Do đâu Chelsea thù ghét Tottenham cực độ?
Nếu bạn hỏi các fan của Chelsea xem họ ghét ai nhất, câu trả lời rất rõ ràng là ông hàng xóm Tottenham chứ không phải Man United hay Liverpool.
Đây là sự thù địch khá khó hiểu bởi Tottenham kém hẳn Chelsea về mặt danh hiệu. Họ vẫn chưa từng vô địch Premier League và trong tủ bày cúp chỉ có 1 Cúp FA và 2 Cúp Liên đoàn.
Trong khi đó, Chelsea có 24 danh hiệu lớn nhỏ, đủ cả giải hạng Nhất, giải Ngoại hạng, các cúp châu Âu và vô số Cúp FA Cup hay Cúp Liên đoàn. Nhưng sự thù địch vẫn dữ dội hơn bao giờ hết.
Mark Worrall, tác giả của một số cuốn sách viết về Chelsea, kể: “Tôi đã đưa con gái đi xem trận bóng đá đầu tiên trong đời, Chelsea tiếp Everton. Trên khán đài, bài hát truyền thống Liquidator (một bài hát đã được chơi ở Stamford Bridge trong hơn 50 năm) vang lên và người hâm mộ Chelsea đồng thanh hát: Chúng tôi ghét Tottenham. Con gái tôi hỏi: Sao lại réo tên Tottenham khi gặp Everton?
Quả là một sự thù địch khó lý giải. Nó giống như bẩm sinh vậy. Bất cứ ai dưới 30 tuổi không có lý do thực sự để ghét The Spurs ở quan điểm đối thủ cạnh tranh. Họ đã làm gì? Họ là những thằng trẻ con hay gây phiền phức mà bạn luôn đánh bại. Họ không phải là đối thủ, là món quà 3 điểm. Thế nhưng Chelskis vẫn ghét họ”.
Vậy làm thế nào mà mối thù hận đó bắt đầu? Dấu hiệu đầu tiên của sự thù hận thực sự xuất hiện vào những năm 1960, khi fan Chelsea chứng kiến tài năng Bobby Smith đào tẩu sang Spurs và giành cú đúp vô địch quốc gia và FA Cup năm 1961.
Sau đó, là 2 ngôi sao Jimmy Greaves và Terry Venables chọn đầu quân Spurs thay vì Chelsea và đánh bại The Blues trong trận chung kết FA Cup 1967. Đây là lần cạnh tranh đầu tiên giữa 2 câu lạc bộ (CLB) London. Sự tức giận và thất vọng của cổ động viên (CĐV) Chelsea với những điều này là quá lớn.
Nhà sử học của Chelsea, Rick Glanvill, nói: “Đã có rất nhiều bạo lực bên sân cỏ giữa CĐV của hai đội. Họ đánh nhau như quân thù”. Một fan già đời của Chelsea là David Chidgey cho biết thêm: “Không giống như bây giờ, vào những năm 1960, rất nhiều trẻ trâu London chọn ủng hộ Chelsea hoặc Tottenham.
Vì vậy, nếu đội bóng của bạn đội kia vào cuối tuần, bạn sẽ bị chế giễu ê mặt cả tuần hoặc cả tháng. Cảm xúc của thắng thì vui, thua thì nhục cứ lớn lên dần theo tuổi đời và nó đã trở thành gien di truyền”.
Ở London có những gia đình thuần ủng hộ Chelsea hoặc Tottenham. Thật bi kịch cho gia đình nào có những “nghịch tử” đi ngược truyền thống. Các cầu thủ mới đến Chelsea, chẳng có cách nào tốt nhất để chiếm cảm tình CĐV nhà bằng việc thể hiện sự căm ghét Gà Trống hay đánh bại họ. Cựu thủ quân Dennis Wise từng đảm nhiệm việc bồi bổ sự thù ghét Spurs cho các đồng đội.
Sự lây lan của chủ nghĩa Holigan trên sân cỏ đã đưa mọi thứ đến một khía cạnh thậm chí còn khó tin hơn. Sân White Hart Lane là nơi các CĐV Chelsea có thể bị đuổi đánh từ trong sân ra đường phố. Những nắm đấm và gậy gộc là phương tiện cổ vũ ưa thích.
Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cũng xuất hiện ở mối kình địch này. Chelsea đã bị xâm nhập bởi các nhóm phân biệt chủng tộc như Combat 18 vào những năm 1980. Có rất nhiều chủ nghĩa bài Do Thái xuất hiện.
Ví dụ, vào những năm 1980, CĐV Chelsea đã hát về tiền đạo của Tottenham là Steve Archibald: “Chim chiminey, chim chiminey, chim chim cher-oo. Mày từng là dân Scot giờ lại thành thằng Do Thái”. Thật kinh tởm.
Nhưng ông chủ Roman Abramovich lại là người Nga gốc Do Thái nên ông ta đã nỗ lực phối hợp để nghiêm túc dập tắt chủ nghĩa bài Do Thái ở Chelsea, thông qua sự kết hợp giữa trừng phạt và giáo dục. Tuy nhiên, trận chiến này vẫn đang tiếp diễn.
Một trong những trận đấu nổi tiếng nhất đã diễn ra trong chiến dịch tồi tệ nhất của Chelsea dưới thời Abramovich vào năm 2015/16. Trận hòa 2-2 được gọi là “Trận chiến Cây Cầu” do 12 cầu thủ bị nhận thẻ vàng (Tottenham lập kỷ lục Premier League với 9 cầu thủ nhận thẻ) và sự thay đổi cục diện trước tiếng còi mãn cuộc.
Người hâm mộ Chelsea phản ứng như thể đội bóng của họ đã giành được một chiếc cúp trong khi họ đã đứng ngoài cuộc đua vô địch. Trận hòa đó đã khiến Spurs mất cơ hội tranh ngôi vương với Leicester, và thế là hòa mà còn sướng hơn cả trúng số độc đắc.
Khi Chelsea trở nên thành công hơn, danh sách địch thủ đáng ghét của họ cũng dài hơn. Liverpool, Arsenal, Man United và thậm chí cả Barcelona. Thế nhưng, Tottenham vẫn cứ là đối thủ bị căm hận và thù địch nhất, cho dù vô hại và yếu ớt hơn xưa rất nhiều.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/quoc-te/do-dau-chelsea-thu-ghet-tottenham-cuc-do-134399