Đoàn đại biểu PetroVietnam tham dự Đại hội Dầu khí thế giới lần thứ 24 chủ đề 'Chuyển dịch năng lượng – con đường dẫn tới phát thải ròng bằng 0'
Đoàn đại biểu PetroVietnam tham dự Đại hội Dầu khí thế giới lần thứ 24 (WPC 24) có chủ đề 'Chuyển dịch năng lượng – Con đường dẫn tới phát thải ròng bằng 0'.
Từ ngày 15 đến 23/9, đoàn công tác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) do Thành viên HĐTV PetroVietnam Bùi Minh Tiến dẫn đầu cùng lãnh đạo một số Ban Tập đoàn và lãnh đạo Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã tham dự Đại hội Dầu khí thế giới lần thứ 24 (WPC 24) tại Calgary, Canada.
Với chủ đề "Chuyển dịch năng lượng – Con đường dẫn tới phát thải ròng bằng 0" (Energy Transition – the Path to Net Zero), WPC 24 là cầu nối quan trọng giữa năng lượng truyền thống và ngành công nghiệp trung hòa carbon.
Tại các phiên họp toàn thể, cấp cao của Đại hội, đại biểu khách mời, các nhà quản lý, học giả và chuyên gia đã trao đổi về thực tế của chuyển dịch năng lượng, đối thoại về an ninh năng lượng, thách thức lãnh đạo trong chuyển dịch năng lượng, thúc đẩy sự đa dạng, công bằng trong ngành năng lượng, giảm thiểu thiếu hụt năng lượng, mô hình mới cho phát triển công nghiệp toàn cầu và khử carbon, kinh tế tuần hoàn, quan điểm của các thế hệ sau về chuyển dịch năng lượng, nguồn cung mới để đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu, các giải pháp cho khí hậu từ ngành công nghiệp dầu khí,…
Trong các phiên kỹ thuật, WPC 24 tập trung trao đổi đa lĩnh vực liên quan vấn đề chuyển dịch năng lượng. Trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò: Công nghệ mới trong khoa học địa chất; sự cân bằng cần thiết cho hoạt động tìm kiếm thăm dò, giảm thiểu khí thải – CCUS, thu giữ và lưu trữ carbon;
Trong lĩnh vực khí và vận chuyển: Hydrogen - vai trò trong chuyển dịch năng lượng, tồn chứa và vận chuyển H2, giảm phát thải – cách sử dụng CO2, đổi mới khí tái tạo RNG và khí tự nhiên, LNG trung hòa carbon, mô hình vận chuyển LNG và sử dụng LNG làm nhiên liệu cho phương tiện vận tải biển;
Trong lĩnh vực lọc hóa dầu: Trao đổi về tác động đến của việc giảm phát thải đến lĩnh vực lọc hóa dầu và một số giải pháp như sử dụng hiệu quả nguyên liệu và năng lượng thông qua sử dụng nhiên liệu sinh học & nhiên liệu carbon thấp hơn, áp dụng công nghệ tiên tiến, tích hợp trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số, thu hồi khí thải, tái chế nhựa phế thải; công nghệ thu hồi CO2 và sử dụng CO2 để sản xuất các sản phẩm vật liệu; quản lý an toàn và rủi ro; phát triển sản phẩm, đổi mới và hợp tác trong chuỗi cung ứng.
Đại hội cũng đã trao đổi về các dạng năng lượng địa nhiệt và năng lượng tái tạo; các công nghệ liên quan chuyển dịch năng lượng; Hydrogen, CCUS và quản lý phát thải methane; về công bằng, đa dạng và hòa nhập trong lĩnh vực năng lượng; về an ninh mạng; đổi mới kỹ thuật số trong thị trường trao đổi carbon; kỹ năng tương lai cho nguồn lao động mới trong chuyển dịch năng lượng.
Các đại biểu tham dự cũng được đại diện tỉnh bang Alberta chia sẻ bài học kinh nghiệm về chuyển dịch năng lượng của tỉnh bang với những giải pháp hiện tại và tương lai, cũng như việc phát triển bền vững thông qua luật pháp và chính sách quản lý của tỉnh bang và của Canada cùng với cơ hội hợp tác trong các dự án CCUS, thu xếp tài chính cho các dự án chuyển dịch năng lượng tại đây.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Thành viên HĐTV PetroVietnam Bùi Minh Tiến và đoàn công tác đã gặp gỡ và trao đổi với một số công ty trong lĩnh vực năng lượng lớn của Canada như WSP, CPTI, GLJ, công ty tư vấn Petro Explorer về lĩnh vực tìm kiếm thăm dò; Trong quá trình chuyển đổi năng lượng (các nguồn năng lượng mới đảm bảo năng lượng toàn cầu, đổi mới để có các sản phẩm mới sạch hơn, cách thức bền vững để tăng tối đa hệ số thu hồi, CCS, công nghệ mới trong nghiên cứu địa chất); Về các giải pháp kỹ thuật và kinh tế nhằm giảm phát thải; Các vấn đề pháp lý và quan hệ quốc tế trong thực hiện net zero carbon.
Tại buổi làm việc với Golu-H2 - Công ty công nghệ sản xuất green hydrogen từ ethanol, Golu-H2 đã giới thiệu và chia sẻ các thông tin công nghệ sản xuất hydro từ ethanol như là một giải pháp góp phần đạt mục tiêu phát thải net-zero. Hai bên cũng chia sẻ tình hình phát triển ứng dụng green H2 tại Việt Nam và Canada.
BSR sẽ đầu mối tiếp tục thảo luận sâu hơn để xem xét đánh giá cơ hội sản xuất H2 từ ethanol, trong đó có xem xét đến hướng sản xuất, cung cấp cục bộ H2 cho các công ty nước ngoài có cơ sở sản xuất tại Việt Nam có nhu cầu green hydrogen.
WPC 24 có sự tham dự của 15.000 đại biểu đến từ hơn 100 quốc gia, 300 nhà lãnh đạo các công ty và 50 quan chức cấp cao.