Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động

PTĐT - Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, là sự kiện trọng đại và là một mốc son chói lọi, đánh dấu bước nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước ta, dân tộc ta.

Đại biểu Quốc hội tỉnh thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe phản ánh, kiến nghị của cử tri để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Ảnh: PV

Đại biểu Quốc hội tỉnh thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe phản ánh, kiến nghị của cử tri để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Ảnh: PV

PTĐT - Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, là sự kiện trọng đại và là một mốc son chói lọi, đánh dấu bước nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước ta, dân tộc ta. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam chẳng những trở thành một Quốc gia độc lập mà còn có cơ quan Nhà nước với đầy đủ cơ sở và tư cách pháp lý đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Với truyền thống đấu tranh cách mạng, trong suốt bề dầy lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng và kế thừa truyền thống tốt đẹp của quê hương Đất Tổ Anh hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ luôn song hành cùng tiến trình phát triển của Quốc hội Việt Nam, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đoàn đại biểu Quốc hội Phú Thọ cũng luôn hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của chặng đường 75 năm Quốc hội Việt Nam. Mỗi khóa Quốc hội hoạt động trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử khác nhau, nhưng dù ở đâu, trên cương vị công tác nào, các vị đại biểu Quốc hội luôn làm tròn trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, tham gia tích cực vào các hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ; trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh, điều kiện sinh hoạt và làm việc khó khăn thiếu thốn nhưng bằng ý chí và nghị lực, phẩm chất của người cách mạng, các vị đại biểu Quốc hội đã đoàn kết gắn bó, phát huy trí tuệ tập thể và trách nhiệm cá nhân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đánh thắng kẻ thù xâm lược, thống nhất đất nước.

Trải qua gần 75 năm, với 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội đã luôn luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc, không ngừng phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, và là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Hoạt động lập hiến, lập pháp ngày càng được đẩy mạnh, Quốc hội đã thông qua 5 bản Hiến pháp tạo lập nền tảng chính trị, pháp lý cho sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước. Công tác giám sát được đổi mới, nâng cao hiệu quả. Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Để có được những thành công hôm nay, có phần đóng góp không nhỏ của các vị đại biểu Quốc hội qua các thế hệ, trong đó có đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ. Ngày nay, trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, với những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen. Song các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ khóa XIV luôn phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định, hoàn thành trọng trách mà Đảng và Nhân dân giao phó, xứng đáng với niềm tin và sự tín nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, góp phần cùng với Quốc hội thực hiện ngày một hiệu quả hơn, tốt hơn, chất lượng hơn, dân chủ hơn 3 chức năng cơ bản là: Lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Lần đầu tiên sau 13 khóa Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có bộ máy và cơ quan Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội giúp việc riêng đã tạo nên những thuận lợi cơ bản để Đoàn thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong nhiệm kỳ, với tinh thần trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội của tỉnh đã tích cực tham gia các hoạt động chung của Quốc hội nhất là đóng góp ý kiến trong các chương trình nghị sự của Quốc hội như các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, thảo luận về các dự án luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần nâng cao chất lượng và thành công chung của các kỳ họp. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề được Đoàn đại biểu Quốc hội tích cực quan tâm đổi mới về quy trình, thủ tục, hình thức giám sát, dành thời gian làm việc tại thực địa, giảm nghe trình bày báo cáo, tăng thời gian nghe phản ánh, kiến nghị của cử tri và những đối tượng liên quan đến vấn đề giám sát, khảo sát; đồng thời, tiến hành nhiều cuộc làm việc tìm hiểu, xác minh làm rõ thông tin và những vấn đề quan tâm trước khi tổ chức giám sát, khảo sát... Hoạt động chất vấn của các Đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp tục được phát huy và nâng cao về chất lượng, cùng với sự đổi mới về phương pháp điều hành chất vấn của chủ tọa kỳ họp, các ĐBQH tỉnh đã chú trọng chất lượng câu hỏi chất vấn, đề cao tinh thần xây dựng, tính dân chủ, công khai, tranh luận thẳng thắn, đối thoại với người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành. Ý kiến chất vấn của đại biểu đã thể hiện sự sâu sát đối với các vấn đề trong quá trình quản lý, điều hành vĩ mô của Nhà nước cũng như phản ánh đầy đủ nguyện vọng chính đáng của cử tri, những yêu cầu, bức xúc của nhân dân trong tỉnh như các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường và xử lý rác thải ở Trạm Thản, Phù Ninh; những vấn đề liên quan đến giá bán ô tô nhập khẩu vì sao không giảm trong khi thuế nhập khẩu đã bằng 0%; vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, đổi mới giáo dục… Hoạt động tiếp công dân, tiếp xúc cử tri được quan tâm đổi mới. Công tác xây dựng pháp luật được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định là một trong những việc trọng tâm trong hoạt động của Đoàn nhằm góp phần cùng với Quốc hội thể chế hóa đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong quá trình hoạt động của Đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, nguyên tắc dân chủ được đảm bảo, nguyên tắc pháp chế được tăng cường. Mối quan hệ giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các cấp, các ngành trong tỉnh được duy trì thường xuyên chặt chẽ và được thể hiện qua các mặt như: Xây dựng chương trình làm việc, tham gia giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, đóng góp ý kiến vào những vấn đề quan trọng của địa phương; tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật...Từ thực tiễn hoạt động của Quốc hội nói chung, đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nói riêng đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm, đó là: Phát huy tính chủ động sáng tạo trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động sao cho phù hợp trong điều kiện đa số đại biểu Quốc hội là kiêm nhiệm nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ có chất lượng và hiệu quả, đáp ứng kịp thời các yêu cầu, mục tiêu đã đề ra. Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và sự phối hợp với chính quyền, với mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn và nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội. Gắn bó mật thiết với cử tri, liên hệ thường xuyên với cử tri không chỉ là nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội được pháp luật quy định, mà còn là yêu cầu bức thiết để đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội nắm bắt được thực tiễn, nguyện vọng, ý chí của người dân, qua đó góp phần thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật để pháp luật gắn với thực tiễn cuộc sống. Có thể nói, qua 75 năm hoạt động, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ qua các thời kỳ là môi trường thuận lợi để các vị đại biểu Quốc hội phấn đấu và trưởng thành, nhiều đồng chí sau khi được bầu là đại biểu Quốc hội đã trở thành cán bộ chủ chốt của các cơ quan Trung ương, của tỉnh hoặc giữ các chức vụ cao hơn trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước. Một số đồng chí được tín nhiệm đề cử tiếp tục tham gia đại biểu Quốc hội nhiều khóa. Với những thành tích đạt được trong công tác chuyên môn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là đại biểu Quốc hội, nhiều đồng chí đã được Đảng và Nhà nước vinh danh, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh qua các thời kỳ và của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV, những thành tựu đạt được và vị thế, vai trò của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh không ngừng được nâng lên là do có sự quan tâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ban, ngành Trung ương; đặc biệt là sự lãnh đạo, quan tâm thường xuyên của Tỉnh ủy, sự phối hợp tạo điều kiện của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, đơn vị nơi đại biểu công tác và cử tri trong tỉnh. Chúng ta tin rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, sự ủng hộ và giám sát của nhân dân; trong thời gian tới, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ phát huy những kinh nghiệm và truyền thống để tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp hơn nữa vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước, của tỉnh Phú Thọ như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” và để xứng đáng là người đại biểu của nhân dân, được nhân dân tin tưởng giao phó.

Bùi Minh Châu
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/quoc-hoi-khoa-xiv/202012/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tiep-tuc-doi-moi-nang-cao-chat-luong-hieu-qua-hoat-dong-174673