Đoàn công tác tỉnh Ninh Bình thăm, làm việc tại Nhật Bản

Tiếp tục chuyến công tác tìm hiểu về cơ chế đặc thù cho quản lý và phát triển Đô thị Di sản - Cố đô, mô hình phục dựng, bảo tồn các Di sản Lịch sử - Văn hóa, học tập kinh nghiệm định hướng phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản; trong các ngày từ 28 đến 30 tháng 6, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã đi thăm, làm việc tại Nhật Bản.

Đoàn công tác của tỉnh khảo sát tại Cố cung Kyoto.

Đoàn công tác của tỉnh khảo sát tại Cố cung Kyoto.

Tham gia đoàn có đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành, đoàn thể của tỉnh và thành phố Tam Điệp.

Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 3 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 5.168 dự án, tổng số vốn đăng ký đạt trên 71 tỷ USD. Nhật Bản là đối tác số 1 về cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA), là một trong những quốc gia đầu tiên có nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu và đầu tư tại tỉnh Ninh Bình.

Với mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, trên cơ sở các ký kết hợp tác giữa hai quốc gia và những nét tương đồng về văn hóa, lịch sử giữa tỉnh Ninh Bình và một số tỉnh, thành phố của Nhật Bản, được sự hỗ trợ nhiệt tình của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Đoàn công tác của tỉnh cùng đại diện cơ quan Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã đến thăm và làm việc tại cố đô Kyoto và thủ đô Tokyo.

Tại các buổi làm việc, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn công tác và các thành viên trong Đoàn đã trao đổi, thông tin về tỉnh Ninh Bình, nơi được biết đến là vùng đất Cố đô, từng là Kinh đô của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên của Việt Nam, nơi duy nhất trong khu vực Đông Nam Á sở hữu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới - Quần thể Danh thắng Tràng An.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn phát biểu tại buổi làm việc với đại diện chính quyền thành phố Kyoto.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn phát biểu tại buổi làm việc với đại diện chính quyền thành phố Kyoto.

Tỉnh Ninh Bình đã và đang thực hiện nhất quán, hiệu quả định hướng phát triển kinh tế "Xanh và Bền vững, Hài hòa", lấy bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử cùng truyền thống tốt đẹp của con người vùng đất Cố đô làm nguồn lực và động lực phát triển; ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường; sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn; thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản; đẩy mạnh phát triển dịch vụ, đặc biệt là phát triển du lịch, đưa Ninh Bình trở thành một trong những điểm đến hàng đầu Việt Nam.

Cố đô Kyoto là nơi lưu giữ đậm nét giá trị văn hóa, truyền thống của Nhật Bản trải qua hàng ngàn năm, là một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Kyoto hiện sở hữu 16 di sản thế giới, nhiều báu vật quốc gia cùng các danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, cho thấy bề dày lịch sử, văn hóa của đất nước mặt trời mọc. Đại diện chính quyền và cơ quan quản lý di sản văn hóa Cố đô Kyoto đã chia sẻ đầy đủ, toàn diện về công tác bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử văn hóa, công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa, những đóng góp quan trọng của kinh tế di sản trong phát triển toàn diện các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội ở Kyoto nói riêng, Nhật Bản nói chung.

Từ những thành công của Nhật Bản trong việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của con người, đất nước Nhật Bản, tạo nên bản sắc, thương hiệu quốc tế, sức mạnh tổng hợp của quốc gia, tỉnh Ninh Bình mong muốn được kết nối hợp tác toàn diện với Cố đô Kyoto để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ thực hiện các hoạt động nghiên cứu khai quật khảo cổ học, phát triển học thuật, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong bảo tồn di sản, đặc biệt là bảo tồn tại chỗ các di tích khảo cổ học; thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong bảo quản, phục hồi, phục chế, trưng bày tư liệu, tài liệu, hiện vật cổ, nhất là các hiện vật có chất liệu thiếu bền vững như giấy, vải, gỗ, di cốt động vật…

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn trao quà lưu niệm cho đại diện chính quyền thành phố Kyoto.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn trao quà lưu niệm cho đại diện chính quyền thành phố Kyoto.

Đại diện chính quyền và cơ quan quản lý di sản văn hóa Kyoto bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi khi được đón và làm việc với Đoàn. Sau buổi làm việc, Đoàn đã thực hiện khảo sát thực tế tại Cố cung Kyoto Gosho và chùa Thanh Thủy, hai di sản văn hóa nổi tiếng của Nhật Bản

Trong chương trình công tác, Đoàn cũng đã thăm và làm việc với cơ quan quản lý công viên phim trường Toei.

Toei Uzumasa Eigamura hay công viên phim trường Kyoto (Kyoto Studio Park) là trường quay, đồng thời cũng là một trong những công viên giải trí hàng đầu ở Nhật Bản, có lịch sử phát triển liên tục hơn 100 năm qua. Xuất phát từ một thị trấn nhỏ từ thời Edo, công viên là nơi tập trung nhiều tòa nhà, công trình xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, thường được sử dụng làm bối cảnh cho những bộ phim lịch sử và truyền hình.

Công viên bao gồm những con phố mô phỏng lại toàn cảnh thị trấn, trong đó có bản sao của cây cầu cổ Nihonbashi, tòa án truyền thống, sở cảnh sát thời Meiji và một phần khu đèn đỏ Yoshiwara.

Tại đây thường xuyên diễn ra việc quay phim tại các khu vực khác nhau, vì vậy du khách đến thăm phim trường có thể theo dõi quá trình quay phim. Công viên phim trường Toei cũng có một số điểm tham quan với nhiều trò chơi giải trí dành cho du khách như các màn biểu diễn ninja, mê cung, rạp chiếu phim 3D 360 độ, sàn diễn thời trang và nhiều không gian giải trí thú vị khác. Hiện phim trường đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô tại Kyoto và một số tỉnh khác.

Đoàn công tác của tỉnh thăm và tìm hiểu tại phim trường Toei.

Đoàn công tác của tỉnh thăm và tìm hiểu tại phim trường Toei.

Đại diện cơ quan quản lý Công viên phim trường Toei đã đưa Đoàn đi tham quan các bối cảnh sản xuất các thể loại phim và chia sẻ về quá trình hình thành, phát triển của công viên phim trường, một trong những điểm khởi đầu của công nghiệp Điện ảnh ở đất nước mặt trời mọc.

Hai bên đã trao đổi, chia sẻ thông tin về những kinh nghiệm, bài học trong quản lý, vận hành và phát triển phim trường. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trân trọng mời dại diện cơ quan quản lý phim trường Toei sớm sang thăm, khảo sát thực tế tại Ninh Bình và hỗ trợ Ninh Bình trong xây dựng, phát triển Công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản.

Trong chương trình công tác tại Nhật Bản, Đoàn đã đến thăm và làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, đồng thời đề xuất Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán tiếp tục quan tâm hỗ trợ kết nối giữa tỉnh Ninh Bình và chính quyền thành phố Kyoto, Tokyo, các cơ quan nghiên cứu, quản lý di sản văn hóa của Nhật Bản và các đối tác doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản làm cơ sở thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa tỉnh Ninh Bình với các địa phương của Nhật Bản, đóng góp vào mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.

Chuyến công tác tại Nhật Bản của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Đoàn công tác đã kết thúc tốt đẹp, góp phần nâng tầm mối quan hệ giữa Ninh Bình với các địa phương và các doanh nghiệp nước ngoài; thúc đẩy hợp tác đầu tư, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm tiền đề để Ninh Bình thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin, ảnh: Hải Minh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/doan-cong-tac-tinh-ninh-binh-tham-lam-viec-tai-nhat-ban/d20240630083333488.htm