Đoán bệnh của bạn trong tương lai qua thói quen hàng ngày
Thường xuyên thức khuya bạn dễ bị cao huyết áp, trầm cảm; còn bỏ bữa sáng có thể gây béo phì, bệnh tim, tiểu đường.
Theo Medicalnewstoday, những thói quen xấu lặp lại mỗi ngày có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Để biết bản thân có nguy cơ mắc bệnh gì, bạn hãy xem mình có những thói quen nào sau đây:
Thói quen thức khuya, ngủ nướng
Các nhà khoa học gọi nhóm người thích thức khuya - ngủ nướng là "cú đêm" bởi họ có đặc điểm phân bổ thời gian trong ngày chẳng khác gì loài cú. Họ thường cảm thấy rất hăng hái vào buổi tối nhưng đến sáng lại uể oải. Thường xuyên đi ngược quy luật tự nhiên nên đồng hồ sinh học của cơ thể bị đảo ngược hoàn toàn làm cho sức khỏe giảm sút, hệ thống miễn dịch yếu đi, bệnh tật càng nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đó là lý do "cú đêm" thường phàn nàn về tình trạng đau đầu, chóng mặt, hay quên, chán ăn, buồn nôn, loạn nhịp tim, tức ngực khó thở, giảm năng suất lao động cũng như kết quả học tập.
Ngủ nhiều hơn 9 giờ mỗi ngày
Các nhà khoa học cảnh báo những người ngủ nhiều hơn 9 tiếng đồng hồ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột cao hơn từ 1,4 đến 2 lần bình thường. Thời gian ngủ quá dài kết hợp với tình trạng thừa cân hoặc ngáy ngủ càng làm tăng nguy cơ ung thư.
Chứng ngáy ngủ có thể gây ngưng thở khi ngủ. Tình trạng này mang tính cục bộ nhưng dễ dẫn đến suy giảm chất lượng giấc ngủ, thiếu oxy máu, tăng nguy cơ phát triển khối u. Mất ngủ, thiếu ngủ khiến con người cần thêm thời gian ban ngày để ngủ bù, rồi đến ban đêm lại mất ngủ. Cứ thế tạo nên một vòng luẩn quẩn rất có hại cho sức khỏe.
Các nhà khoa học khuyên mọi người cần đảm bảo chất lượng của giấc ngủ, đó là điều kiện tiên quyết để có sức khỏe tốt. Đối với người lớn, thời gian ngủ ban đêm tốt nhất từ 7 đến 8 giờ, nhiều hơn hay ít hơn đều có hại cho sức khỏe. Nếu bị khó ngủ, nên đến bệnh viện điều trị càng sớm càng tốt.
Ăn tối muộn
Nghiên cứu của cho thấy những người ăn tối muộn tăng nguy cơ đau dạ dày, trào ngược dạ dày, viêm tụy, ung thư ruột kết. Thói quen ăn khuya còn khiến lượng cholesterol trong máu cao. Đây là lý do hàng đầu gây xơ vữa động mạch, tiền đề cho hàng loạt vấn đề nguy hiểm khi về già như bệnh tim mạch vành, các cơn đau tim và đột quỵ.
Cấu tạo của cơ thể con người thích hợp để làm việc ban ngày và ngủ ban đêm. Trời càng về đêm, hệ miễn dịch thể chất và thần kinh càng yếu. Lúc này, nếu bạn ăn quá muộn hoặc quá nhiều sẽ gây áp lực cho hệ tiêu hóa khiến cơ thể mệt mỏi, căng thẳng và không được nghỉ ngơi đúng mực dẫn đến stress, trầm cảm. Tốt nhất, hãy ăn tối trước 19h, muộn nhất là 20h để dạ dày có thời gian nghỉ ngơi.
Bỏ bữa sáng
Trong 3 bữa ăn chính hàng ngày, bữa sáng là quan trọng nhất bởi nó cung cấp năng lượng cho các hoạt động suốt cả ngày. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA của Mỹ cho thấy nam giới thường xuyên bỏ bữa sáng tăng 27% nguy cơ kéo dài cơn đau tim so với bình thường. Người nhịn bữa sáng trở nên nhạy cảm với chứng tăng huyết áp, tắc nghẽn động mạch và các bệnh tim mạch mạn tính, trong đó có đột quỵ.
Phụ nữ quen nhịn ăn sáng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn so với người ăn sáng đầy đủ. Nữ trong độ tuổi làm việc mà không ăn sáng thường xuyên tăng 54% nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2.
Bỏ bữa sáng dễ khiến bạn tăng cân. Khi cơn đói lên cao trào, bạn có xu hướng ăn bù nhiều hơn, đặc biệt là tăng cảm giác thèm thực phẩm giàu chất béo và đồ ngọt. Trẻ em quên ăn sáng dễ bị giảm khả năng nhận thức, đau đầu, rụng tóc, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất.
Hút thuốc
Hút thuốc làm tăng nguy cơ bệnh tim, ung thư phổi, đột quỵ... Vì vậy, bạn nên bỏ thói quen thuốc lá trước khi bước sang 40 tuổi để tránh nguy cơ tử vong sớm do các bệnh này.
Ăn mặn
Ngoài làm gia vị trực tiếp, muối còn có trong bánh mì, thịt chế biến sẵn, súp, phô mai, nước sốt, dưa chua… Nghiên cứu cho thấy hầu hết người Việt Nam tiêu thụ muối nhiều hơn nhu cầu của cơ thể. Lượng muối được khuyến cáo tối đa cho một người mỗi ngày là khoảng nửa muỗng cà phê. Ăn quá nhiều natri có thể gây ra cao huyết áp là nguyên nhân chính dẫn đến đau tim và đột quỵ.