Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng chất vấn việc xây dựng và hoàn thiện nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1

Đại biểu Tô Ái Vang chất vấn Bộ Công Thương tại hội trường.

Đại biểu Tô Ái Vang chất vấn Bộ Công Thương tại hội trường.

Trong buổi sáng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đã có chất vấn đối với lĩnh vực công thương với nội dung liên quan đến nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1. Bà Tô Ái Vang - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đặt vấn đề: Theo kế hoạch, nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2018. Đến nay là tháng 11/2023, tiến độ dự án đạt 78% khối lượng công việc hoàn thành so với hợp đồng. Hiện nay, dự án đã triển khai chậm 5 năm so với dự kiến đưa dự án vào vận hành. Việc dừng thi công trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vật tư thiết bị đang lưu kho bãi ở công trường và có nguy cơ phải thay thế mới, làm thiệt hại tài sản Nhà nước, nếu không có biện pháp bảo quản hợp lý và kịp thời. Trong những lần tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đã tiếp nhận được nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri rất quan tâm về vấn đề này. Vậy Bộ trưởng Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực đã có giải pháp nào và thời gian nào để sớm trình Thủ tướng giải quyết vướng mắc để sớm đưa Dự án Nhiệt điện Long Phú vào vận hành?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trả lời vấn đề này tại hội trường như sau: Ngày 30/12/2014, PVN đã ký kết với Liên danh nhà thầu Power Machines (PM) - công ty của Nga và Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) làm tổng thầu EPC dự án (PM là nhà thầu đứng đầu liên danh). Tuy nhiên, khi dự án mới hoàn thành được 78% khối lượng công việc thì phát sinh vướng mắc liên quan đến lệnh cấm vận của Hoa Kỳ đối với Power Machines từ ngày 26/1/2018... Dự án ưu tiên kế thừa tận dụng tối đa các nhà thầu phụ, nhà sản xuất các vật tư thiết bị, đã và đang tham gia dự án nhằm bảo đảm tính tương thích về công nghệ, giảm thiểu giao diện quản lý, tối ưu hóa thiết kế và tiến độ. Thực tế đến nay thì nhiều hệ thống thiết bị chính thức của dự án cũng đã được sản xuất, chế tạo và lưu tại kho nơi sản xuất hoặc vận chuyển một phần về công trường của dự án này. Với vai trò là chủ đầu tư dự án, Chính phủ, Bộ Công Thương đã và sẽ chỉ đạo PVN phương án thực hiện đối với dự án này với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại đưa dự án vào vận hành một cách sớm nhất. Trong trường hợp vượt thẩm quyền của PVN thì PVN báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Về vấn đề này thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo sát sao bảo đảm để tái khởi động trong thời gian sớm nhất và phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2026... Bộ Công Thương thường xuyên đôn đốc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho dự án, tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét những vấn đề vượt thẩm quyền nhằm khẩn trương đưa dự án vào hoạt động...

Ngoài ra trong buổi sáng, các đại biểu Quốc hội cũng đã đặt các câu hỏi về: Giải pháp khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo; kết quả thực hiện xử lý, thu gom chất thải rắn sinh hoạt; tình trạng hàng giả, hàng nhái; tình hình triển khai nghiên cứu thí điểm dùng cát biển làm vật liệu đắp nền đường; biện pháp duy trì tính bền vững cho những sản phẩn OCOP; tình hình kiểm soát việc vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung; giải pháp khắc phục hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai ở các công ty nông, lâm nghiệp; trách nhiệm của Bộ Công Thương trong quản lý các loại hương liệu thuốc lá điện tử... Tiếp đó, bộ trưởng các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng đã tham gia trả lời chất vấn. Vào cuối buổi sáng, các đại biểu Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn đối với các lĩnh vực tư pháp, nội vụ, an ninh trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát và kiểm toán với nhiều nội dung đáng quan tâm. Các đại biểu đã đặt các câu hỏi về: Chính sách tiền lương đối với đội ngũ không phải công chức trong cơ quan quản lý nhà nước; giải pháp giải quyết vấn đề pháp lý đối với người dân di dân tự phát tại Tây Nguyên; giải pháp đối với việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật; giải pháp để hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm; cách nào để cảnh sát khu vực có thể đảm bảo nhiệm vụ khi cắt giảm biên chế; trách nhiệm và giải pháp trong xây dựng thể chế; giải pháp nào để cải thiện lương của nhân viên trường học; giải pháp thực hiện các chỉ tiêu và đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp... Các nội dung này đã được bộ trưởng các bộ: Tư pháp, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo... trả lời các đại biểu.

Buổi chiều, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu đã đặt câu hỏi đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động - thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông. Bộ trưởng các bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Công an, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Tổng kiểm toán Nhà nước và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã trả lời các câu hỏi của đại biểu.

Ngày mai 8/11, buổi sáng các đại biểu tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Buổi chiều sẽ thảo luận tổ dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp cùng với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

THANH KHIẾT

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/thoi-su/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-soc-trang-chat-van-viec-xay-dung-va-hoan-thien-nha-may-nhiet-dien-long-phu-1-68627.html