Hà Nội gắn bảo tồn di sản văn hóa với phát triển thương mại

Đây là nội dung trong Dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội đang được lấy ý kiến về khu vực phát triển thương mại và văn hóa.

Hà Nội sẽ thành lập khu vực phát triển thương mại và văn hóa, ưu tiên tại các khu phố, tuyến phố, làng nghề, phố đi bộ, điểm dân cư nông thôn hiện hữu có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa.

Đây là nội dung trong Dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội đang được lấy ý kiến về khu vực phát triển thương mại và văn hóa. Theo đó, hoạt động văn hóa gồm tổ chức các sự kiện, lễ hội, chương trình biểu diễn nghệ thuật, văn hóa truyền thống; xây dựng, phát triển các bảo tàng, nhà truyền thống, không gian trưng bày nghệ thuật. Bên cạnh đó, gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, công trình văn hóa, công trình kiến trúc có giá trị, cảnh quan, phong tục, tập quán tiêu biểu…

Giới thiệu văn hóa truyền thống tại phố đi bộ Bờ Hồ, TP Hà Nội

Giới thiệu văn hóa truyền thống tại phố đi bộ Bờ Hồ, TP Hà Nội

Hoạt động thương mại gồm phát triển hệ thống cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại và các điểm kinh doanh gắn với đặc điểm văn hóa địa phương; tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại, quảng bá sản phẩm, nhất là sản phẩm từ các ngành, nghề truyền thống và đặc sản địa phương.

Theo thống kê, các không gian đi bộ ở quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội hoạt động hiệu quả với hơn 9.000 buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống và đương đại được tổ chức. Trong đó, hơn 2.400 buổi biểu diễn tổ chức tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và hơn 6.800 buổi biểu diễn tại tuyến phố đi bộ khu phố cổ Hà Nội.

Hà Nội được xem là "đất trăm nghề" với 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó, hơn 300 nghề truyền thống và làng nghề truyền thống đã được công nhận danh hiệu.

Tin-ảnh: Y.Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ha-noi-gan-bao-ton-di-san-van-hoa-voi-phat-trien-thuong-mai-196250406214935779.htm