Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng họp mặt nhà giáo đầu Xuân Ất Tỵ
Ngày 10/01, Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng tổ chức họp mặt cán bộ quản lý và các thầy cô giáo trong tỉnh. Cuộc gặp mặt nhằm chia sẻ, ghi nhận và tôn vinh sự đóng góp rất tích cực của đội ngũ cán bộ quản lý và các thầy cô giáo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Dự gặp mặt có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào; Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tiến sĩ Vũ Minh Đức; Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Phó GS. TS Trần Trung Tính, cùng đại diện lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng và đông đảo thầy cô giáo các trường đại học, cao đẳng, các cấp.
Phát biểu tại buổi họp mặt, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng Tô Ái Vang chia sẻ: Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, dự án Luật Nhà giáo đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu và đã nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu. Đây là khung pháp lý nhất quán có hiệu lực và hiệu quả để kiến tạo và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới, giáo dục và đào tạo. Đây cũng là hoạt động thiết thực chào mừng Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam, hưởng ứng kế hoạch phát động thi đua trong cả nước của Quốc hội. Đồng thời ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, là cơ sở để ĐBQH tham gia đóng góp vào dự thảo Luật Nhà giáo trước khi luật được thông qua.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng Châu Tuấn Hồng, tính đến năm học 2024 - 2025, tỉnh Sóc Trăng có 475 trường với tổng số 268.160 học sinh. Mạng lưới trường từ mầm non đến phổ thông phát triển phù hợp với mật độ phân bố dân cư và địa hình của tỉnh. Cơ sở vật chất trường, lớp từng bước được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Toàn tỉnh hiện có 2 Nhà giáo Nhân dân và 216 Nhà giáo Ưu tú; có 390/458 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 85,15%. Tỷ lệ học sinh bỏ học hàng năm chỉ chiếm khoảng 0,5%. Chất lượng giáo dục của tỉnh Sóc Trăng từng bước có chuyển biến tích cực ở các cấp học. Trong đó, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông ổn định (trên 99%). Trường lớp ngày càng khang trang, sạch đẹp, từng bước phát triển theo hướng hiện đại. Toàn ngành giáo dục có 17.402 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, trong đó có 1.066 cán bộ quản lý, 14.110 giáo viên và 1.152 nhân viên chuyên môn, 1.074 nhân viên hợp đồng hỗ trợ, phục vụ.
Tuy tình hình giáo dục tỉnh Sóc Trăng những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn còn những khó khăn, thách thức: điều kiện kinh tế của tỉnh Sóc Trăng còn khó khăn nên việc đầu tư cho giáo dục dù được quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Đội ngũ giáo viên của ngành còn thiếu nhiều so với định mức; tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ giữa các địa phương, đơn vị vẫn còn. Công tác tuyển dụng còn gặp khó khăn do ngành giáo dục không được quyền chủ động trong tuyển dụng nên tình trạng thiếu giáo viên khó khắc phục.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng Châu Tuấn Hồng cũng bày tỏ hy vọng khi Dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động của ngành và thuận lợi hơn cho viên chức giáo dục, kịp thời động viên đội ngũ cán bộ quản lý và các thầy giáo, cô giáo vượt qua những khó khăn, tiếp tục tận tụy gắn bó với ngành giáo dục và đào tạo, góp phần hoàn thành mục tiêu của sự nghiệp Giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh nhà, đáp ứng theo yêu cầu, xu hướng hiện nay, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, tiến vào kỷ nguyên mới.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=92151