Đổ nợ vì giấc mơ đổi đời
Hàng chục hộ dân nghèo ở Kon Tum đã lâm cảnh nợ nần vì vay tiền ngân hàng giao cho Công ty CP Dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia Thanh Hóa - Chi nhánh Hà Tĩnh (Leesco) nhưng không được đi nước ngoài lao động như cam kết.
Từ năm 2010, Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) và UBND tỉnh Kon Tum đã cho phép Công ty Leesco triển khai thí điểm tuyển chọn người tại 2 huyện Tu Mơ Rông, Kon Plong đi xuất khẩu lao động. Người của Leesco đã đến tận các thôn, làng của 2 huyện này tuyển người. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng hỗ trợ người dân vay vốn để làm thủ tục.
Vì gia đình thuộc diện hộ nghèo nhiều năm, bà Y Sơn (xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông) đã đứng ra vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để lo cho con trai đi làm công nhân ở Malaysia với giấc mơ đổi đời. "Công ty Leesco nói ra nước ngoài làm được nhiều tiền, hằng tháng tiêu không hết còn gửi về cho gia đình. Nhưng sau khi đưa tiền, con tôi chỉ đi học ngoại ngữ 1 tháng ở Thanh Hóa rồi về nhà chờ mãi đến nay đã hơn 10 năm rồi" - bà buồn bã. Con trai không được đi xuất khẩu lao động, bà Y Sơn cũng không có tiền trả lãi ngân hàng nên cuộc sống vốn khó khăn lại càng nhọc nhằn.
Trong khi đó, anh A Thui (ngụ xã Đăk Tờ Kan) cho biết sau khi vay tiền đóng cho Công ty Leesco thì được bay sang Malaysia. Tuy nhiên, khi anh đặt chân xuống sân bay thì không có ai đến đón hay hướng dẫn, phải bơ vơ giữa đất lạ quê người. Sau đó, anh bị cảnh sát nước sở tại bắt giam 6 tháng. May mắn, một người Việt đang làm việc ở đây biết được sự tình đã tìm cách liên lạc với gia đình A Thui để họ gửi tiền mua vé máy bay cho anh về nước. "Tất cả khoản tiền đi, về đều do mẹ tôi đứng ra vay. Giờ đây mẹ tôi đã mất nhưng khoản nợ vẫn còn đấy" - anh rầu rĩ.
Khi người dân cầu cứu, UBND huyện Tu Mơ Rông đã đề nghị cơ quan công an vào cuộc làm rõ. Sở LĐ-TB-XH tỉnh Kon Tum cũng đề nghị Cục Quản lý lao động ngoài nước can thiệp xử lý. Sở LĐ-TB-XH xác định Công ty Leesco đã có một số vi phạm, như: không xây dựng kế hoạch tuyển chọn lao động; danh sách lao động không thông qua huyện ký duyệt nhưng vẫn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội để được giải ngân; không đưa người đi xuất cảnh; giữ các giấy tờ của người lao động…
Ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết vụ việc đã được đưa ra tòa án để giải quyết dân sự. Vừa qua, huyện đã hỗ trợ tiền, cử người cùng các hộ dân ra tỉnh Thanh Hóa để tham gia xét xử.
Tuy nhiên, ông Hoàng Xuân Thắng, Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Kan - người cùng các hộ dân tham gia phiên tòa, cho biết ra tới nơi, TAND tỉnh Thanh Hóa thông báo chưa củng cố được hồ sơ, chỉ hướng dẫn các thủ tục hoàn thiện hồ sơ để khởi kiện.
"Leesco tuyển người đi xuất khẩu lao động rồi "mang con bỏ chợ". Người dân nơi đây còn nghèo nhưng giờ phải ôm khoản nợ lớn và tiền lãi nhiều năm nên rất khốn khổ" - ông Thắng bức xúc.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/do-no-vi-giac-mo-doi-doi-2022111621002516.htm