Đoàn cấp cao Quốc hội Việt Nam tìm hiểu mô hình văn hóa, du lịch lịch sử đảo Goreé, Senegal
Sáng 24/7, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cùng một số thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến tham quan, tìm hiểu khu di tích văn hóa, lịch sử trên đảo Goreé, Cộng hòa Senegal.

Đoàn cấp cao Quốc hội Việt Nam tìm hiểu mô hình văn hóa, du lịch lịch sử đảo Goreé, Senegal.
Đảo Goreé, nằm cách thủ đô Dakar, Senegal khoảng 3,5km, là một điểm đến độc đáo thu hút hàng trăm nghìn du khách quốc tế mỗi năm. Được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới từ năm 1978, hòn đảo nhỏ bé với diện tích chỉ 28ha gợi nhớ lịch sử đau thương của nạn buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương.
Sự kết hợp giữa lịch sử, văn hóa và thiên nhiên khiến Goreé trở thành một điểm đến nổi tiếng của du khách quốc tế.
Theo các tài liệu được các quan chức địa phương giới thiệu: Goreé từng là trung tâm buôn bán nô lệ lớn nhất Tây Phi từ thế kỷ 15 đến 19, nơi hàng triệu người châu Phi bị giam giữ trước khi bị đưa đến châu Mỹ.
Các đại biểu Đoàn Việt Nam được giới thiệu công trình Nhà Nô lệ (Maison des Esclaves), được xây dựng vào năm 1776, là điểm nhấn lịch sử của đảo. Cánh cửa “Cửa không trở lại” (Door of No Return) nơi những người nô lệ bước ra để lên tàu, không bao giờ trở về quê hương vẫn luôn là biểu tượng mạnh mẽ của sự đau thương và kiên cường.

Đoàn đại biểu nghe giới thiệu về bảng lưu niệm ghi tên những nhà lãnh đạo thế giới từng đến đây.
Các kiến trúc nổi bật khác trên đảo ngoài Ngôi nhà Nô lệ còn có Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng phụ nữ , bảo tàng biển, Cung toàn quyền, Trường William-Ponty, Nhà thờ Hồi giáo…
Ghi lưu bút tại đây, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi: Đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vô cùng vinh dự và xúc động đến thăm đảo Goreé, một địa điểm di tích lịch sử đau thương của người dân Senegal và châu Phi hàng trăm năm trước với thân phận nô lệ bị cưỡng bức mua bán sang các nước châu Mỹ.
“Chúng tôi luôn ghi nhớ công lao của các thế hệ tiền bối đấu tranh giải phóng nô lệ, áp bức vì sự phát triển của loài người. Chúng ta thấu hiểu lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Không có gì quý hơn độc lập tự do". Xin chúc cho đảo Goreé và những người dân của đảo luôn có cuộc sống hạnh phúc. Tình hữu nghị hai nước Việt Nam và Senegal ngày càng phát triển tốt đẹp!”.
Cơ quan UNESCO đánh giá, Goreé là “hòn đảo ký ức”, nơi du khách có thể cảm nhận sâu sắc về lịch sử nhân loại và tác động của chế độ nô lệ. Các khách đến đây được các hướng dẫn viên địa phương hướng dẫn tận tình, cung cấp thông tin chi tiết về những câu chuyện cá nhân và bối cảnh lịch sử, tạo nên trải nghiệm sâu sắc.

Các thành viên trong Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam được giới thiệu về lịch sử thăng trầm với mảnh đất và con người trên “đảo Ngọc” của Senegal.
Nhiều lãnh đạo thế giới như Nelson Mandela, Barack Obama và Giáo hoàng John Paul II đã đến thăm Goreé, nâng cao giá trị biểu tượng của hòn đảo.
Điểm nhấn ấn tượng khác là kiến trúc của Goreé với những ngôi nhà thuộc địa từ thế kỷ 18 được sơn màu rực rỡ, các con hẻm hẹp lát đá mộc mạc, đặc biệt không hề có xe cơ giới trên đảo. Vì thế có mặt ở đảo Goreé mang lại cảm giác thanh bình.
Các công trình như Pháo đài D’Estreés, nay là Bảo tàng Lịch sử Senegal, và Nhà thờ St. Charles Borromeo thể hiện sự giao thoa của các nền văn hóa Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh và Pháp, từng chiếm đóng hòn đảo.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng và Đoàn đến thăm những ngôi nhà của các thương nhân nô lệ, với cầu thang đôi và ban công sắt, tương phản mạnh mẽ với các hầm giam tối tăm bên dưới từng một thời mang hàng nghìn câu chuyện bị kịch và đau thương khi con người trở thành sản phẩm buôn bán người.
Ngày nay, Goreé là trung tâm văn hóa sôi động, nơi nghệ thuật, âm nhạc và ẩm thực Senegal tỏa sáng. Các phòng tranh và xưởng nghệ thuật trên đảo trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ địa phương, từ tranh vẽ đến điêu khắc gỗ và dệt may truyền thống.
Theo báo chí bạn và nước ngoài, du khách có thể tham gia các buổi workshop, nơi các nghệ sĩ hướng dẫn cách tạo ra những bức tranh cát độc đáo đặc trưng của Senegal. Lễ hội Jazz Goreé, diễn ra vào tháng 4 hàng năm, thu hút các nhạc sĩ quốc tế và tạo nên không khí lễ hội sôi động.
Ngoài ra, Lễ hội Di cư Goreé tôn vinh cộng đồng người gốc Phi, với các buổi biểu diễn âm nhạc, khiêu vũ và triển lãm nghệ thuật, thu hút du khách từ khắp châu Phi và hơn thế nữa.
Ước tính có khoảng 500.000 du khách mỗi năm, Goreé đối mặt với áp lực về quản lý rác thải và nước sạch, nhưng vẻ đẹp tự nhiên và không khí yên bình vẫn khiến du khách quốc tế ưa chuộng.
Đón tiếp Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Senegal, Ismaila Diallo, đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Quốc hội, các nghị sĩ địa phương và đông đảo người dân địa phương, các hướng dẫn viên tận tình giới thiệu với những người bạn, khách quý Việt Nam hiểu sâu hơn về lịch sử và văn hóa.
Với vai trò là biểu tượng của sự kiên cường và hòa giải, Goreé không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp mà còn bởi ý nghĩa sâu sắc về lịch sử nhân loại.
Các chuyên gia du lịch quốc tế đánh giá: Dù còn những thách thức như quản lý du lịch và môi trường, Goreé vẫn là một viên ngọc quý của Senegal, để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách quốc tế.