Dở dang dự án nghìn tỷ đồng vào tay Út 'trọc': Ai chịu trách nhiệm?- Bài 2: Hệ lụy của việc 'giao trứng cho ác'
Ngày 27/4/2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải ký văn bản số 591/TTg-KTNN đồng ý về nguyên tắc cho UBND TP HCM thực hiện dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP HCM – Trung Lương (giai đoạn 1).
Chỉ đúng 1 tuần sau đó, ngày 4/5/2015, UBND TP HCM có công văn chấp thuận chỉ định Công ty CP Yên Khánh, do Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị là nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương (giai đoạn 1) theo hình thức BOT (gọi tắt tuyến nối cao tốc TP HCM - Trung Lương) làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
UBND TP HCM giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) khẩn trương tổ chức thẩm định trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các thủ tục chỉ định nhà đầu tư dự án theo đúng quy định hiện hành. UBND TP HCM ủy quyền cho Giám đốc Sở GTVT chịu trách nhiệm phê duyệt các thủ tục trong quá trình chỉ định nhà đầu tư theo đúng quy định.
Ngày 14/5/2015 UBND TP HCM ký văn bản chỉ định giao dự án, Tập đoàn Yên Khánh có văn bản về báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP HCM – Trung Lương theo hình thức hợp đồng BOT.
Sau đó, ngày 13/10/2015, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM (ông Cường hiện là Trưởng ban Ban quản lý đường sắt Đô thị TP HCM) ký quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư dự án tuyến nối cao tốc TP HCM – Trung Lương.
Tiếp đến, ngày 15/10/2015, ông Bùi Xuân Cường ký quyết định duyệt hồ sơ là căn cứ pháp lý để cấp thẩm quyền thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án xây dựng tuyến nối cao tốc TP HCM – Trung Lương.
Tiếp đến, ngày 16/10/2015, Khu quản lý Giao thông đô thị số 4 thuộc Sở GTVT phát hành hồ sơ yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng tuyến nối cao tốc TP HCM – Trung Lương vào lúc 14h ngày 16/10/2015 và đóng thầu lúc 14h ngày 16/11/2015 (Đúng theo Luật đấu thầu - PV).
Tuy nhiên, ngày 17/10/2015, Tập đoàn Yên Khánh có văn bản gửi Sở GTVT “xin giúp đỡ”, sau đó Sở GTVT đồng ý đóng thầu lúc 9h ngày 19/10/2015 và mở thầu lúc 9h10 ngày 19/10/2015. Thời gian đánh giá hồ sơ đề xuất từ 9h ngày 19/10/2015 đến ngày 21/10/2015.
Trong khi đó, Nghị định số 30/2015-NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, thời gian chuẩn bị hồ sơ dự sơ tuyển tối thiểu là 30 ngày, kể từ ngày đầu tiên phát hành hồ sơ mời sơ tuyển cho đến ngày có thời điểm đóng thầu. Như vậy, Giám đốc Sở GTVT TP HCM đã làm trái Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu.
Ngày 22/10/2015, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM ký văn bản gửi UBND TP HCM báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án xây dựng tuyến nối cao tốc TP HCM – Trung Lương. Đây là loại hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT); thời gian thực hiện hợp đồng là 19 năm 2 tháng với tổng mức đầu tư là: 1.557.518 triệu đồng trình UBND TP HCM.
Sau một ngày, ngày 23/10/2015, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP HCM ký quyết định phê duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng đoạn tuyến nối cao tốc TP HCM – Trung Lương theo hình thức BOT (ông Tín đã bị TAND TP HCM tuyên phạt 7 năm tù trong vụ án sai phạm giao đất cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 do Vũ “nhôm” làm Chủ tịch HĐQT vào cuối năm 2019).
UBND TP HCM giao cho Sở GTVT chịu trách nhiệm báo cáo kết quả lựa chọn nhà đầu tư theo đúng qui định; đồng thời phối hợp với nhà đầu tư được chỉ định hoàn chỉnh dự thảo, đàm phán hợp đồng BOT.
Ngày 26/1/2016, UBND TP HCM thành lập Nhóm công tác liên ngành đàm phán dự thảo hợp đồng BOT tuyến nối cao tốc TP HCM – Trung Lương gồm Sở GTVT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng,… do ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT làm tổ trưởng; ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT tổ phó; đại diện các sở, ngành làm thành viên.
Nhóm này làm việc với Tập đoàn Yên Khánh và sau đó kiến nghị UBND TP HCM chấp thuận dự thảo hợp đồng BOT dự án đầu tư xây dựng tuyến nối cao tốc TP HCM – Trung Lương.
Khi có các “lá bùa” phê duyệt kết quả chỉ định thầu trong tay, Tập đoàn Yên Khánh tiếp tục ung dung thương thảo với Sở GTVT (đơn vị được UBND TP HCM ủy quyền cho lựa chọn và ký hợp đồng với nhà đầu tư). Theo đó, nhà đầu tư tự thu xếp nguồn vốn đầu tư hợp pháp để thực hiện dự án theo hình thức Hợp đồng BOT.
Ngày 25/6/2016, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM đại diện UBND TP HCM ký kết hợp đồng BOT (số 3233/HĐ. BOT-UBND) với chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Yên Khánh do bà Vũ Thị Hoan - Giám đốc tập đoàn làm đại diện (hiện bà Hoan đã bị Tòa án Quân sự tuyên 7 năm tù vì tội danh lừa đảo trong vụ án sai phạm đất quốc phòng ở đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM).
Và rồi, tháng 6/2016, dự án đầu tư xây dựng tuyến nối cao tốc TP HCM –Trung Lương được khởi công xây dựng rầm rộ, hoành tráng, nhưung sau đó đã dừng thi công.
Vào cuối năm 2020, tại phiên tòa xét xử vụ án cao tốc TP HCM - Trung Lương, trước câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát về mục đích thành lập các công ty, bị cáo Đinh Ngọc Hệ khai, mục đích là nhằm tạo việc làm cho con cháu, đem lại lợi nhuận và đóng thuế cho Nhà nước.
Về việc thành lập một loạt công ty nhưng không trực tiếp kiểm tra, giám sát bất kỳ công ty nào, bị cáo Hệ khai do tin tưởng giám đốc điều hành và thấy các công ty vẫn phát triển nên không để ý tới. Út “trọc” cũng cho biết, chỉ sau khi bị khởi tố, bị cáo mới biết Công ty Yên Khánh lỗ lũy kế 2 năm liên tiếp (2013-2014).
Rút cục, một dự án hạ tầng trọng điểm có số vốn đầu tư lên đến hơn 1.500 tỷ đồng, nhưng một số quan chức có trách nhiệm đã vung tay thẩm định, chỉ định, phê duyệt nhà đầu tư quá vội vàng, dẫn đến giao dự án theo kiểu “giao trứng cho ác”.
Trách nhiệm về việc cố tình giao cho nhà đầu tư yếu kém về tài chính, năng lực thi công, làm ăn thua lỗ như tập đoàn của Út "trọc” thực hiện dự án hàng ngàn tỷ đồng tuyến nối cao tốc TP HCM –Trung Lương thuộc về ai?
Theo nguồn tin của Báo Đại Đoàn Kết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an đã xác minh vụ việc có liên quan đến quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao của hợp đồng BOT số 3233/HĐ.BOT-UBND ngày 25/6/2016 ký kết giữa UBND TP HCM và Tập đoàn Yên Khánh.
Hy vọng cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ sớm làm rõ sai phạm, xử lý nghiêm trước pháp luật.