Đô thị vệ tinh phía Nam Thủ đô: Vẫn chờ quy hoạch phân khu

Trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội, đô thị vệ tinh Phú Xuyên nằm ở phía Nam TP, được phê duyệt quy hoạch chung từ năm 2015.

Tuy nhiên đến nay, sau 5 năm, các quy hoạch phân khu tại đô thị vệ tinh này vẫn chưa có, dẫn đến những hạn chế trong công tác đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút nguồn lực phát triển của địa phương.

Hạn chế phát triển do chưa có quy hoạch
Nằm ở phía Nam TP, theo quy hoạch chung được TP phê duyệt từ năm 2015, đô thị vệ tinh Phú Xuyên có diện tích khoảng 3.982ha gồm địa giới của 8 xã, 2 thị trấn của huyện Phú Xuyên và 5 xã của huyện Thường Tín. Đây sẽ là nơi phát triển công nghiệp, trung chuyển hàng hóa, xây dựng các cụm công nghiệp để di dời nhà máy từ nội đô, hỗ trợ phát triển nông nghiệp cho vùng đồng bằng phía Nam sông Hồng. Đồng thời hình thành các trung tâm dịch vụ trung chuyển hàng hóa, các khu nhà ở công nhân và tiện ích đô thị khác như y tế chất lượng cao, đào tạo nghề... Quy hoạch cũng tạo ra mạng lưới giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt quan trọng nhằm kết nối các khu vực lân cận với Phú Xuyên.

 Huyện Phú Xuyên chụp từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Hà

Huyện Phú Xuyên chụp từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Hà

Khi mục tiêu của bản quy hoạch được công bố, người dân Phú Xuyên đã hết sức vui mừng vì nếu phát triển thành đô thị, cuộc sống sẽ có nhiều đổi thay theo hướng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, quy hoạch đã được phê duyệt 5 năm nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy. Người dân trong các làng nghề hàng ngày vẫn phải hít bụi và sống chung với tiếng ồn từ nhiều năm nay. Chủ tịch UBND thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên Nguyễn Viết Hải chia sẻ, do quy hoạch phân khu chưa được phê duyệt nên quy hoạch chi tiết các dự án như khu cây công viên cây xanh, trụ sở, cụm công nghiệp… cũng chưa có cơ sở để triển khai. Do vậy, bộ mặt thị trấn Phú Xuyên chưa có nhiều đổi khác.

Ngoài ra, do chưa có quy hoạch cụ thể nên công tác quản lý đất đai của địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, lúng túng. “Tôi mong các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh sớm được phê duyệt, khi đó thị trấn Phú Xuyên có cơ sở triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết. Sau khi có quy hoạch chi tiết thì mới thực hiện được các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đời sống của người dân mới được nâng lên" - ông Nguyễn Viết Hải nhận định.
Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Lê Ngọc Anh cho biết, huyện có điều kiện tự nhiên, giao thông tương đối thuận lợi, có nhiều làng nghề trong đó 43/154 làng được TP công nhận là làng nghề truyền thống. Song cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện còn yếu và thiếu đồng bộ, chưa thu hút được các nhà đầu tư vào phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún, nhỏ lẻ… Các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh chưa được TP phê duyệt nên huyện chưa có cơ sở hoàn thành quy hoạch chi tiết hai thị trấn Phú Xuyên, Phú Minh và triển khai các dự án phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Không để thành “vùng trũng”
Quan điểm của Hà Nội là trong quy hoạch phát triển Thủ đô, kiên trì bảo vệ quy hoạch đặc thù phát triển chùm 5 đô thị vệ tinh. Các đô thị vệ tinh của Hà Nội được định hướng phát triển hoàn chỉnh, đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội để làm sao có thể hoạt động độc lập và hỗ trợ, giảm tải một số chức năng cho đô thị trung tâm như công nghiệp, công nghệ cao, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch… Tuy nhiên, thời gian vừa qua, do có yếu tố dàn trải nên việc quy hoạch, đầu tư phát triển 5 đô thị vệ tinh của TP Hà Nội còn hạn chế. Đến nay, mới chỉ có đô thị vệ tinh Hòa Lạc, nằm ở khu vực phía Tây TP, đang dần hiện rõ hình hài. Cùng với Đại lộ Thăng Long khang trang, hiện đại nối đô thị trung tâm với Khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc, hạ tầng giao thông, đô thị của khu đô thị vệ tinh này cũng đang được đẩy nhanh xây dựng cùng với sự thu hút đầu tư.

Còn lại 4 đô thị vệ tinh Sóc Sơn, Xuân Mai, Sơn Tây, Phú Xuyên, các quy hoạch hầu như chưa được triển khai. Do đó, nhiều huyện nằm trong các đô thị vệ tinh mặc dù có vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội nhưng chưa phát huy được lợi thế, giảm sức ép về phát triển trong đô thị trung tâm, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và đô thị hóa vùng ngoại thành, nhất là các huyện nằm ở đô thị vệ tinh phía Nam TP.
Đánh giá về những lợi thế của đô thị vệ tinh Phú Xuyên, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, đây là khu vực giao thoa của các hành lang kinh tế khu vực phía Bắc, có di sản làng nghề truyền thống phong phú, điều kiện đất đai rộng lớn, diện tích mặt nước của sông Hồng, sông Nhuệ rất tốt cho việc khai thác cảnh quan đô thị và góp phần bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt, một điểm nổi trội của đô thị vệ tinh Phú Xuyên mà ít khu vực nào có được là đầu mối giao thông đa dạng cả về đường sắt, đường bộ, đường thủy. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ logistics, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch làng nghề… Khi đô thị này phát triển thì đây sẽ là cực kết nối Hà Nội với các vùng xung quanh, thể hiện được vai trò Hà Nội là động lực phát triển vùng Thủ đô. Từ những lợi thế trên, Hà Nội cần đẩy nhanh quy hoạch phân khu của đô thị vệ tinh này, đồng thời nghiên cứu để có lời giải về hành lang thoát lũ, tác động của biến đổi khí hậu vì đây vốn là vùng đất trũng của TP.
Trao đổi về tiến độ triển khai các quy hoạch phân khu tại đô thị vệ tinh Phú Xuyên, Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, trên cơ sở quy hoạch chung đô thị vệ tinh Phú Xuyên, UBND TP đã giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội chủ trì, phối hợp với huyện Phú Xuyên, Thường Tín để lập ba quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh theo quy định. Cụ thể gồm phân khu S1 địa điểm trên địa bàn các xã Tô Hiệu, Văn Tự, Minh Cường thuộc huyện Thường Tín và các xã Phượng Dực, Đại Thắng, Quang Trung thuộc huyện Phú Xuyên; quy mô diện tích nghiên cứu khoảng 893,64ha. Phân khu S2, địa điểm trên địa bàn các xã Minh Cường thuộc huyện Thường Tín và các xã Sơn Hà, Nam Phong, Phúc Tiến, thị trấn Phú Xuyên thuộc huyện Phú Xuyên; quy mô diện tích nghiên cứu trên 1.175ha. Phân khu S3 có địa điểm trên địa bàn các xã Tô Hiệu, Thống Nhất, Văn Tự, Vạn Điểm, Minh Cường huyện Thường Tín và các xã Nam Triều, Nam Phong, Nam Tiến, Phúc Tiến và thị trấn Phú Minh, thị trấn Phú Xuyên thuộc huyện Phú Xuyên; quy mô diện tích nghiên cứu khoảng 1.925ha. Các đồ án quy hoạch phân khu đều nêu rõ phạm vi, ranh giới cụ thể, quy mô dân số tính toán đến năm 2030.

“Hiện, hồ sơ các quy hoạch phân khu này đã được Sở QH - KT thẩm định và Bộ Xây dựng đã có văn bản thống nhất từ tháng 11/2020. Sở QH - KT đang khẩn trương hoàn thiện để cuối tháng 12/2020 trình TP phê duyệt” – ông Nguyễn Trúc Anh thông tin.

Trong các cuộc làm việc với huyện Thường Tín, Phú Xuyên gần đây, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, quan điểm của TP là việc phát triển đồng đều giữa các cực, trong đó ưu tiên phát triển các quận, huyện phía Nam TP, không để nơi đây trở thành “vùng trũng” của Thủ đô. Với tinh thần đó, Bí thư Thành ủy yêu cầu các sở, ngành TP cần quan tâm nhiều hơn tới các huyện ở phía Nam. Trong đó, chú ý vấn đề liên quan đến quy hoạch đô thị vệ tinh; xây dựng hạ tầng, đường giao thông; làm tốt công tác quy hoạch vùng huyện, liên huyện; có cơ chế thu hút đầu tư… để tạo ra động lực phát triển.

Vũ Lê

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/do-thi-ve-tinh-phia-nam-thu-do-van-cho-quy-hoach-phan-khu-405636.html