Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chất vấn giải pháp hoàn thành nhiệm vụ phát triển, nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông

Sáng 12/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về lĩnh vực y tế, nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An phát biểu chất vấn giải pháp hoàn thành nhiệm vụ phát triển, nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An phát biểu chất vấn giải pháp hoàn thành nhiệm vụ phát triển, nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo chi tiết các nội dung liên quan đến ba nhóm vấn đề: Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Đoàn Thị Lê An, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, đến hết tháng 9/2024, Bộ Thông tin và truyền thông đã phủ sóng 2.549/3.310 thôn, tỉ lệ phủ sóng đạt 99,8% dân số. Trong báo cáo của Bộ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế là hạ tầng viễn thông chưa bền vững khi chịu tác động lớn của bão gây ra, nguyên nhân do mức độ kiên cố hạ tầng viễn thông chưa cao. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ đánh giá trên đã đầy đủ chưa? Thực tế hiện nay, hầu hết thôn, xóm tại các tỉnh miền núi, biên giới được đầu tư các trạm phát sóng di động, tuy nhiên hiệu quả chưa cao do thường xuyên mất sóng (riêng tỉnh Cao Bằng có 169 điểm được đầu tư nhưng không đạt yêu cầu do thường xuyên mất sóng). Về vấn đề này, ngành có nắm được không và giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới để khắc phục tình trạng trên nhằm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển, nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đã nhận rõ về việc này, điều quan trọng nhất là cần có công cụ đo đơn giản để người dân, các sở, ban, ngành, địa phương cũng có thể đo được. Bộ trưởng nhấn mạnh, chúng ta đã xây dựng và phát triển được công cụ đo như vậy, Bộ giao trách nhiệm cho các Sở Thông tin và Truyền thông trong việc đánh giá chất lượng mạng lưới tại địa phương. Khi chất lượng không đạt yêu cầu theo các quy định thì yêu cầu các nhà mạng khắc phục. Hằng quý, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành tổng hợp toàn bộ số liệu đo được của các nhà mạng theo từng địa phương để công bố công khai cho người dân tự do lựa chọn, gia tăng tính cạnh tranh giữa các nhà mạng.

Đối với vấn đề phủ sóng Internet, còn có độ vênh giữa các vùng thành phố với nông thôn; đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng đặc biệt khó khăn đã thực hiện phủ sóng, có nguồn lực đầu tư phủ sóng vào những vùng lõm sóng. Về cơ chế thông thoáng, trong năm nay, Bộ sẽ ban hành nghị định để có hướng dẫn cụ thể. Đối với vấn đề điện thoại di động, Bộ đang xây dựng chương trình, huy động từ Quỹ viễn thông công ích, ngân sách từ chương trình “Sóng và máy tính cho em” để có đủ máy điện thoại hỗ trợ bà con sử dụng.

Lê Điệp

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-chat-van-giai-phap-hoan-thanh-nhiem-vu-phat-trien-nang-cao-chat-luong-ha-3173502.html