Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang tham gia thảo luận ở tổ một số dự thảo luật và nghị quyết
Theo chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 12/5, tại tổ thảo luận số 14 dưới sự chủ trì của đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, các vị đại biểu Quốc hội thuộc 3 tỉnh: Bắc Giang, Đồng Tháp, Khánh Hòa thảo luận, góp ý kiến vào một số dự thảo luật, nghị quyết.
Đó là các dự thảo dự án: Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Nghị quyết rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Các đại biểu thảo luận tại tổ số 14.
Tại đây, các đại biểu đều nhất trí với cơ sở chính trị và thực tiễn của việc sửa đổi các luật như đã nêu tại các tờ trình. Các nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung tại 3 dự thảo luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ dữ liệu cá nhân, vai trò của dữ liệu cá nhân rất quan trọng, là nguồn dữ liệu chiến lược, tác động trực tiếp, toàn diện đến chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của một quốc gia, là nguồn tài nguyên chính để thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số; tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật, nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đồng ý với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách mới của Đảng về tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, hoàn thiện cơ chế bầu cử để lựa chọn được những người xứng đáng đại diện cho Nhân dân.
Về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đại biểu nhất trí với chủ trương của Đảng và yêu cầu thực tiễn cần rút ngắn khoảng thời gian giữa Đại hội Đảng toàn quốc và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, Hội đồng nhân dân khóa mới để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao, thực hiện việc phân công cấp ủy viên khóa mới bảo đảm đồng bộ, tổng thể, ổn định liên tục, liên thông đội ngũ cán bộ chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, đồng thời, cấp ủy các cấp nhiệm kỳ mới kịp thời triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và Đại hội Đảng các cấp.
Góp ý kiến vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu Nguyễn Thị Thúy Ngần, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, nội dung quy định còn khá rộng, bao trùm hầu hết các hoạt động liên quan đến dữ liệu cá nhân với cách tiếp cận này có thể dẫn đến trùng lặp với phạm vi điều chỉnh của Luật Dữ liệu năm 2024 và một số luật chuyên ngành hiện hành. Trong khi, bản chất dữ liệu cá nhân là một bộ phận của dữ liệu, do đó các hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân đã phần nào được điều chỉnh trong Luật Dữ liệu. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Thúy Ngần đề nghị nên giới hạn phạm vi điều chỉnh một cách rõ ràng, chỉ tập trung vào hai nội dung chính là các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm pháp lý của các chủ thể có liên quan trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Một nội dung khác đại biểu Nguyễn Thị Thúy Ngần nêu ý kiến là vấn đề xử lý vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân (Điều 4), theo đó quy định mức xử phạt hành chính từ 1 đến 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đại biểu nhất trí với việc cần có chế tài mạnh mẽ để bảo vệ hiệu quả quyền dữ liệu cá nhân, đây là quyền dân sự quan trọng, việc quy định hình thức xử phạt hành chính là cần thiết. Song đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn cơ sở pháp lý và thực tiễn của mức phạt từ 1 đến 5% doanh thu và làm rõ cơ sở tham chiếu từ thông lệ quốc tế, xác định tính khả thi.
Góp ý về hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến và kết hợp trực tiếp được quy định tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Nguyễn Thị Thúy Ngần đánh giá cao quy định mới này và cho rằng đây là một bước tiến tích cực trong quá trình đổi mới phương thức vận động bầu cử, phù hợp với xu thế chuyển đổi số. Tuy nhiên, theo đại biểu, để hình thức này thực sự phát huy hiệu quả thì cơ quan soạn thảo cần bổ sung tiêu chí bảo đảm điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và trách nhiệm phối hợp kỹ thuật giữa các cơ quan liên quan, tránh hình thức, thiếu tương tác thực chất giữa người ứng cử và cử tri do gián đoạn kết nối, chất lượng đường truyền kém, hoặc nguy cơ rò rỉ, lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin chiến dịch vận động bầu cử.
Nêu ý kiến làm rõ thêm về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội (Đoàn Bắc Giang) cho rằng việc xác định trọng tâm sửa luật lần này nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và tổ chức lại các đơn vị hành chính cũng như phù hợp với việc sửa đổi Hiến pháp. Dự thảo đã quy định thời gian cụ thể các bước của quy trình bầu cử và nhiều nội dung quan trọng khác để bảo tính tính chính danh và hợp pháp, giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai và cử tri có thể giám sát, tham gia có trách nhiệm trong công tác bầu cử.