'Đỏ mắt' tìm hàng Việt trong siêu thị của Thái Lan
'Đến một siêu thị tại Thái Lan, hầu như vắng bóng hàng Việt. Tôi chỉ thấy sản phẩm duy nhất là cà phê Trung Nguyên G7 là có ở siêu thị'- ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ 365 group tại diễn đàn Kết nối doanh nghiệp Thái Lan – TPHCM chiều 8/7, chia sẻ.
Theo ông Cường, ngoài một số mặt hàng khô thì có 5 loại trái cây Việt Nam được cấp phép vào Thái Lan là thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ, vải, nhãn, xoài.
Trăn trở của ông Cường cũng chính là tâm tư của nhiều DN Việt hiện nay khi muốn xuất hàng vào Thái Lan. Trong khi hàng Thái ngày càng xuất hiện nhiều ở Việt Nam, thì ngược lại, hàng Việt vào Thái Lan hầu như rất ít ỏi.
Một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân hàng Việt Nam ở Thái Lan còn ít vì liên quan đến thị hiếu người tiêu dùng. Đó là cả một quá trình xây dựng thương hiệu của người Thái.
Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành cho rằng, Thái Lan là đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 tại nước ta với hơn 600 dự án, tổng giá trị đạt trên 13 tỷ USD. Thái Lan còn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, với kim ngạch hai chiều năm 2021 đạt 19,5 tỷ USD, riêng quý 1/2022 đạt 5 tỷ USD. Hai nước đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 25 tỷ USD vào năm 2025.
“Có thể khẳng định dư địa hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch giữa hai nước vẫn còn rất lớn, nếu phát huy được sự kết nối kinh tế trực tiếp giữa địa phương với địa phương và giữa DN với DN” – ông Thành nhìn nhận.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cam kết, sẽ thực hiện tốt hơn nữa các cơ chế, chính sách mời gọi đầu tư đã đề ra, đồng thời kiên trì các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để TPHCM luôn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, đáp lại sự mong mỏi của cộng đồng DN đã đặt niềm tin vào việc cải cách hành chính.