Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai góp ý vào một số dự án luật

Sáng 30/10, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận tại tổ về một số dự thảo nghị quyết của Quốc hội và dự án luật.

Đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo, đồng thời tham gia một số ý kiến:

Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung khoản 1, Điều 3 về xử lý vật chứng, tài sản là tiền, cụ thể: Đối với các vật chứng là tiền (ví dụ: Dùng tờ tiền 100.000 đồng để hít ma túy, trên tờ tiền còn dính ma túy). Đây là chứng cứ quan trọng của vụ án, cần được bảo quản, giữ nguyên hiện trạng, dấu vết tội phạm trên tờ tiền. Do đó, khó có thể nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp. Với những vật chứng là tiền như trên thì cần có hướng xử lý phù hợp và được quy định rõ trong nghị quyết.

 Đại biểu Sùng A Lềnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 30/10.

Đại biểu Sùng A Lềnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 30/10.

Khoản 4, Điều 3 về giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng: Đối với những tài sản chưa xác định được chủ sở hữu (xe máy tra cứu không có thông tin...), nghị quyết chưa có hướng dẫn giải quyết. Đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị đối với những tài sản chưa xác định được chủ sở hữu thì cơ quan tiến hành tố tụng thông báo tìm kiếm chủ sở hữu. Nếu hết thời hạn chuẩn bị xét xử mà vẫn không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp của tài sản đó thì khi xét xử, hội đồng xét xử cần giao tài sản vật chứng cho cơ quan chức năng bảo quản và trong phần quyết định của bản án cần ghi rõ nếu trong thời hạn quy định tại Điều 228 của Bộ luật Dân sự mà chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản là vật chứng có yêu cầu thì sẽ xem xét giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự; hết thời hạn này, tài sản sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.

Cũng trong buổi sáng 30/10, các đại biểu thảo luận tại tổ, đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai góp ý: Khoản 2, sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Luật Quy hoạch về chi phí cho hoạt động quy hoạch: Tại mục 2 dự thảo luật quy định: “Chi phí lập, thẩm định, điều chỉnh nhiệm vụ lập quy hoạch; thẩm định; đánh giá; điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sử dụng nguồn chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước". Đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “và các nguồn vốn hợp pháp khác” vào dự thảo luật, tức là cả ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Luật Đấu thầu năm 2023, Điều 4, giải thích từ ngữ, khoản 17 quy định: “Hàng hóa gồm máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phụ tùng; sản phẩm; phương tiện; hàng tiêu dùng; thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế; phần mềm thương mại”. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung giải thích từ ngữ “hàng hóa”, do: Đồng bộ giữa các luật, theo quy định tại Luật Đấu thầu năm 2023, máy móc, thiết bị là hàng hóa; theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017, tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm máy móc, thiết bị…

Đức Lân - Thanh Thúy

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-lao-cai-gop-y-vao-mot-so-du-an-luat-post392671.html