Độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong thời bình được quy định như thế nào?
Hỏi: Độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong thời bình được quy định như thế nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 8 Luật Dân quân tự vệ năm 2019. Cụ thể như sau:
1. Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; nếu tình nguyện tham gia dân quân tự vệ thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ.
2. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ tại chỗ, dân quân tự vệ cơ động, dân quân tự vệ biển, dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế là 4 năm; dân quân thường trực là 2 năm.
Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương, cơ quan, tổ chức, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ được kéo dài nhưng không quá 2 năm; đối với dân quân biển, tự vệ và chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ được kéo dài hơn nhưng không quá độ tuổi quy định tại khoản 1 điều này.
3. Chủ tịch UBND cấp xã, chủ tịch UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định kéo dài độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ theo quy định tại điều này.
* Hỏi:Đề nghị tòa soạn cho biết, những ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân Việt Nam đối với công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự và có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 14/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân đối với công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; công dân thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến và việc huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai. Cụ thể như sau:
a) Ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài: Ngôn ngữ Anh; ngôn ngữ Nga; ngôn ngữ Pháp; ngôn ngữ Trung Quốc; ngôn ngữ Nhật;
b) Báo chí và truyền thông: Báo chí học; truyền thông đại chúng;
c) Văn thư-lưu trữ: Lưu trữ học; bảo tàng học;
d) Tài chính;
đ) Kế toán;
e) Luật: Luật dân sự và tố tụng dân sự; luật hình sự và tố tụng hình sự; luật kinh tế; luật quốc tế;
g) Máy tính và công nghệ thông tin: Khoa học máy tính; kỹ thuật phần mềm; hệ thống thông tin; công nghệ thông tin;
h) Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông: Kỹ thuật điện; kỹ thuật điện tử; kỹ thuật ra đa-dẫn đường; kỹ thuật viễn thông; kỹ thuật mật mã;
i) Y, dược: Vi sinh học; ký sinh trùng y học; dịch tễ học; dược lý và chất độc; gây mê hồi sức; hồi sức cấp cứu và chống độc; ngoại khoa; sản phụ khoa; nội khoa; thần kinh và tâm thần; ung thư; lao; huyết học và truyền máu; da liễu; truyền nhiễm và các bệnh nhiệt đới; tai-mũi-họng; nhãn khoa; y học dự phòng; phục hồi chức năng; chẩn đoán hình ảnh; y học cổ truyền; dinh dưỡng; y học hạt nhân; kỹ thuật hình ảnh y học; vật lý trị liệu; công nghệ dược phẩm và bào chế thuốc; dược lý và dược lâm sàng; dược học cổ truyền; kiểm nghiệm thuốc và độc chất; điều dưỡng; răng-hàm-mặt.