Đo lường mức độ khủng hoảng

Quyết định của các nhà đầu tư, doanh nghiệp chịu tác động không nhỏ bởi thông tin mà họ tiếp cận, trong khi đó, thông tin rất dễ bị 'nhiễu'.'Giá cả thị trường chao đảo khiến chúng ta hiểu nhầm. Cần làm quen với điều này, vì kinh tế thị trường là như vậy, không có khủng hoảng này thì có khủng hoảng khác'.Cần nhất của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là nhìn đúng sự thật, nhìn đúng cục diện thế giới đang diễn ra. Bởi vì chỉ có gần với sự thật nhất mới có thể quyết định làm những gì.

Phiên giao dịch ngày 9-3, cổ phiếu PC1 của Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 (PCC1) tăng trần, lên mức hơn 45.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết duy nhất trên sàn chứng khoán sở hữu gián tiếp một mỏ nickel – đồng tăng trần bất chấp thị trường chung điều chỉnh. Điều đặc biệt, dự án nickel của PCC1 dự kiến từ quí 1-2023 mới có sản phẩm ra mắt. Doanh thu năm 2021 của doanh nghiệp này chủ yếu đến từ xây lắp, thiết bị điện và bán điện.

Xung đột giữa Nga – Ukraine đẩy giá nickel lên cao. Trong tuần thứ 2 của tháng 3, giá giao dịch nickel có thời điểm vượt ngưỡng 100.000 đô la Mỹ/tấn, gấp đôi đỉnh ghi nhận năm 2007. Điều này diễn ra tương tự với giá dầu. Một số cổ phiếu của doanh nghiệp liên quan tới dầu mỏ trên sàn chứng khoán Việt Nam cũng tăng giá dù chưa trực tiếp hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng này. Quyết định của các nhà đầu tư phải chăng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi thông tin?

TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược.

Ở thời điểm có một cuộc khủng hoảng đang diễn ra, các quyết định đầu tư sẽ trở nên khó khăn để đưa ra hơn. Thông tin tới thị trường không đầy đủ và “nhiễu”. Liệu cuộc xung đột từ phía Đông châu Âu có ảnh hưởng tới Việt Nam nhiều như chúng ta lo ngại, khi giá cả hàng hóa tại Việt Nam cũng đang tăng rõ?

Soi chiếu trực tiếp vào quan hệ thương mại đầu tư giữa Nga, Ukraine và Việt Nam, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS), cho rằng khả năng Việt Nam ảnh hưởng trực tiếp từ “lõi” của cuộc chiến là rất nhỏ. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Nga khoảng 5,5 tỉ đô la.

Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trên toàn thế giới là trên 500 tỉ đô la. Như vậy, quan hệ thương mại với Nga chỉ chiếm 1% trong tổng số của Việt Nam. Ukraine tỷ trọng còn thấp hơn. Các doanh nghiệp trực tiếp làm việc với Nga sẽ gặp khó khăn nhưng tổng thể nền kinh tế sẽ không ảnh hưởng lớn.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cũng nhận định tác động địa chiến lược sẽ chủ yếu tập trung ở châu Âu. Việt Nam chịu sự rung lắc gián tiếp từ những bất ổn gây ra cho châu lục này. Sức mua của châu Âu đối với Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, dù vậy, TS. Thành dự đoán, những sang chấn này đối với Việt Nam sẽ giảm đi rất nhanh.

Trước mắt, thị trường giá cả leo thang, đặc biệt là nguyên liệu thô. Giá dầu thô Brent có lúc đã vượt ngưỡng 130 đô la/thùng sau khi Lệnh trừng phạt kinh tế của các nước phương Tây với Nga được đưa ra. Thực tế, trước khi cuộc xung đột diễn ra, mặt hàng này ảnh hưởng không nhỏ bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch Covid-19 tác động.

Không chỉ riêng hàng hóa Nga – Ukraine giữ vai trò quan trọng, hiệu ứng dây chuyền khiến hàng loạt các mặt hàng khác tăng giá. Tuy nhiên, giá cả nguyên liệu tăng sẽ mất thêm một thời gian để phản ánh lên giá cả hàng hóa đầu ra. Theo ông Thành, đây là thời gian để các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị về vùng nguyên liệu.

Với giá dầu – mặt hàng dấy lên nhiều lo ngại về tác động từ xung đột nhất, TS. Trần Quốc Hùng, Giám đốc điều hành của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ở Washington D.C (Mỹ) nhận định tình hình sẽ dần ổn định sau sáu tháng, khi các nước xuất khẩu dầu khác như Canada, Mỹ tăng sản lượng khai thác, bên cạnh đó là mức cầu giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Với xu hướng hiện nay, vào thời điểm này sang năm, mức chênh lệch giữa cung và cầu về dầu sẽ giảm trên toàn thế giới. Nhiên liệu có thể tiếp tục tăng tại thời điểm này nhưng sẽ ổn định hơn.

Nhìn sâu hơn về các yếu tố địa chính trị, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam nên xem xét cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine như một cuộc khủng hoảng thông thường không cần quá trầm trọng hóa.

“Giá cả thị trường chao đảo khiến chúng ta hiểu nhầm. Cần làm quen với điều này, vì kinh tế thị trường là như vậy, không có khủng hoảng này thì có khủng hoảng khác”, TS. Thành nói tại hội thảo về tác động của xung đột Nga – Ukraine đối với doanh nghiệp Việt Nam ngày 11-3. Ông Thành lưu ý đây là điều các doanh nghiệp phải làm quen và coi đó là thách thức mà bất kỳ nền kinh tế nào cũng cần đối mặt trước sự chuyển dịch của thế giới.

Vị chuyên gia này cũng tin rằng các doanh nghiệp chính là người thông minh nhất trong lĩnh vực của họ. Nhà nghiên cứu chỉ cung cấp tầm nhìn để các doanh nghiệp có thêm thông tin để xử lý câu chuyện của riêng mình. “Cần nhất của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là nhìn đúng sự thật, nhìn đúng cục diện thế giới đang diễn ra. Bởi vì chỉ có gần với sự thật nhất mới có thể quyết định làm những gì”, ông Thành nói.

Hoàng Minh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/do-luong-muc-do-khung-hoang/