Đoàn đại biểu Quốc hội Nam Định tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Thực hiện Chương trình phiên họp thứ 36, ngày 22/8, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm các lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu tỉnh Nam Định có các đồng chí: Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Mai Thanh Long, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các vị đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và một số sở, ngành liên quan.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực thứ hai đã có 39 đại biểu Quốc hội phát biểu chất vấn và tranh luận. Nội dung tập trung vào các vấn đề thuộc 6 lĩnh vực gồm:
Lĩnh vực thuộc trách nhiệm Bộ Tư pháp: Việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp. Việc thi hành án hành chính; việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
Lĩnh vực nội vụ: Việc tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, việc sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư; việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư; việc lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới đơn vị hành chính các cấp; việc rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị và phân loại đô thị. Việc tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội: Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người, tội phạm tham nhũng, kinh tế; vi phạm pháp luật về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm; việc giải quyết tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và phòng cháy, chữa cháy. Công tác quản lý Nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú; vấn đề chuyển đổi số, dịch vụ công quốc gia.
Lĩnh vực thanh tra: Việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; việc hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo. Chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Lĩnh vực tòa án: Giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Công tác cán bộ của ngành Tòa án. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc ngành Tòa án; việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư ngành Tòa án do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Tòa án.
Lĩnh vực kiểm sát: Giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng. Công tác cán bộ của ngành Kiểm sát. Việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư ngành Kiểm sát do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Kiểm sát.
Giải đáp câu hỏi các đại biểu Quốc hội quan tâm, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, Trưởng ngành với tinh thần trách nhiệm cao, đã trả lời rõ ràng, đúng trọng tâm, giải trình cụ thể. Đồng thời nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và những vấn đề phát sinh đang cần phải nghiên cứu giải quyết; đề ra những giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả nội dung các đại biểu Quốc hội chất vấn.
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, sau 1,5 ngày làm việc nghiêm túc, sôi nổi, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đã có 75 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản trả lời đầy đủ, thẳng thắn, giải trình, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để triển khai hiệu quả thời gian tới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nêu một số nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm liên quan trực tiếp đến trách nhiệm chính của các bộ, ngành để tập trung thực hiện trong thời gian tới.