng tạo mà còn là điểm tựa khơi nguồn cảm hứng, để có thể tạo ra các tác phẩm phái sinh. Cách chuyển soạn các tác phẩm văn học nhà trường thành thơ như Đỗ Anh Vũ đã nối dài thêm đời sống của nguyên tác cũng như của người khai sinh ra chúng. Sự sáng tạo của Đỗ Anh Vũ mở ra một lối tiếp cận văn học mới cho công chúng, vì thế đời sống văn học hiện đại trở nên sôi nổi và đa diện hơn.
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/do-anh-vu-trong-cuoc-rong-choi-chu-nghia-a598240.html