Dọa tung đòn tấn công Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ tính 'vượt mặt' Nga?
Theo giới phân tích, Idlib đã trở thành đấu trường địa chính trị giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, còn Nga đang cố đứng ra làm trung gian hòa giải.
Căng thẳng đã đạt đến điểm sôi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khi Ankara công khai tuyên bố thực hiện chiến dịch quân sự tại tỉnh Idlib – tây bắc Syria, nơi các lực lượng của chính phủ Syria đang chống lại phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Idlib, thành trì lớn cuối cùng của phiến quân tại Syria, đã chứng kiến sự leo thang bạo lực vào ngày 20/2. Các nhóm vũ trang địa phương đang tìm cách đẩy lùi quân đội Syria khỏi những vùng lãnh thổ dọc theo đường cao tốc mà những nhóm này chiếm giữ và trông chờ vào sự hỗ trợ pháo binh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Ankara không có kế hoạch rút lui. Tổng thống Erdogan gần đây tuyên bố rằng cuộc tấn công của nước này vào Idlib chỉ là vấn đề thời gian. Trong khi đó, Nga cho rằng bất cứ sự can thiệp quân sự trực tiếp nào của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria sẽ là “tình huống tồi tệ nhất”. Vậy có khả năng một quốc chiến tranh quy mô lớn sẽ xảy ra?
Đấu trường địa chính trị
“Đánh giá về những tuyên bố của ông Erdogan, có vẻ như Thổ Nhĩ Kỳ rất quyết tâm thực hiện mối đe dọa của họ”, nhà phân tích và tổng biên tập tạp chí “Nước Nga trong chính trị toàn cầu”, ông Fyodor Lukyanov nhận định. Theo đó, Idlib đã trở thành đấu trường địa chính trị giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Nga vẫncố gắng đứng ra hòa giải các bên xung đột nhưng cho đến nay các cuộc đàm phán giữa nước này với Thổ Nhĩ Kỳ không mang lại bất cứ kết quả thực tế nào, trong khi tình hình trên chiến địa ngày càng nóng hơn. Ông Lukyanov lưu ý rằng “Ankara đã cố gắng tránh một cuộc chiến tranh toàn diện với Syria bởi nhóm vũ trang thực sự đang tham chiến tại Idlib là phiến quân liên hệ với Al-Qaeda mà nước này đang hậu thuẫn”.
Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có lực lượng quân sự lớn thứ 2 trong NATO có khả năng giành chiến thắng nếu như họ chỉ phải chiến đấu với quân đội Syria, chuyên gia quân sự và đại tá về hưu Nga Mikhail Khodarenok nhận xét. Quân đội của Tổng thống Erdogan có đủ khả năng chiến đấu, đủ trang thiết bị quân sự và binh sỹ để đánh bại lực lượng của Tổng thống Al Assad trong vài ngày”, ông Mikhail Khodarenok nói với RT. Quân đội Syria hiện nay đang rơi vào thế yếu vì trải qua gần 1 thập kỷ giao tranh, phải chiến đấu trên nhiều mặt trận chống lại các nhóm phiến quân và những phần tử cực đoan.
Tuy nhiên, nhận định trên chỉ là giả thuyết bởi quân đội Syria không chiến đấu một mình. Nga - đồng minh lâu dài của Damascus song cũng là đối tác quan trọng không kém đối với Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ đứng ra can thiệp. Thất bại của đồng minh Syria sẽ là một thảm họa đối với các nỗ lực chống khủng bố của Nga tại Syria trong 5 năm qua cũng như chính sách Trung Đông mà Moscow đang theo đuổi. Ông Khodarenok cho rằng rất khó có khả năng Nga sẽ đứng sang một bên và theo dõi cuộc xung đột đang làm xói mòn ảnh hưởng của mình trong khu vực.
Bất cứ hoạt động quân sự quy mô lớn nào của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại quân đội Syria sẽ gây ảnh hưởng đến các cố vấn quân sự và lực lượng mà Nga đang triển khai trên thực địa, chẳng hạn như lực lượng quân cảnh đang tuần tra tại một số khu vực ở Syria, RT dẫn lời Aleksey Khlebnikov, chuyên gia về Trung Đông của Trung tâm Carnegie Moscow cho biết.
“Nga sẵn sàng sử dụng lực lượng không quân hỗ trợ chiến dịch quân sự của quân đội Syria và đóng vai trò răn đe chống lại bất cứ chiến dịch tấn công nào của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các cứ điểm của quân chính phủ Syria, về cơ bản đảm bảo sự kiểm soát của quân đội đối với những vùng lãnh thổ vừa giành lại”, ông Khlebnikov nói.
Sự can thiệp của Moscow khiến việc công khai thực hiện chiến dịch tấn công Idlib trở thành một lựa chọn ít khả thi hơn đối với Ankara. Nếu xung đột Nga-Thổ xảy ra, tất yếu sẽ xảy ra một cuộc đối đầu quy mô lớn giữa Nga với NATO bởi Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của khối quân sự này.
Trả giá đắt?
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đánh mất nhiều thứ nếu quan hệ giữa nước này với Nga trở nên xấu đi. Còn nhớ sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiếc Su-24 của Nga vào tháng 11/2015, Moscow đã áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực xuất khẩu và các doanh nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ, làm tê liệt ngành nông nghiệp và du lịch của nước này. Kể từ đó, Thổ Nhĩ Kỳ dần tìm cách cải thiện quan hệ với Nga. Ankara đã tăng cường hợp tác quốc phòng với Nga thông qua thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400 mà nước này xem là rất quan trọng, bất chấp sức ép của Mỹ cũng như việc phải hy sinh chương tình hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Nga sẽ không chia sẻ bất cứ thiết bị quân sự nào như vậy với Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa nếu chiến tranh nổ ra giữa Ankara và Damascus nổ ra tại Idlib, theo nhận định của các chuyên gia.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt tay trong dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt TurkStream, đưa khí đốt từ Nga đến thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ và các vùng công nghiệp xung quanh. Tuy nhiên Nga đã không do dự ngừng thực hiện dự án này vào năm 2015, như một phần của các biện pháp trừng phạt.
Hợp tác giữa Moscow và Ankara cũng vượt ra ngoài các lĩnh vực kinh tế và quốc phòng. Ngoài việc cùng nhau tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga gần đây đã nổi lên như là những nhân tố chủ chốt thúc đẩy các cuộc đàm phán đang bị đình trệ để chấm dứt sự hỗn loạn tại Libya.
“Không ai mong muốn một cuộc chiến tranh lớn tại Syria sẽ nổ ra bởi nó sẽ dẫn đến xung đột giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, ông Vital Vitaly Naumkin, chủ tịch Viện nghiên cứu phương Đông của Viện hàn lâm khoa học Nga nói với RT. “Những lợi ích mà các bên có được nhờ sự hợp tác song phương là rất lớn. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ phài tìm cách dàn xếp”, ông Vitaly Naumkin nhận định.
Cùng chung quan điểm này, chuyên gia Khlebnikov cho rằng “rất khó có khả năng Ankara sẽ chọn con đường gây xung đột trực tiếp và leo thang căng thẳng với Moscow”. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Nga chỉ cần “ngồi im và không làm gì”.
Còn theo nhà phân tích Lukyanov, việc dàn xếp tình hình sẽ phụ thuộc vào các đồng thái ngoại giao của Moscow, trước đó từng cảnh báo Ankara rằng lựa chọn quân sự sẽ không đi tới đâu. Nếu Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không đạt được sự đồng thuận chung trong việc phân chia phạm vi ảnh hưởng ở Moscow thì các cuộc giao tranh sẽ tiếp diễn, ông Lukyanov cảnh báo. Điều này sẽ không có lợi cho người dân Syria, những người mong muốn đất nước được hòa bình sau gần 1 thập kỷ xung đột.
Một số ý kiến khác cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai thêm quân đội và trang thiết bị tới Idlib cho thấy nước này muốn tạo ra các ranh giới mới, nhằm mục đích gây sức ép để có được sự nhượng bộ của Nga thay vì cố gắng chiếm đóng vùng lãnh thổ này. Còn nhớ Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố việc thực hiện Chiến dịch Mùa xuân hòa bình là để tạo ra không gian sinh sống cho 2 triệu người tị nạn Syria. Và sự nhượng bộ mà Ankara cần từ phía Nga là cho phép nước này mở rộng chiến dịch Chiến dịch Mùa xuân hòa bình để thực hiện kế hoạch của mình.
Các chuyên gia đều cho rằng, bất kể mục đích của các bên là gì, thì việc ngăn chặn xung đột tại Idlib là điều cần thiết, nhằm tránh leo thang căng thẳng ở thời điểm hiện tại, tạo điều kiện để tìm kiếm một giải pháp lâu dài hơn cho tình hình tại Syria./.