Đoàn Đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện pháp luật môi trường tại TP Đà Lạt
Chiều ngày 9/4, trong khuôn khổ chương trình giám sát về công tác bảo vệ môi trường, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng, do đồng chí Lâm Văn Đoan – Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với UBND TP Đà Lạt và tiến hành khảo sát thực tế tại phường 2.

Đoàn đi khảo sát về bảo vệ môi trường tại TP Đà Lạt
Tham gia đoàn giám sát còn có các ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, cùng với lãnh đạo UBND và HĐND TP Đà Lạt, đại diện các phòng ban liên quan và UBND phường 2.
Trước khi tiến hành buổi làm việc chính thức, đoàn giám sát đã tham quan mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại khu dân cư phường 2 và mô hình kế hoạch nhỏ “thu gom lon bia đổi quà” của học sinh Trường THCS Nguyễn Du, TP Đà Lạt. Phường 2 đã triển khai thành công mô hình thu gom, phân loại chất thải tại nguồn, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, đồng thời thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và hạn chế sử dụng nhựa, túi ni lông khó phân hủy.

Đoàn tham quan mô hình phân loại rác sinh hoạt tại khu dân cư
Sau khi nghe đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường TP Đà Lạt báo cáo về kết quả thực hiện chính sách bảo vệ môi trường, đoàn giám sát ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại thành phố đã đạt trên 99%. Chất thải y tế nguy hại và chất thải phát sinh từ hoạt động nông nghiệp, đặc biệt là bao bì thuốc bảo vệ thực vật, đều được thu gom và xử lý đúng quy định. Nước thải sinh hoạt đã được thu gom một phần (khoảng 18,6%) và đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của thành phố.

Mô hình " Thùng rác 3 ngăn" trong thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại khu dân cư Phường 2
Công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu cũng được thực hiện hiệu quả, với nhiều chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là việc tổ chức các chiến dịch vệ sinh công cộng và giáo dục cộng đồng về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Thành phố còn duy trì công tác kiểm tra chất lượng đất, nước, không khí định kỳ để theo dõi tình hình ô nhiễm, kịp thời cảnh báo và xử lý những vấn đề môi trường phát sinh.
Trong lĩnh vực du lịch,TP Đà Lạt đã chủ động gắn kết phát triển du lịch với bảo vệ môi trường, yêu cầu các khu du lịch thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và tổ chức các hoạt động bảo vệ thiên nhiên như trồng cây xanh, thu gom rác và xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng.
Tuy nhiên, trong báo cáo, đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường thành phố cũng chỉ ra một số tồn tại, đặc biệt là những khó khăn trong việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Mặc dù đã có các văn bản hướng dẫn, nhưng việc thực hiện các quy định này vẫn gặp phải nhiều vướng mắc, đặc biệt là trong việc cấp giấy phép môi trường cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tình trạng chưa hoàn thiện các hệ thống thu gom và xử lý chất thải, đặc biệt là hệ thống thu gom nước thải, vẫn gây ra ô nhiễm môi trường tại các hồ lắng và các khu vực nước mặt của thành phố.

Đại biểu Quốc hội K' Nhiễu phát biểu tại buổi giám sát

Đại biểu chuyên trách Trịnh Thị Tú Anh phát biểu tại buổi khảo sát
Các thành viên đoàn giám sát cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề tồn tại như xử lý rác thải nông nghiệp và bao bì thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến chất lượng nước tại hồ Đan Kia - Suối Vàng, cũng như những bất cập liên quan đến nhà máy xử lý chất thải rắn tại Xuân Trường. Đại diện các phòng chức năng và UBND thành phố đã ghi nhận và giải trình thêm các vấn đề đoàn nêu ra, đặc biệt là về công tác kiểm soát ô nhiễm nguồn nước và thu gom nước thải.

Thành viên đoàn giám sát nêu vấn đề tại buổi khảo sát liên quan đến pháp luật bảo vệ môi trường
Đặc biệt, thành phố Đà Lạt đã chỉ đạo triển khai các biện pháp khắc phục ô nhiễm tại các hồ lắng, như vớt rác, vệ sinh và sử dụng các giải pháp thủy sinh. Trong giai đoạn 2022-2024, công tác rà soát và tuyên truyền đã giúp phần lớn các hộ dân trong lưu vực hồ Đội Có đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Trần Thị Vũ Loan tiếp thu, giải trình các ý kiến đoàn nêu
Ngoài ra, thành phố Đà Lạt cũng triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường như phong trào Ngày Chủ nhật xanh, các chiến dịch nhặt rác tình nguyện quanh hồ Xuân Hương, Quảng trường Lâm Viên, và các hoạt động giáo dục môi trường cho học sinh qua mô hình phân loại rác tại các trường học.

Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Văn Đoan kết luận tại buổi giám sát
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lâm Văn Đoan - Trưởng Đoàn giám sát, đã ghi nhận đánh giá cao kết quả mà thành phố Đà Lạt đạt được, tuy nhiên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục triển khai các biện pháp đồng bộ để nâng cao nhận thức cộng đồng và cải thiện công tác quản lý môi trường tại thành phố Đà Lạt. Đồng chí cũng yêu cầu các cơ quan chức năng cần khẩn trương khắc phục các tồn tại, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước và giữ gìn sự bền vững cho Đà Lạt, thành phố du lịch nổi tiếng và là di sản thiên nhiên quý giá của cả nước.
Đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, nâng cao ý thức người dân chung tay giữ gìn, bảo vệ môi trường. Lưu ý bám sát kế hoạch, quy hoạch của tỉnh liên quan đến các dự án xử lý rác thải; các nhà đầu tư phải cam kết về yếu tố môi trường; đề nghị thành phố cần hoàn chỉnh báo cáo và tổng hợp kiến nghị đầy đủ hơn về nhiều lĩnh vực khó khăn, tồn tại trong thực thi pháp luật về môi trường; mong muốn tương lai gần Đà Lạt là thành phố du lịch xanh sạch đẹp ASEAN thì rất cần có quy mô một nhà máy xử lý chất thải hiện đại, có tầm cỡ hơn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về xử lý chất thải, hướng đến xây dựng môi trường xanh – sạch - đẹp bền vững.