Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang thảo luận tại tổ về một số nghị quyết

Sáng 13/11, theo chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ.

Tổ thảo luận số 3 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Giang, Nghệ An, Quảng Ngãi) đã tiến hành thảo luận về: Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Đồng chí Đặng Ngọc Huy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi chủ trì buổi thảo luận.

 Đại biểu Trần Văn Lâm thảo luận tại tổ.

Đại biểu Trần Văn Lâm thảo luận tại tổ.

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cơ bản nhất trí với chủ trương thí điểm thực hiện nhà ở thương mại. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị có đánh giá tổng thể khách quan việc tác động của chính sách, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án… Chú trọng ngăn ngừa tham nhũng, trục lợi và các hành vi tiêu cực, những tác động đến quy hoạch khi các nhà đầu tư điều chỉnh quy hoạch.

Ngoài ra, đối với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút thêm nguồn vốn đầu tư cho dự án...

Về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) bày tỏ băn khoăn về thời gian thực hiện của dự án là 10 năm thì có bảo đảm tính khả thi không? Đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc, xem xét, đánh giá cụ thể về tác động của việc đầu tư dự án đến bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, khả năng trả nợ của ngân sách nhà nước trong trung hạn và dài hạn, tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc về hạn mức chỉ tiêu an toàn nợ công để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, không gây áp lực trả nợ lên các giai đoạn sau.

Góp ý vào nội dung này, đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) nêu rõ, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường sắt cả nước gồm 25 tuyến với tổng chiều dài khoảng 6.354 km, trong đó có 7 tuyến đường sắt hiện hữu và 8 tuyến mới. Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là 1 trong 3 tuyến rất quan trọng nằm dọc theo hành lang kinh tế Bắc - Nam và cần phải đầu tư. Tuy nhiên, qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ, đại biểu cho biết hiện nay chưa có đánh giá kỹ về sự liên kết, tính đồng bộ giữa tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với các tuyến đường sắt khác. Đại biểu băn khoăn về tính hiệu quả của dự án, tác động giữa tuyến đường sắt tốc độ cao này với các tuyến đường sắt hiện hữu và cả những tuyến sẽ quy hoạch trong thời gian tới.

Dương Nhung

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-bac-giang-thao-luan-tai-to-ve-mot-so-nghi-quyet-151722.bbg