Đò Lèn bất khuất

Ngày ấy, họ là những cô thôn nữ, tuổi vừa tròn mười tám, đôi mươi, không tiếc tuổi xuân, hiên ngang bước vào cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Chuyện về họ không nhiều người biết, nhưng những nữ dân quân ở xã Hà Tiến, huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa) đã đóng góp một phần công sức mình cho công cuộc thống nhất đất nước, mở ra thời kỳ độc lập, tự do cho dân tộc.

Cầu Đò Lèn, chứng tích oanh liệt một thời của quân và dân Hà Trung trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Nguyễn Chung.

Cầu Đò Lèn, chứng tích oanh liệt một thời của quân và dân Hà Trung trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Nguyễn Chung.

Những anh hùng “chân đất”

Cứ mỗi tháng Tư về, khi những chùm hoa gạo bắt đầu thắp lửa ở lưng chừng trời, bà Nguyễn Thị Cúc - một thành viên của Trung đội nữ dân quân xã Hà Tiến năm xưa lại run rẩy lật giở bằng khen, ảnh tư liệu cũ về những đồng đội cùng chung chiến hào ngày ấy, trong niềm xúc cảm rưng rưng. Gần 60 năm - một quãng thời gian tưởng dài, nhưng với bà, tất cả chỉ như vừa mới đâu đó ngày hôm qua. “Sau chiến công bắn rơi máy bay Mỹ trên chiến trường cầu Đò Lèn, chúng tôi được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và có rất nhiều nhà thơ, nhà báo về đưa tin chiến thắng nữa đấy… Vậy mà, giờ người còn, người mất” - bà Cúc hoài niệm.

Bà Cúc hồi tưởng, sau những thất bại liên tiếp của ngụy quyền Sài Gòn, Mỹ đã tiến hành đưa quân vào miền Nam, đồng thời đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân ngày càng ác liệt. Ở Thanh Hóa, những khu vực kinh tế trọng điểm, khu vực đông dân cư, tuyến đường vận chuyển huyết mạch bị đánh phá ác liệt như: Cầu Đò Lèn, ga Lèn (Hà Trung), Phà Thắm (Nga Sơn), kênh De (Hậu Lộc), cầu Hàm Rồng (thị xã Thanh Hóa)… nhằm cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn cho chiến trường miền Nam.

Năm 1966, khi máy bay Mỹ tiến hành đánh phá ác liệt vào trọng điểm cầu Đò Lèn và ga Lèn, huyện Hà Trung đã khẩn trương thành lập các Trung đội dân quân để bảo vệ các mục tiêu. Huyện đội Hà Trung đã thành lập một Trung đội nữ dân quân tại xã Hà Tiến, gồm 10 cô gái ở làng Đồng Ô, do bà Đỗ Thị Phách làm Trung đội trưởng, có nhiệm vụ hiệp đồng tác chiến với các trung đội dân quân khác trong huyện và các lực lượng vũ trang để bảo vệ cầu Đò Lèn, ga Lèn.

Vào tháng 11/1967, khi phát hiện tại ga Lèn có tàu hàng của ta đang chở lương thực và quân vào chiến trường miền Nam, giặc Mỹ đã tiến hành hàng trăm đợt không kích, bắn phá, nhằm hủy diệt các mục tiêu. Để bảo vệ tàu và tuyến giao thông huyết mạch, Trung đội nữ dân quân Hà Tiến đã ngày đêm đào công sự trên đỉnh đồi Gió, chuẩn bị trận địa kiên quyết đánh trả khi có máy bay địch đến bắn phá. Đồng thời chia nhau chặt cây, ngụy trang cho đoàn tàu. Ngày ấy, cả trung đội 10 người của bà Cúc được cấp trên giao cho 2 khẩu Đại liên 12,7 ly và 2 khẩu 12,8 ly. Mỗi đợt oanh tạc, giặc lái Mỹ thường chia thành nhiều tốp, mỗi tốp gồm 4 máy bay F4 hoặc A4D, liên tục bổ nhào để ném bom.

“Cứ mỗi lần máy bay Mỹ bổ nhào, Trung đội trưởng Đỗ Thị Phách lại đứng thẳng, tay phất cờ hô khẩu lệnh điểm xạ… Cứ như vậy, hết tốp này đến tốp khác, chúng tôi vẫn kiên cường bám trụ bắn trả quyết liệt, cùng với các đơn vị bạn tạo thành một lưới lửa phòng không dày đặc, không cho giặc lái tiếp cận và đánh trúng các mục tiêu” - giọng bà Cúc hào hứng.

Khi đó, hầu hết các nữ xạ thủ tham gia chiến đấu, tuổi đời đang còn rất trẻ, chị em đều chưa có kinh nghiệm sử dụng súng đạn. Nhưng khi đối đầu với giặc Mỹ, dù là trực tiếp hay gián tiếp thì các chị em trong trung đội đều thể hiện bản lĩnh vững vàng, tự tin. Quần nhau với hết tốp máy bay này đến tốp máy bay khác lao vào trút bom, bắn rốc két đến quên cả cái chết luôn cận kề…

Bà Cúc cho biết, những ngày đầu tham gia chiến đấu, nghe tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom rơi, đạn nổ, cát đá mịt mù, các trung đội bạn lớp hy sinh, lớp bị thương nên cũng có sợ! Nhưng lòng căm thù và ý chí đánh thắng giặc Mỹ xâm lược đã xóa nhòa tất cả. Cứ lúc nào máy bay bổ nhào trút bom là người tiếp đạn, người hô khẩu lệnh nhả đạn. Nhiều hôm không có cả thời gian để ăn một củ khoai, uống một ngụm nước. Đêm đến lại thay phiên nhau củng cố công sự, chiến hào, chuẩn bị cho trận chiến ngày hôm sau.

“Tôi còn nhớ như in, đúng 16 giờ ngày 20/11/1967, lợi dụng lúc mặt trời chiếu ngược nắng, một tốp gồm 4 máy bay F4 của Mỹ bay vòng từ vùng Thượng Lào xuống, bổ nhào cắt bom vào cầu Đò Lèn, chúng tôi chỉ kịp xoay nòng cả 4 khẩu trọng liên vào hướng các máy bay đang điên cuồng lao tới để nhả đạn cùng với các đơn vị bạn. Một máy bay đã trúng đạn và bốc cháy lao về phía biển. Khi ấy, chưa ai trong trung đội dám tin rằng mình vừa bắn cháy máy bay Mỹ. Chỉ đến khi Trung đoàn 250 và đơn vị ra-đa tỉnh Thanh Hóa thông báo xác nhận máy bay địch trúng đạn của đơn vị dân quân Hà Tiến, chúng tôi mới vỡ òa, ôm nhau sung sướng, hò reo trong nước mắt” - bà Cúc hồi tưởng.

Với thành tích này, Trung Đội dân quan tự vệ Hà Tiến được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và tặng Huy hiệu ngay sau đó ít ngày. Đồng thời, cả trung đội được thưởng Huân chương Quân công hạng Ba. “Tôi nhớ không nhầm thì chúng tôi là đơn vị nữ dân quân thứ 2, sau đơn vị nữ dân quân xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc dùng súng bộ binh hạ được máy bay F4” - bà Cúc nói.

Bà Nguyễn Thị Cúc.

Bà Nguyễn Thị Cúc.

Hạnh phúc của hòa bình

Tôi tìm về thôn Đồng Ô, với hy vọng sẽ gặp được đầy đủ 10 cô gái của trung đội dân quân năm xưa, để được nghe họ kể về một thời dấn thân, máu lửa... Nhưng không, sau những chìm nổi mưu sinh thời bình, 10 cô gái ngày ấy nay chỉ còn quá nửa. Người vì tuổi cao, bệnh tật, người thì theo cháu con, hưởng tuổi già ở khắp mọi miền đất nước. Nơi chiến địa xưa, giờ là những bãi lúa, bờ ngô xanh mướt. Cầu Đò Lèn vẫn sừng sững hiên ngang - chứng tích cho tinh thần bất khuất, kiên trung của quân và dân Hà Trung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đứng bên cạnh là cây cầu Đò Lèn mới được xây dựng kiên cố, rộng rãi, ngày đêm tấp nập xe cộ ra Bắc, vào Nam…

Những cô gái dân quân ngày ấy, người còn sống đều đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”. Hầu hết họ đều có cuộc sống ổn định, con cái được học hành đầy đủ và thành đạt. Dù ở hoàn cảnh nào, các cô gái dân quân tự vệ Hà Tiến năm xưa vẫn luôn nêu gương cho con cháu và thế hệ sau noi theo.

Trung Đội nữ dân quân xã Hà Tiến. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trung Đội nữ dân quân xã Hà Tiến. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Nhiều gia đình của đồng đội tôi đã có con cái thành đạt, đang công tác trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và có nhiều cống hiến cho sự phát triển của tỉnh nhà, như: Gia đình bà Đỗ Thị Phách, Nguyễn Thị Bên, Mai Thị Phiên, Mai Thị Mạnh…” - bà Cúc tự hào nói.

Ông Mai Đức Chinh - Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tiến không giấu được niềm tự hào pha lẫn nỗi niềm trăn trở của mình khi nói về Trung đội nữ dân quân trong kháng chiến chống Mỹ của xã: “Họ là niềm tự hào của không chỉ người dân Hà Tiến mà của cả huyện Hà Trung. Chúng tôi luôn lấy đây là những tấm gương sáng để giáo dục cho các thế hệ trẻ tại địa phương về tinh thần bất khuất, truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc ta. Tuy nhiên, có một điều vẫn khiến chính quyền và các thành viên trong trung đội nữ dân quân xưa băn khoăn, trăn trở là dù nhiều lần được chính quyền địa phương hướng dẫn làm hồ sơ, đề xuất lên cấp trên để được hưởng một phần chế độ đãi ngộ nhưng đến nay vẫn chưa có hồi đáp”.

“Nhưng tôi nghĩ, không có sự đãi ngộ nào bằng được sống sum vầy cùng con cháu, được chứng kiến quê hương ngày càng đổi mới, giàu đẹp, văn minh. Đấy là giá trị của hòa bình mang lại, là phần thưởng vô giá không gì có thể so sánh được giành cho tôi và những người đã đi qua cuộc chiến ngày hôm nay” - bà Cúc nắm chặt tay tôi nhắn nhủ trước khi chia tay.

Sau khi rời khỏi Trung đội dân quân, bà Cúc và các chị em đều trở về với cuộc sống thường nhật, mỗi người có một gia đình riêng, cuộc sống riêng. Cứ đến dịp kỷ kiệm ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, các thành viên trong trung đội xưa lại cố gắng sắp xếp công việc để được gặp nhau, ôn lại những kỷ niệm một thời hoa lửa. Ai cũng tâm niệm, nhắn nhủ động viên nhau cố gắng nuôi dạy các thế hệ con cháu phải sống sao cho xứng với các lớp cha, anh đã cống hiến cho nền độc lập, hòa bình…

Nguyễn Chung

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/do-len-bat-khuat-10303072.html