Đỏ lửa nghề rèn đầu năm
Với người dân làm nghề rèn của xã Tiến Lộc (Hậu Lộc), việc thắp và giữ ngọn lửa tượng trưng cho sự đủ đầy, sung túc, thành công rực rỡ của một năm. Vì vậy, vào những ngày đầu năm mới, người dân làm nghề nơi đây rất chú trọng đến việc chọn ngày để nổi lửa lò rèn.
Người dân xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) làm nghề trong những ngày đầu năm mới.
Năm nay, đa phần các hộ dân làm nghề rèn của thôn Ngọ, xã Tiến Lộc chọn ngày 25-1 (tức ngày mùng 4 tết) để nổi lửa trong lò rèn. Được biết, ngọn lửa này sẽ được gia chủ duy trì ít nhất là qua ngày rằm tháng Giêng.
Đến thôn Ngọ những ngày đầu năm mới, đâu đâu cũng nghe tiếng búa râm ran, trong những “xưởng rèn” tại gia, lò lửa hồng ấm luôn thắp sáng cả ngày lẫn đêm. Người dân nơi đây quan niệm, ngọn lửa đỏ được giữ càng lâu gia chủ sẽ quanh năm đủ việc, làm ăn phát đạt. Ông Kiều Văn Hải, thôn Ngọ, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, cho biết: “Năm nay tôi chọn ngày mùng 4 tết để nổi lửa. Ngay trong những ngày đầu năm mới, gia đình tôi may mắn nhận được 2 đơn hàng, mỗi đơn có số lượng hơn 100 sản phẩm, gồm: cuốc, xẻng, liềm. Những vật dụng này được đặt để phục vụ sản xuất vụ đông xuân tới đây. Vì thế, tôi và các lao động đang tập trung chế tác để kịp giao hàng theo đúng tiến độ.
Ông Hải cho biết thêm, nghề rèn đã gắn bó cùng ông suốt gần 70 năm, ngay từ khi ông còn là cậu bé ngày ngày cùng bố, mẹ quay bễ lò rèn bằng tay. Cả tuổi thơ ông gần như gắn bó với hình ảnh quay bễ, nung sắt, đập búa, gọt giũa rồi mài lưỡi. Bởi vậy, ông yêu rồi gắn bó luôn với nghề. Nghề rèn trở thành cái “nghiệp” theo ông suốt cuộc đời. Cũng nhờ nghề mà ông nuôi được 5 người con lớn khôn, thành đạt. Các con ông đều thoát ly theo những nghề khác nên ông truyền bí kíp và sự yêu nghề cho những thế hệ trẻ ở địa phương. 3 lao động làm tại xưởng đều do một tay ông đào tạo, truyền nghề. Với tay nghề vững, mỗi lao động tại xưởng của gia đình ông thu nhập từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày.
Ở xã Tiến Lộc, ngoài các gia đình làm nghề lâu đời với các sản phẩm truyền thống, những thập niên gần đây có thêm nhiều gia đình làm nghề rèn với các sản phẩm cơ khí phục vụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, như: bánh lồng, cày bừa máy, bu lông, ốc vít... Cùng với đó, người làm nghề cũng đã năng động hơn, du nhập các loại máy móc, công nghệ mới vào quá trình sản xuất. Đồng thời, không ngừng sáng tạo, mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường. Nhờ đó, nghề rèn nơi đây đã có sự phát triển khá mạnh mẽ. Đến làng rèn hôm nay, không còn thấy hình ảnh chiếc bễ rèn quay tay hay người dân phải vác chiếc búa tạ nặng hàng chục kg để đập sắt nữa. Thay vào đó là những chiếc lò nung bằng than, bằng điện, những chiếc búa máy, rồi máy cắt sắt, máy tiện, máy mài. Phương thức sản xuất nơi đây gần như đã được thay đổi hoàn toàn từ thủ công sang máy móc, công nghệ hiện đại. Ngoài ra, xưởng sản xuất của mỗi gia đình đều được tách riêng khỏi nhà ở, tạo nên quy mô sản xuất mang tính chuyên nghiệp.
Theo thống kê của UBND xã Tiến Lộc: Toàn xã hiện có 20 doanh nghiệp, trong đó có 5 doanh nghiệp trực tiếp làm nghề và 1.509 hộ sản xuất, kinh doanh tham gia vào sản xuất nghề rèn truyền thống. Tổng số lao động thường xuyên làm nghề là 3.320 lao động, chiếm 68,3% tổng số lao động trên địa bàn xã. Cả xã hiện có 6 tổ hợp máy cán rút thép, 6 cơ sở sản xuất chế tạo các loại máy phục vụ nghề rèn, cơ khí và nông nghiệp, 3 cơ sở đột dập tôn nguyên liệu, hàng chục xưởng sản xuất bánh lồng, cày bừa máy, bu lông, ốc vít và hàng trăm xưởng lớn nhỏ sản xuất các loại cuốc, xẻng, dao, liềm... Việc chuyển đổi phương thức sản xuất từ thủ công sang máy móc, công nghệ hiện đại của các hộ làm nghề đã giúp cho số lượng máy móc, thiết bị sản xuất hiện đại trên địa bàn xã không ngừng được tăng lên. Hiện, trên địa bàn xã đang có 6 máy cắt plasma, 307 búa máy, trên 300 máy đột dập các loại, hàng chục máy tiện, phay, bào và hàng nghìn các loại máy móc phổ thông phục vụ rèn, cơ khí khác...
Phát triển sản xuất cả về quy mô và công nghệ đã giúp cho sản phẩm của nghề rèn ngày càng được nâng tầm. Sản phẩm nghề rèn giờ đây không chỉ dừng lại ở những công cụ truyền thống mà đã đa dạng các sản phẩm, nhiều chủng loại, số lượng lên đến hàng nghìn loại, chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn. Những chiếc dao, kéo phục vụ sinh hoạt giờ đã được người dân sử dụng loại thép không gỉ để chế tác, vừa có tính thẩm mỹ, vừa bảo đảm yếu tố vệ sinh. Nhờ đó, sản phẩm không những có mặt ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước, mà còn xuất khẩu sang các nước Lào, Campuchia, Myanmar... Ngoài ra, sản phẩm nghề rèn hiện còn được một số chủ cơ sở đăng ký bán trên các kênh bán hàng online, như: Shopee, Lazada, Facebook, TikTok... Các sản phẩm nghề rèn giới thiệu trên các trang mạng được thiết kế đẹp, đầy đủ thông tin, mẫu mã bắt mắt, thuận tiện cho người mua.
Sự phát triển của làng nghề đồng nghĩa với việc sung túc, đủ đầy của người làm nghề trong xã. Ông Hoàng Trọng Dần, Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc cho biết: Năm 2022, thu nhập bình quân của mỗi lao động sản xuất nghề rèn đạt gần 160 triệu đồng/năm (khoảng 13,3 triệu đồng/tháng). Nghề rèn đã và đang góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Xã định hướng sẽ tiếp tục phát triển nghề theo chiều sâu, tăng giá trị. Vì vậy, xã khuyến khích các hộ làm nghề đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, đổi mới công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển và đa dạng hóa hệ thống kênh tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, địa phương cũng tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống điện, giao thông, xử lý rác thải và nước thải tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh đầu tư vào làng nghề.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/do-lua-nghe-ren-dau-nam/178239.htm