'Đỏ mắt' tìm thương hiệu Việt ở thị trường toàn cầu
Việt Nam được biết tới là nước có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia nhanh nhất thế giới, nhưng thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ tập trung trong nước, ít được biết tới ở thị trường nước ngoài. Điều này đem tới những thiệt thòi về giá trị cho hàng Việt khi xuất khẩu.
Tại Diễn đàn Quốc tế thương hiệu quốc gia Việt Nam 2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022.
Cụ thể, báo cáo từ Brand Finance cho thấy, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 tăng 29,1% so với năm 2019, đạt mức 319 tỷ USD; năm 2021 tăng 21,6% so với năm 2020 (388 tỷ USD); năm 2022 tăng 11,1% so với năm 2021 (431 tỷ USD).
Rất ít sản phẩm và thương hiệu được thế giới yêu thích
Với chương trình Thương hiệu Quốc gia, nhiều doanh nghiệp đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu. Nhờ đó, trong Top 50 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam năm 2022 có sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương dẫn chứng thêm: Nếu như năm 2018 mới có 14 doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia Việt Nam nằm trong top 50 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam, chiếm tỷ trọng 28% thì sau 5 năm đã tăng lên 21 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 42%. Đặc biệt, trong top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam tăng mạnh từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2022.
So sánh với các nước trong khu vực, ông Alex Haigh, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương nhìn nhận: "Tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam ngang bằng với Singapore. Nhưng “kinh doanh dễ dàng” trong nội bộ; “Sản phẩm và thương hiệu được thế giới yêu thích” ở bên ngoài không phải là nhận thức mạnh mẽ đối với Việt Nam”.
Cụ thể, so sánh top 10 thương hiệu giá trị năm 2022 của Singapore và Malaysia đều thấy nhiều cái tên quen thuộc của người tiêu dùng toàn cầu, như DBS của Singapore, Maybank của Malaysia.
Đặt trong bối cảnh top 10 thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, ông Alex Haigh đánh giá, chỉ tập trung trong nước. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thương hiệu Việt Nam thoát ra khỏi "vùng an toàn" và vươn ra tầm quốc tế?
Hiện nay, thương hiệu Việt Nam đang được đánh giá là có mức độ tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu về giá trị, nên đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy quốc tế hóa thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia Việt Nam. “Để làm được điều đó, mỗi thương hiệu doanh nghiệp Việt cần tìm cách gắn kết với thương hiệu quốc gia, giống như cách mà DBS, Petronas, Singapore Airlines và các hãng khác đã làm với các quốc gia của họ”, ông Alex Haigh khuyến nghị.
Chưa đến 300 nhãn hiệu Việt Nam đăng ký bảo hộ ở nước ngoài
Thực tế, việc chưa xây dựng thương hiệu đang khiến nhiều mặt hàng của Việt Nam thua thiệt về giá trị khi xuất khẩu. Bà Võ Thị Tam Dân, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Trà Rồng Vàng, nêu câu chuyện giá xuất khẩu thô trà ô long chất lượng cao chỉ dao động 10-12 USD/kg. Tuy nhiên, sau khi các nước nhập khẩu sơ chế, đấu trộn, đóng gói dưới thương hiệu của đơn vị nhập khẩu thì bán ra thị trường với giá cao gấp hàng chục lần.
Bà Dân cho rằng, cần nhìn thẳng một thực tế là Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu trà, đứng thứ 7 về sản xuất trà. Sản phẩm trà của Việt Nam xuất khẩu tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, khoảng 90% sản lượng trà xuất khẩu vẫn ở dạng thô, giá bán thấp và được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu, xuất khẩu trà dưới dạng thành phẩm có thương hiệu còn rất hạn chế.
Mặt khác, để tăng giá trị thương hiệu, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) nhấn mạnh, cần gắn với việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Ví dụ như Panasonic đã có khoảng 50.000 sáng chế được bảo hộ trên toàn cầu, nhiều hơn số sáng chế mà các cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam đăng ký bảo hộ tại Việt Nam trong suốt thời gian qua. Hay Samsung nhiều năm vươn lên trở thành doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới, bởi họ đã nỗ lực trong phát triển sản phẩm của mình.
Theo ông Hồng, đây là những ví dụ điển hình để doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực hơn. Hiện, chưa đến 300 nhãn hiệu Việt Nam được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. “Doanh nghiệp Việt Nam chưa có tầm hoạt động, độ phủ ở quốc gia lân cận chứ chưa nói đến toàn cầu. Làm sao thương hiệu Việt Nam có sức mạnh vươn ra thế giới?”, ông Hồng nêu.
Ông Hồng nhấn mạnh, cần nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với hoạt động phát triển thương hiệu; có cách tiếp cận chuyên nghiệp trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là ở nước ngoài.
Theo nghiên cứu của NielsenIQ Việt Nam, 77% khách hàng đưa ra quyết định mua sắm dựa vào thương hiệu. Những khách hàng yêu thích thương hiệu sẽ tạo ra một tình cảm gắn bó dẫn đến lòng trung thành cao hơn, tăng lợi nhuận và quảng cáo truyền miệng tích cực cho doanh nghiệp. 43% khách hàng chi nhiều tiền hơn cho các sản phẩm từ các thương hiệu mà họ trung thành. Một thương hiệu công ty lâu đời, được biết đến rộng rãi có thể tác động tích cực đến doanh số bán hàng và đòi hỏi ít nỗ lực tiếp thị hơn để bán sản phẩm và dịch vụ cho một thị trường mới. Đây rõ ràng là những con số “biết nói” cho thấy giá trị của thương hiệu đối với doanh nghiệp.