Do mật độ dân số hay lối tiêu dùng quá mức?
Khủng hoảng khí hậu là một vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay, một số nhà nghiên cứu cho rằng, mật độ dân số quá cao cũng có tác động rất lớn đến môi trường. Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng, vấn đề ở lối sống và sự tiêu dùng quá mức.
Thế giới đứng trước mốc 8 tỷ dân
Dân số thế giới dự kiến chạm ngưỡng 8 tỷ người vào ngày 15.11 tới. Mặc dù, đây là cột mốc đánh dấu những nỗ lực và thành quả đáng tự hào mà thế giới đã đạt được trong chăm sóc sức khỏe và nâng cao đời sống nhân loại, song mốc dân số này cũng đặt ra nhiều thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường cũng như việc bảo đảm chất lượng cuộc sống. Dự báo, trong 40 - 60 năm nữa, thế giới sẽ chạm mốc 10 tỷ người, sự gia tăng dân số nhanh chóng cũng tạo sức ép đối với môi trường. Theo Liên Hợp Quốc, trong giai đoạn 1970 - 2020, trong khi dân số thế giới tăng gấp đôi thì các quần thể động vật hoang dã toàn cầu giảm 2/3. Từ năm 1990 đến nay, khoảng 420 triệu hécta rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng và diện tích rừng nguyên sinh trên toàn thế giới giảm hơn 80 triệu hécta.
Đối với nhiều nhà khoa học, trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu thì mật độ dân số hiện nay là quá cao. Câu hỏi về tình trạng quá tải dân số của con người đã được đặt ra từ thế kỷ XIX. Ngay từ năm 1798, nhà kinh tế học người Anh Thomas Malthus đã cảnh báo trong Tiểu luận của ông về Nguyên tắc Dân số chống lại sự bất cập của sự tăng trưởng đồng thời theo cấp số nhân của dân số và sự tăng trưởng tuyến tính của các nguồn lực. Mối quan tâm lúc đó chủ yếu là về sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, và đến những năm 1970, mối quan tâm lớn là về tình trạng ô nhiễm. Ngày nay, tác động của dân số thế giới đối với môi trường được đo lường chủ yếu bằng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong báo cáo năm 2022, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) ước tính rằng, tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người và sự gia tăng dân số vẫn là động lực chính gây phát thải CO2 từ đốt nhiên liệu hóa thạch trong thập kỷ qua.
Theo Tổ chức phi chính phủ Mỹ Drawdown, kế hoạch toàn diện nhất từng được đề xuất để đảo ngược sự nóng lên toàn cầu, coi đó là đòn bẩy quan trọng thứ bảy để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C bằng cách cuối thế kỷ này là kiểm soát sự gia tăng dân số thông qua đầu tư vào kế hoạch hóa gia đình và giáo dục. Các biện pháp này sẽ tiết kiệm 68,9 gigatons CO2 tương đương vào năm 2050, hoặc 4% mức giảm cần thiết. Trong một báo cáo vào năm 2017, hơn 15.000 nhà khoa học thậm chí còn đề xuất "xác định quy mô dân số bền vững và có thể bảo vệ khoa học về lâu dài", với sự gia tăng dân số được coi là "một trong những nguyên nhân chính gây ra các mối đe dọa môi trường." Vì vậy, con số 8 tỷ người không chỉ là lời nhắc nhở thế giới về nỗ lực xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho tất cả người dân, mà còn là trách nhiệm bảo vệ môi trường, hành tinh chung.
Bất bình đẳng trong phát thải
Do đó, nhiều câu hỏi được đặt ra: liệu con người có nên lo ngại về vấn đề tăng dân số không? Theo Le Monde, câu trả lời được các chuyên gia khẳng định chắc chắn, việc có ít người hơn trên trái đất có thể giúp giảm lượng khí thải carbon, nhưng việc kiềm chế gia tăng dân số sẽ không thể đạt được điều này trong vài thập kỷ nữa. Theo các dự báo được Liên Hợp Quốc xác nhận, rất có thể nhân loại sẽ tăng thêm 2 tỷ người vào năm 2100. Điều này bất chấp thực tế là tỷ lệ sinh trên thế giới đã giảm đều đặn kể từ những năm 1960, từ 5,3 xuống còn 2,3. Giám đốc nghiên cứu tại Viện Quốc gia Pháp Jacques Véron cho biết, có rất ít cơ hội rằng dân số thế giới sẽ thực sự ổn định trước cuối thế kỷ này, kể cả khi mức sinh toàn cầu đã giảm đáng kể. Ông cho biết thêm, chúng ta nên tự hỏi bản thân mình làm thế nào để có thể quản lý sự gia tăng của dân số thế giới để nó không ảnh hưởng đến hành tinh, đồng thời giảm bất bình đẳng, hay nói cách khác, chúng ta nên đặt câu hỏi về lối sống.
Quay trở lại năm 2015, một báo cáo của Oxfam cho thấy, các quốc gia có tỷ lệ sinh cao (mức sinh trên 3,1), như Pakistan (3,45), Nigeria (5,32) hoặc Ethiopia (4,15), chỉ chiếm 3,5% lượng khí thải CO2 toàn cầu mặc dù họ là nơi sinh sống của 20% dân số thế giới. Trong khi đó, ở các quốc gia có tỷ lệ sinh dưới 2,1, chẳng hạn như Trung Quốc (1,7), Mỹ (1,71) hay Đức (1,54) thải ra 78% CO2 mặc dù họ chỉ đại diện cho một nửa dân số toàn cầu. Như tác giả Emmanuel Pont của cuốn sách: Faut-il arrêter de faire des enfants pour sauver la planète? (Chúng ta có nên ngừng sinh con để cứu hành tinh không?) đã chỉ ra rằng: những bất bình đẳng về lượng khí thải này rõ ràng phản ánh sự bất bình đẳng về sự giàu có; lượng khí thải bình quân đầu người của các quốc gia gần như tỷ lệ thuận với GDP bình quân đầu người. Để hiểu tác động của khí hậu đối với dân số, các nhà nhân khẩu học sử dụng phương trình "IPAT" (cho I = PxAxT) được phát triển vào những năm 1970. Theo cách tính này, tác động môi trường (I) bằng với số nhân của dân số (P), mức độ sung túc (A) và công nghệ được sử dụng (T). Điều này có nghĩa, ngay cả khi giảm số lượng cư dân ở tất cả các quốc gia, điều này không nhất thiết làm giảm tác động của con người đối với khí hậu, đặc biệt nếu mức sống trung bình tăng lên đáng kể, với một cách tiêu dùng tích cực hơn với môi trường.
Giám đốc nghiên cứu tại INED Valérie Golaz cho biết, chúng ta biết rằng mức sống tăng lên là một yếu tố quyết định sự suy giảm mức sinh. Thực tế là ở những người dân sống ở đô thị, được tiếp cận với giáo dục và với tỷ lệ nam - nữ thuận lợi hơn cho phụ nữ, lựa chọn sinh ít con dễ dàng được thực hiện hơn. Nếu chúng ta không thay đổi mô hình tiêu dùng của mình, câu hỏi "có quá nhiều người cho hành tinh" sẽ lại xuất hiện rất nhanh trong tương lai. Có ít người hơn trên hành tinh sẽ giúp chúng ta đạt được mục tiêu giảm phát thải carbon, với điều kiện là chúng ta tiêu thụ ít đi. Nhưng phương trình trên có những hạn chế của nó, vì nó không tính đến sự khác biệt về hành vi trong các quần thể.
Tăng cường phòng tránh
Tại Pháp, đã có cuộc vận động giảm kiềm chế tăng dân số. Nhà thiên văn học Jean - Loup Bertaux cho biết: dân số quá đông sẽ là kẻ thù số một của chủ nghĩa môi trường, và chính vì có một quán tính nhân khẩu học lớn mà con người cần phải hành động ngay bây giờ. Đối với ông, điều này phải được thực hiện bằng cách đảo ngược chính sách tỷ lệ sinh ở Pháp, đặc biệt bằng cách giới hạn mức gia cảnh ở hai con. Mặc dù, quy mô gia đình là vấn đề của sự lựa chọn cá nhân, không phải chính sách của chính phủ, nhưng ngay cả ở các quốc gia giàu có vẫn có những trường hợp mang thai ngoài ý muốn. Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, vào tháng 3, gần một nửa số ca mang thai trên toàn thế giới là ngoài ý muốn, với gần 121 triệu phụ nữ bị ảnh hưởng. Trước mắt, vấn đề nhân khẩu học quan trọng là cho phép phụ nữ lựa chọn nếu và khi nào sinh con, điều này đòi hỏi khả năng tiếp cận tốt hơn với các biện pháp tránh thai và giáo dục tốt hơn trên toàn thế giới.