Đô thị Hà Nội: Tiếp tục đổi thay cả lượng và chất
LTS: 15 năm qua, đô thị Hà Nội liên tục đổi thay cả chất và lượng. Thành phố đã tập trung xây dựng và triển khai khối lượng lớn các quy hoạch cùng chủ trương tạo quỹ đất cho phát triển; tạo đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng; tạo nên các khu đô thị mới đồng bộ văn minh, hiện đại, góp phần thay đổi diện mạo của Thủ đô.
Tuy nhiên, đây cũng là những lĩnh vực đang còn nhiều tồn tại, hạn chế, việc thực hiện nhiều nội dung chưa như kỳ vọng... Báo Hànôịmới xin giới thiệu loạt bài khái quát về thành tựu phát triển đô thị Hà Nội cũng như những nhiệm vụ trọng tâm, thiết yếu thành phố đang đương đầu phía trước.
Bài 1: Di dời nhà máy, trường đại học, trụ sở cơ quan ra khỏi nội đô:
Lời giải cho “tấm áo chật” của đô thị
Ngay sát thời điểm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/2008/NĐ-CP (ngày 31-7-2008) về chủ trương di dời trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn ra ngoài khu vực trung tâm thành phố. Tháng 1-2015, biện pháp, lộ trình và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cũng đã được Thủ tướng Chính phủ nêu tại Quyết định số 130/QĐ-TTg. Tuy nhiên, từ thực tế diễn ra chậm trễ, quãng thời gian 15 năm qua, áp lực dân số, gánh nặng hạ tầng đã gia tăng áp lực đối với khu vực nội đô. “Tấm áo chật” đang cần có lời giải hữu hiệu.
Bước chạy đà... 15 năm
UBND thành phố Hà Nội đã thành lập ban chỉ đạo (năm 2015), xây dựng danh mục cụ thể công trình cần di dời, thứ tự di dời theo các giai đoạn trên địa bàn 12 quận nội thành... Theo lộ trình giai đoạn năm 2016-2020, thành phố di dời tổng cộng 117 cơ sở ra khỏi nội thành.
Tuy nhiên, đến nay, việc sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất, nhất là các cơ sở nhà, đất của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp do trung ương và địa phương khác quản lý trên địa bàn Thủ đô vẫn còn chậm.
Rà soát của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho thấy, trên địa bàn 5 quận nội đô gồm Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và một phần quận Tây Hồ có 28 cơ quan bộ, ngành trung ương (không tính cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội ở trung tâm Ba Đình), trong đó 11 cơ quan được cấp thẩm quyền chấp nhận chủ trương đề xuất di dời.
Đến nay, dù đã có 9 bộ, ngành, cơ quan trung ương hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới, song chỉ có Bộ Nội vụ bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan trung ương quản lý. Địa điểm này cũng đã chuyển cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sử dụng. Đối với các trường đại học, cao đẳng cũng chỉ có số ít là thực hiện di dời như Đại học Y tế công cộng hay Đại học Quốc gia Hà Nội (chuyển trụ sở tới Hòa Lạc, huyện Thạch Thất)…
“Gần hai thập niên trôi qua nhưng nhiệm vụ vốn được xem là cấp bách này vẫn chỉ là kế hoạch. Chính vì vậy, nội đô Hà Nội không những không giảm bớt áp lực về hạ tầng mà càng ngày càng chật chội…”, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nêu hệ quả.
Theo lý giải của Bộ Xây dựng, việc triển khai từ khâu lập quy hoạch, đề án di dời đến thực hiện chậm bởi có sự thay đổi về chủ trương, chính sách pháp luật. Quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực, trong khi việc di dời đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn...
Mới nhất, Chỉ thị số 23-CT/TƯ, ngày 25-5-2023, của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó yêu cầu thực hiện nghiêm lộ trình di dời trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn, cơ sở sản xuất công nghiệp… ra ngoài khu vực trung tâm thành phố theo quy hoạch.
Đồ án Quy hoạch - không gian cho phát triển
Tháng 4-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 423/QĐ-TTg phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, ngành, đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030. Đồ án gồm hai bản quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì, cùng lộ trình thực hiện được hoạch định theo từng giai đoạn chi tiết, rõ ràng. Theo đó, hệ thống trụ sở mới sẽ là nơi làm việc của 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ và 6 cơ quan đoàn thể.
Thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ phân công, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cam kết, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ về bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật kết nối, kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch kiến trúc, xây dựng dự án khu đô thị kế cận, để tạo sự kết nối về không gian, phù hợp với khả năng chịu tải của hạ tầng khu vực.
Dưới góc độ chuyên gia, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, đồ án quy hoạch đã xác định vị trí thuận lợi để kết nối giao thông thuận tiện, phục vụ công tác đối ngoại, phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011 và một số đề xuất của điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô đang được thực hiện.
“Quy hoạch không chỉ nhằm xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, ngành bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tạo lập khu vực tiêu biểu, điểm nhấn kiến trúc cho đô thị Hà Nội mà còn nhằm nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy hành chính, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nhận định thêm.
Sau 15 năm hợp nhất, áp lực dân số, gánh nặng hạ tầng ở khu vực nội đô Hà Nội ngày một gia tăng. Bài toán giãn dân vì thế lại càng đòi hỏi cấp thiết. Đồ án Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 là cơ sở quan trọng, tạo kỳ vọng sớm triển khai đồng bộ các chủ trương di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi khu vực nội đô lịch sử, kéo theo sự dịch chuyển của lượng lớn dân cư.
Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tháng 3-2021 đặt mục tiêu đến năm 2030 kéo giảm số dân khu vực này khoảng 215.000 người. Và một trong các giải pháp để thực hiện là di dời các cơ sở công nghiệp, trụ sở cơ quan trung ương, cơ sở giáo dục, y tế... Bên cạnh đó, việc di dời cũng sẽ tạo ra quỹ đất khoảng 176ha để xây dựng các công trình công cộng và các không gian xanh đang rất thiếu.
Như vậy, qua thời gian “chạy đà” quá dài, với guồng chuyển động nhanh, mạnh và quyết liệt đang ở phía trước, bài toán “tấm áo chật” của một đô thị phát triển nhanh và mạnh như Hà Nội đã có lời giải hữu hiệu. Thủ đô sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính sẽ tiếp tục có thêm cơ hội để hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra.
(Còn nữa)
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/do-thi-ha-noi-tiep-tuc-doi-thay-ca-luong-va-chat-636680.html