Độ xe bị phạt bao nhiêu tiền?

Theo Bộ Công an, việc tự ý lắp thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên, người vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP.

Bộ Công an cho biết nhận được câu hỏi của bạn đọc về việc, người điều khiển phương tiện giao thông tự ý lắp thiết bị phát tín hiệu xe ưu tiên trên phương tiện không thuộc xe ưu tiên sẽ bị xử phạt như thế nào?

Về vấn đề này Bộ Công an cho biết, Nghị định 151/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực từ 1/1/2025 đã quy định chi tiết các loại xe được lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên. Trong đó, thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên bao gồm: Đèn phát tín hiệu ưu tiên, còi phát tín hiệu ưu tiên, cờ hiệu ưu tiên.

Ảnh minh họa. TL

Ảnh minh họa. TL

Các loại xe được lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên gồm:

Xe chữa cháy của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy.

Xe của lực lượng quân sự, công an, kiểm sát, cứu thương đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; Xe Cảnh sát giao thông dẫn đường.

Xe hộ đê đi làm nhiệm vụ; xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh.

Xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp: Xe phục vụ Ban chỉ đạo, xe phục vụ các lực lượng chức năng được huy động tham gia thực hiện nhiệm vụ khi tình trạng khẩn cấp được ban bố.

Trường hợp không thuộc những loại xe trên mà tự ý lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên, người vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định 168 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.

Cụ thể, xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên sẽ bị phạt 4 - 6 triệu đồng, áp dụng cho ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô.

Đối với xe máy, hành vi trên sẽ bị phạt 400.000 - 600.000 đồng.

Ngoài ra, Nghị định 168 cũng quy định mức xử phạt với các lỗi thay đổi màu sơn, "độ" âm thanh với phương tiện là ô tô, xe máy. Cụ thể, với hành vi hay đổi màu sơn xe ô tô mà không cập nhật với cơ quan chức năng, chủ xe ô tô sẽ bị phạt 4 - 6 triệu đồng đối với cá nhân và 8 - 12 triệu đồng đối với tổ chức.

Đối với xe mô tô, xe gắn máy mà chủ phương tiện thay đổi nhãn hiệu, màu sơn không đúng với chứng nhận đăng ký xe cũng sẽ bị phạt 200.000 - 300.000 đồng với cá nhân, bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng với tổ chức.

Đối với hành vi lắp đặt và sử dụng thiết bị âm thanh, ánh sáng trên xe gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ, chủ phương tiện sẽ bị xử phạt 4 - 6 triệu đồng đối với cá nhân và 8 - 12 triệu đồng đối với tổ chức.

Đối với xe máy và các loại xe gắn máy tương tự, mức phạt cho hành vi lắp đặt và sử dụng thiết bị âm thanh, ánh sáng trái quy định là 800.000 - 1.000.000 đồng đối với cá nhân và 1,6 - 2 triệu đồng đối với tổ chức.

Minh Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/do-xe-bi-phat-bao-nhieu-tien-169250211212912257.htm