Đô thị loại IV tạo đà để Kim Bảng hoàn thành mục tiêu trở thành thị xã trước năm 2025
Tháng 11/2023, huyện Kim Bảng được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV, đánh dấu mốc quan trọng khẳng định sự phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực của huyện Kim Bảng. Trên đà phát triển, Kim Bảng xây dựng lộ trình trở thành thị xã trước năm 2025. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này trọng trách đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trong huyện là rất lớn. Đó cũng chính là nội dung cuộc trao đổi của phóng viên (P.V) Báo Hà Nam với ông Nguyễn Thành Thăng, Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng.
Ông Nguyễn Thành Thăng, Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng trao đổi với phóng viên Báo Hà Nam. Ảnh: Trần Minh
P.V: Sự kiện được công nhận đô thị loại IV vào cuối năm 2023, có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn “nước rút” để hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025 thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Thăng: Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Kim Bảng lần thứ XXVI xác định huyện trở thành thị xã trước năm 2025. Thực hiện chủ trương đó, Huyện ủy Kim Bảng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 07-NQ/HU về xây dựng huyện trở thành thị xã trước năm 2025, UBND huyện đã xây dựng và triển khai kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 02/4/2021.
Năm 2017, huyện Kim Bảng đạt chuẩn nông thôn mới, đã đánh dấu một bước tiến quan trọng về hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo tiền đề quan trọng cho huyện thực hiện các tiêu chí đô thị. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kim Bảng luôn nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tập trung huy động nguồn lực để lập quy hoạch đô thị, lập quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng, mở rộng, nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chỉnh trang theo hướng văn minh hiện đại, đồng bộ; là một trong những huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh của tỉnh, diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc, khang trang hơn, sạch đẹp hơn.
Ghi nhận sự nỗ lực quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Kim Bảng trong quá trình xây dựng, phát triển và kiến thiết đô thị, ngày 08/11/2023, huyện đã được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV trực thuộc tỉnh Hà Nam theo Quyết định số 1128/QĐ-BXD. Đây là tiền đề quan trọng, mở ra thời cơ mới, vị thế mới để Kim Bảng tiếp tục huy động các nguồn lực, tập trung cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị, từng bước hiện đại, đáp ứng đủ điều kiện được công nhận trở thành thị xã trước năm 2025. Năm 2024, được xác định là giai đoạn bứt phá để Kim Bảng hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, năm bản lề để hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện trở thành thị xã vào năm 2025.
P.V: Đó chính là dấu mốc ghi nhận sự phát triển đi lên của huyện; đồng thời cũng là nội lực quan trọng để Kim Bảng hoàn thành mục tiêu trở thành thị xã trước năm 2025, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Thăng: Đúng vậy! Đó chính là cơ sở, tiền đề triển khai các bước, quy trình lập, hoàn thiện Đề án thành lập thị xã Kim Bảng và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của huyện để thành lập các phường thuộc thị xã Kim Bảng trình các cấp xem xét, công nhận (dự kiến xây dựng 10 đơn vị hành chính thành lập phường giai đoạn 2023 - 2025; trong đó sáp nhập xã Nhật Tựu vào xã Nhật Tân, 04 đơn vị hành chính dự kiến thành lập phường giai đoạn 2026 – 2030 và 02 đơn vị ngoại thị); tạo điều kiện để khai thác tối ưu các tiềm năng và lợi thế của vị trí địa lý, nhằm bảo đảm thực hiện tốt vai trò là đô thị phát triển kinh tế - xã hội phía Tây của tỉnh gắn với Khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc, các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối phía Nam thủ đô Hà Nội và khu công nghiệp tập trung quy mô lớn của tỉnh.
Theo đó, Kim Bảng sẽ tập trung huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng để nâng cao tiêu chí đô thị loại IV, quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, các dự án, công trình thiết yếu đáp ứng nhu cầu phát triển chung của huyện; hoàn thành các dự án chỉnh trang đô thị, các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội; các dự án trọng điểm đang triển khai. Hỗ trợ, kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch, thương mại trên địa bàn. Triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025; thực hiện các dự án trọng điểm, nhất là các dự án để tăng điểm đạt tiêu chí đô thị loại IV, chương trình phát triển đô thị, chương trình xây dựng nông thôn mới,… tạo đà quan trọng cho việc tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, góp phần xây dựng huyện Kim Bảng trở thành thị xã vào năm 2025 với tính chất “Là đô thị du lịch, dịch vụ và công nghiệp trọng điểm của tỉnh phát triển theo hướng bền vững”.
Hạ tầng, cảnh quan đô thị của thị trấn Quế (Kim Bảng) ngày càng hoàn thiện đồng bộ, khang trang. Ảnh: Trần Minh
P.V: Để đạt mục tiêu đề ra, đòi hỏi địa phương phải huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển đô thị... Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới dự báo vẫn còn nhiều diễn biến khó lường, tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong nước nói chung, trong tỉnh nói riêng. Điều đó có nghĩa, thời gian tới, Kim Bảng sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức?
Ông Nguyễn Thành Thăng: Do ảnh hưởng của những diễn biến phức tạp của cạnh tranh địa chính trị trên thế giới, giá nhiên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất tăng cao, không ổn định; thị trường bất động sản trầm lắng thời gian gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hơn nữa, xuất phát điểm kinh tế của huyện còn thấp, nhu cầu đầu tư lớn nhưng nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp, chủ yếu dựa vào nguồn thu tiền sử dụng đất. Công tác quản lý nhà nước về đất đai những năm trước đây còn hạn chế, các vi phạm xảy ra từ nhiều năm trước, trong khi đó các văn bản quy phạm pháp luật liên quan có sự thay đổi qua các thời kỳ dẫn đến khó khăn trong giải quyết tồn tại và xử lý vi phạm. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận nhân dân về pháp luật còn hạn chế, gây khó khăn cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), làm chậm tiến độ thu hút đầu tư, triển khai các dự án.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, GPMB phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, như: chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chưa cao; tình trạng điều chỉnh cục bộ quy hoạch theo dự án đầu tư vẫn còn xảy ra; Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đã có chủ trương chưa bảo đảm tiến độ; lập, thẩm định, phê duyệt một số dự án tái định cư phục vụ GPMB các dự án trọng điểm còn chậm. Việc huy động các nguồn lực khác ngoài nguồn vốn ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị còn thấp, hạn chế.
Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở và lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thiếu sự chủ động, năng lực xử lý tình huống, công việc chưa cao; việc phối hợp giải quyết công việc có lúc, có nơi chưa nhịp nhàng, còn tình trạng đùn đẩy, ngại khó, chưa dám nghĩ, dám làm, chưa có khát vọng đưa địa phương phát triển.
Tuy nhiên, với quyết tâm vượt qua thách thức, phát huy nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kim Bảng phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết 05-NQ/TU, Kế hoạch 1476/KH-UBND về phát triển đô thị tỉnh Hà Nam và Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hà Nam đề ra, sớm đưa huyện Kim Bảng trở thành thị xã trước năm 2025, đáp ứng kỳ vọng của các thế hệ cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân trong huyện.
P.V: Vậy, đâu sẽ là nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của huyện trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Thăng: Thứ nhất, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân trong huyện nắm vững chủ trương của tỉnh, của huyện về việc xây dựng huyện Kim Bảng trở thành thị xã trước năm 2025. Tập trung phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, hành lang an toàn giao thông, công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB để người dân, tổ chức và doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát thực hiện theo quy hoạch và tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Thứ hai, làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, công bố, công khai các quy hoạch trên hệ thống thông tin đại chúng, nhất là các quy hoạch về đất đai, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, trước mắt, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện việc rà soát lại các quy hoạch, các chương trình, dự án đầu tư hiện có, điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm các quy hoạch đồng bộ, hiện đại, phù hợp với định hướng phát triển chung và phát triển bền vững. Tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển sản xuất kinh doanh, quan tâm hơn đến không gian công cộng, quảng trường, nhận diện đô thị, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Thứ ba, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Thực hiện đấu giá tại các vị trí đã được UBND tỉnh chấp thuận địa điểm, các vị trí xen kẹp trong khu dân cư; đề xuất các dự án đô thị, nhà ở để dành 100% tiền sử dụng đất cho huyện để phục vụ đầu tư các dự án hạ tầng khung đô thị; ưu tiên nguồn lực xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật khung đô thị như hệ thống đường giao thông, vỉa hè, các công trình kiến trúc cảnh quan, công viên, cây xanh đô thị, quảng trường hệ thống chiếu sáng, hệ thống thoát nước mưa và nước thải. Hỗ trợ, đẩy nhanh đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Kim Bảng I; các cụm công nghiệp mới Lê Hồ, Đồng Hóa, Thi Sơn I. Quan tâm thu hút đầu tư đô thị, nhà ở, khu nhà ở công nhân theo quy hoạch, tăng dân số cơ học. Công khai danh mục, tăng cường kêu gọi đầu tư các dự án nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống đô thị: đầu tư trường học, trung tâm y tế, bệnh viện chất lượng cao, các khu vui chơi, giải trí, xử lý nước thải, rác thải;… Tăng cường quản lý đầu tư, bảo đảm chất lượng các công trình xây dựng; thực hiện hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, trật tự xây dựng, hành lang an toàn giao thông; quản lý đất đai, khoáng sản trên địa bàn huyện; phát hiện sớm, xử lý nghiêm, triệt để vi phạm mới phát sinh.
Thứ tư, tập trung triển khai Chương trình phát triển đô thị Kim Bảng đến năm 2030, quy chế quản lý kiến trúc đô thị. Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn nâng cấp huyện đạt đô thị loại IV, tiêu chuẩn thành phường. Tập trung thực hiện các nội dung theo Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 02/1/2024 của UBND huyện về xây dựng Đề án thành lập thị xã Kim Bảng và thành lập các phường thuộc thị xã Kim Bảng (lồng ghép việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 vào Đề án). Phấn đấu trong tháng 6/2024, báo cáo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua; Quý 3/2024 đến Quý 4/2024, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, công nhận.
Thứ năm, tập trung làm tốt công tác GPMB, tạo quỹ đất "sạch" thu hút các nhà đầu tư; chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trước mắt các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB, đầu tư xây dựng cầu Tân Lang và tuyến đường liên kết vùng, nối từ đường vành đai 4, vành đai 5 qua QL38 đến QL21; đường nối từ vành đai 4 - vành đai 5; đường song hành QL21; Khu công nghiệp Kim Bảng I;... đặc biệt tập trung hoàn thành các khu tái định cư để sớm giao đất cho các hộ bị ảnh hưởng dự án.
Thứ sáu, đẩy mạnh cải cách hành chính, chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cho người dân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền đô thị. Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế-xã hội và nguồn nhân lực quản lý đô thị. Giải quyết tốt các vấn đề quản lý đô thị, đất đai, khoáng sản, ô nhiễm môi trường và các vấn đề xã hội khác. Thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo đảm an sinh xã hội. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các tệ nạn xã hội, các loại tội phạm, làm tốt công tác dân vận, kịp thời giải quyết những bức xúc của người dân ngay từ cơ sở; tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!