Thế khó của doanh nghiệp xi măng, chật vật tìm đầu ra

Ngành xi măng đang đối diện với thảm cảnh khi tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu trầm lắng. Trong khi đó, các chi phí đầu vào liên tục tăng, và việc tăng giá bán lại chưa thể thực hiện được vì đang phải cạnh tranh gay gắt.

Bộ Tài chính vừa ban hành quyết định thanh tra tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) và 3 công ty con gồm Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng và CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1).

Nội dung thanh tra sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp; hạch toán doanh thu, chi phí và báo cáo kết quả kinh doanh; thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước; và chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính khác đối với doanh nghiệp.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh ngành xi măng đang đối mặt với loạt thách thức "chưa từng có trong vòng 100 năm qua”. Vicem cũng như các đơn vị thành viên đều có kết quả tuột dốc trong những năm gần đây.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, năm 2023, Vicem ghi nhận doanh thu hơn 24.006 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2022. Lỗ sau thuế hợp nhất hơn 1.129 tỷ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ 914 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên tổng công ty làm ăn thua lỗ kể từ lúc công bố thông tin năm 2016. Lợi nhuận của doanh nghiệp này đã đi lùi bốn năm liên tiếp. Lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2023 là 2.240 tỷ đồng.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của Vicem.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của Vicem.

Theo báo cáo tài chính công bố, nguyên nhân khiến tổng công ty thua lỗ, một phần đến từ doanh thu giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ, một phần còn lại đến từ chi phí tài chính tăng mạnh 47% lên 796 tỷ đồng và khoản lỗ 130 tỷ từ công ty liên doanh, liên kết.

Tại thời điểm cuối năm 2023, Vicem có 17 công ty con sở hữu trực tiếp, trong đó 5 công ty thuộc diện sẽ thoái toàn bộ vốn theo Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Xi măng Việt Nam giai đoạn 2021-2025; 4 công ty con sở hữu gián tiếp và 10 công ty liên kết.

Ngoài mức lỗ lũy kế hơn nghìn tỷ đồng, đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh, tại ngày 31/12/2023, nợ ngắn hạn Vicem vượt quá tài sản ngắn hạn là 5.197 tỷ đồng (tại ngày 1/1/2023 là 5.031 tỷ đồng), thể hiện các khó khăn về tài chính và khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn trả tại một số công ty con của tổng công ty.

Trong đó, một số công ty con thuộc diện giám sát theo các quyết định của Hội đồng thành viên Vicem, bao gồm: Vicem Tam Điệp, Vicem Sông Thao và Xi măng Hạ Long. Các công ty nêu trên có số dư lỗ lũy kế trong nhiều năm và nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn tại thời điểm 31/12/2023 là 6.513 tỷ đồng (tại ngày 01/01/2023 là 6.129 tỷ đồng).

Vicem đang gánh nhiều khoản chi phí hàng nghìn tỷ đồng.

Vicem đang gánh nhiều khoản chi phí hàng nghìn tỷ đồng.

Chật vật của ngành xi măng trong một thập niên

Năm 2023, đầu tư công được kỳ vọng là cú hích cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nhóm vật liệu xây dựng nói riêng, trong đó có ngành xi măng. Theo đánh giá từ Bộ Tài chính, kết quả giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 cao hơn 0,15% về tỷ lệ, cao hơn 123.311,7 tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.

Thưc tế, năm 2023, tổng tiêu thụ xi măng trong nước đạt 57,5 triệu tấn, giảm khoảng 9,4% so với năm 2022. Năm ngoái cũng là năm đầu tiên đạt sản lượng tiêu thụ giảm với sản lượng dưới 60 triệu tấn. Đây được đánh giá là mức giảm tiêu thụ sâu nhất trong suốt một thập kỉ qua.

Trang mạng thông tin chuyên ngành xi măng Việt Nam (ximang.vn) dẫn lời PGS.TS Lương Đức Long, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định, giai đoạn này, ngành xi măng đang chịu áp lực lớn, khi khả năng hấp thụ xi măng của nền kinh tế trong nước kém.

Không những vậy, thị trường xuất khẩu ngày càng thu hẹp khi Trung Quốc (quốc gia tiêu thụ xi măng lớn nhất của Việt Nam) chuyển từ nước nhập khẩu sang xuất khẩu xi măng, clinker. Hàng của Việt Nam còn phải cạnh tranh xuất khẩu gay gắt với nguồn vật liệu này dư thừa từ Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, hay Thái Lan...

Trong khi đó, giá điện, than và các nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất đều tăng, có thời điểm giá than tăng gấp 3 lần; năm 2023, giá bán lẻ điện bình quân tăng 7,5%... Dù vậy, thực tế doanh nghiệp chưa thể tăng giá bán - động lực sản xuất của doanh nghiệp - quá nhiều để bù đắp được mức tăng chi phí đầu vào.

Nguồn: Tổng hợp từ ximang.vn

Nguồn: Tổng hợp từ ximang.vn

Mặt khác, doanh nghiệp xi măng trong nước đang phải chịu bất lợi khi thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10%, từ ngày 1/1/2023, không được áp dụng luật thuế giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, tình trạng dư thừa nguồn cung xi măng cũng khiến ngành này rơi vào khốn khó.

Theo báo cáo của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện nay, cả nước có 61 nhà máy xi măng đang hoạt động với tổng công suất thiết kế khoảng 120 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước dự báo khoảng 58 - 59 triệu tấn, dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Nhiều công ty tiếp tục phải giảm năng suất hoặc dừng lò nung.

Trước loạt khó khăn này, Hiệp hội Xi măng Việt Nam lo ngại “các doanh nghiệp trong ngành có nguy cơ phá sản hoặc bán một phần nhà máy cho nước ngoài"

Tháng 4/2024, Hiệp hội cũng đã kiến nghị lên Thủ tướng cùng các bộ, ngành tìm cách tăng tiêu thụ nội địa thông qua xây dựng các tuyến đường cầu cạn thay đường bê tông xi măng cốt thép, nhất là ở những vùng đất yếu, hay những nơi cần thoát lũ như miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiệp hội đồng thời kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua việc bỏ thuế xuất khẩu với clinker. Còn trong ngắn hạn, nếu chưa bãi bỏ, Hiệp hội đề xuất giữ nguyên thuế xuất khẩu với clinker hai năm tới là 5% và được khấu trừ VAT.

Họ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp xi măng, và không khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào dự án xi măng tại Việt Nam.

Minh Hằng

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doanh-nghiep/the-kho-cua-doanh-nghiep-xi-mang-chat-vat-tim-dau-ra-216109.html