Độ bao phủ của xét nghiệm HIV tại cộng đồng vẫn chưa cao
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 14/8/2023 về Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Để làm rõ hơn việc triển khai Quyết định này, phóng viên báo Tin tức đã phỏng vấn ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).
Xin ông cho biết công tác xét nghiệm sàng lọc HIV trong cộng đồng đang triển khai ra sao? Hiệu quả của hoạt động này trong kiểm soát dịch như thế nào?
Hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV hiện đã được quy định trong Luật Phòng, chống HIV/AIDS là: “Xét nghiệm sàng lọc HIV được thực hiện tại cơ sở y tế, tại cộng đồng và tự xét nghiệm.”
Tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 14/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 cho phép “Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 95% vào năm 2030; giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao”.
Để thực hiện hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng có hiệu quả và đảm bảo chất lượng, chúng tôi đã có một số văn bản, hướng dẫn chuyên môn, cụ thể là: Nghị định 75/2026/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về điều kiện thực hiện xét nghiệm HIV đã được sửa đổi tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ trong đó có quy định điều kiện thực hiện hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng và Quyết định 2673/QĐ-BYT ngày 27/4/2018 của Bộ Y tế về hướng dẫn triển khai tư vấn xét nghiệm HIV; trong đó quy định quy trình hình thức triển khai, các mô hình triển khai cũng như các quy định về kiểm soát chất lượng, trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan phân cấp từ Trung ương, các viện khu vực, sở y tế.
Trên cơ sở hành lang pháp lý trên, Cục phòng chống HIV/AIDS đã phối với với các tổ chức, đơn vị, cá nhân triển khai hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng; hoạt động này đang triển khai rất hiệu quả, góp phần phát hiện ra nhiều người nhiễm HIV để đưa vào điều trị giúp người nhiễm có sức khỏe tốt hơn và góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV ra cộng đồng thấp đi.
Hiện nay hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng đang triển khai ở 35 tỉnh, thành phố với sự hỗ trợ tích cực về sinh phẩm cũng như kỹ thuật triển khai của PEPFAR, Quỹ Toàn cầu, tổ chức Y tế thế giới… Theo báo cáo số liệu ghi nhận hằng năm đã phát hiện hơn 11.000 ca nhiễm HIV; trong đó, hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng chiếm khoảng 70%.
Các kỹ thuật hiện nay đang sử dụng trong hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV ra sao? Hiệu quả của các kỹ thuậtnày như thế nào, thưa ông?
Nhằm đạt mục tiêu 95% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV và tiến tới kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030 của UNAIDS, hiện nay Việt Nam đã áp dụng hình thức tư vấn xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế và cả cộng đồng.
Cụ thể, tư vấn xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế do nhân viên y tế thực hiện; tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng được thực hiện theo hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định số 2673/QĐ-BYT ngày 27/04/2018; hình thức này có thể do nhân viên y tế hoặc nhân viên cộng đồng thực hiện hoặc người được xét nghiệm tự xét nghiệm. Hình thức tự xét nghiệm thường là xét nghiệm nhanh, đơn giản, dễ thực hiện mà không đòi hỏi phải được đào tạo chuyên sâu. Người làm có thể dễ dàng lấy máu đầu ngón tay hoặc dịch miệng để làm xét nghiệm mà không có nguy cơ lây nhiễm.
Hiện hầu hết các xét nghiệm nhanh trên thị trường đều có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao, tới trên 95%. Những xét nghiệm sàng lọc trên cộng đồng này không được sử dụng làm tiêu chuẩn chẩn đoán nhiễm HIV mà các trường hợp xét nghiệm có phản ứng đều phải được làm xét nghiệm khẳng định tại cơ sở y tế chuyên trách để khẳng định tình trạng nhiễm. Xét nghiệm tại cộng đồng giúp mở rộng tiếp cận tới nhóm quần thể khó tiếp cận để sàng lọc những người có nguy cơ, kết nối từ cộng đồng đến cơ sở y tế.
Việc phối hợp với các tổ chức, xã hội hóa trong sàng lọc, phát hiện ca mắc mới HIV trong cộng đồng thời gian qua đang triển khai như thế nào, Cục có tiêu chí nào kiểm soát chất lượng, hoạt động này hay không, thưa ông?
Việc phối hợp và xã hội hóa công tác tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng hiện nay đang triển khai và ghi nhận nhiều thành quả. Đặc biệt, đáng chú ý là nhóm quần thể nguy cơ cao như cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), họ thường thích liên hệ với người trong "giới" hơn là liên hệ với nhân viên y tế, do đó xu hướng là thúc đẩy các doanh nghiệp xã hội có tư cách pháp nhân thành lập các phòng khám tư nhân thân thiện chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng để dễ tiếp cận nhóm nguy cơ này.
Để kiểm soát chất lượng hoạt động này chúng tôi có các điều kiện về pháp lý như Nghị định số 155/2018/NĐ- CP trong đó có quy định điều kiện thực hiện hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, Quyết định 2673/QĐ-BYT về hướng dẫn triển khai tư vấn xét nghiệm HIV trong đó quy định quy trình hình thức triển khai, các mô hình triển khai cũng như các quy định về kiểm soát chất lượng, trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan phân cấp từ Trung ương, các bệnh viện khu vực, Sở Y tế, cơ quan đầu mối phòng chống HIV/AIDS tuyến tỉnh và các đơn vị, cá nhân cộng đồng.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế như USCDC, WHO… đã tổ chức tập huấn, “cầm tay chỉ việc” cho nhiều tổ chức cộng đồng để họ có thể thực hiện tốt hoạt động này… Các tổ chức cộng đồng cũng đã rất nỗ lực để tham gia triển khai hoạt động này.
Kinh phí hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đang bị thu hẹp có ảnh hưởng gì đến hoạt động xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng, công tác xét nghiệm sàng lọc còn gặp phải những khó khăn nào, thưa ông?
Hiện công tác xét nghiệm sàng lọc HIV trong cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí xét nghiệm tại cộng đồng hiện tại chủ yếu từ nguồn viện trợ, còn ngân sách nhà nước chỉ cung cấp cho những hoạt động thiết yếu gồm chẩn đoán và điều trị. Trong bối cảnh các nguồn viện trợ đều cắt giảm, kinh phí chủ yếu dành cho sinh phẩm, không có kinh phí chi trả cho người làm xét nghiệm, vì vậy độ bao phủ của xét nghiệm tại cộng đồng vẫn chưa cao (mới chỉ có tại 35/63 tỉnh, thành phố).
Bên cạnh đó, khó khăn trong công tác xét nghiệm sàng lọc tại cộng đồng hiện nay còn ở việc giám sát, hỗ trợ kỹ thuật, đảm bảo chất lượng xét nghiệm của các nhóm cộng đồng.
Chất lượng xét nghiệm của các tổ chức cộng đồng hiện cũng không đồng đều, có những tổ chức làm rất tốt, nhưng cũng có những tổ chức thực hiện chưa tốt, chưa tiếp cận đúng đối tượng đích và chưa kết nối với cơ sở y tế. Với phạm vi địa bàn hoạt động lớn, dàn trải, rất khó để cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố có thể theo sát các hoạt động xét nghiệm tại cộng đồng.
Vậy theo ông, để tiếp tục triển khai, duy trì thành quả phòng chống dịch HIV, hướng tới chấm dứt dịch bệnh trong thời gian tới, chúng ta cần những giải pháp nào?
Để tiếp tục triển khai, duy trì thành quả chống dịch, hướng tới chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS trong thời gian tới, Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đã có 11 nhóm giải pháp được đưa ra, trong đó Cục Phòng, chống HIV/AIDS tập trung vào các giải pháp như: Tăng cường thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS kết hợp với thực hiện các hoạt động phối hợp liên ngành phù hợp; tăng cường huy động cộng đồng tham gia cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS nhằm bảo đảm tính phù hợp với thực tế và đồng bộ với hệ thống pháp luật khác có liên quan.
Đồng thời, cần đổi mới tư duy và phương tiện truyền thông, nâng cao chất lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV; đổi mới và đa dạng hóa các biện pháp can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV. Trong đó, tập trung triển khai các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm có nguy cơ nhiễm HIV cao như: Người sử dụng ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm và bạn tình, bạn tiêm chích của người nhiễm HIV; điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện, mô hình can thiệp cho người sử dụng ma túy tổng hợp, người sử dụng ma túy dạng kích thích Amphetamine (ATS) và người sử dụng đa ma túy, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao qua hệ thống y tế nhà nước và tư nhân.
Chúng ta cần chú trọng việc đa dạng hóa các dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV, mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng, xét nghiệm HIV lưu động và tự xét nghiệm HIV; ứng dụng các kỹ thuật, sinh phẩm xét nghiệm mới, phương pháp lấy mẫu mới trong chẩn đoán nhiễm HIV, xác định những người có hành vi nguy cơ cao để triển khai các biện pháp can thiệp phù hợp phòng lây nhiễm HIV; mở rộng và đảm bảo chất lượng xét nghiệm HIV.
Vấn đề mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị HIV/AIDS cũng cần được chú trọng hơn nữa. Cần có sự huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị HIV/AIDS; nâng cao hiệu quả giám sát phát hiện điều trị các bệnh đồng nhiễm gồm Lao, viêm gan B, C và các bệnh lây truyền qua đường tình dục…
Cùng với đó là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ giám sát, quản lý, cung ứng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Các nguồn lực từ bảo hiểm y tế, viện trợ và xã hội hóa cũng cần được huy động tối đa. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai hoạt động hỗ trợ kỹ thuật để củng cố và tăng cường năng lực mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS các tuyến, đặc biệt là tuyến tỉnh và tuyến huyện…
Xin cảm ơn ông!