Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng góp ý về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội

Sáng 23-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024 và một số nội dung quan trọng khác. Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng thảo luận ở Tổ số 11 cùng đại biểu các tỉnh Tuyên Quang, Tây Ninh, Sơn La.

Sáng 23-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024 và một số nội dung quan trọng khác. Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng thảo luận ở Tổ số 11 cùng đại biểu các tỉnh Tuyên Quang, Tây Ninh, Sơn La.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh và đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng) tham gia thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh và đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng) tham gia thảo luận tại tổ.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh cho rằng, trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn của tình hình quốc tế và trong nước, song với sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế nước ta tiếp tục có xu hướng phục hồi, có nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá cụ thể, nhất là các nhận định trong các báo cáo.

Đơn cử, về gói tín dụng 15.000 tỷ đồng, theo như báo cáo, đến cuối năm 2023, các ngân hàng thương mại đã giải ngân trên 13.500 tỷ đồng cho hơn 5.200 lượt khách hàng, chiếm trên 90% tổng số vốn cam kết chương trình. Đây là con số rất tích cực nhưng việc giải ngân có đúng đối tượng hay chưa và hiệu quả như thế nào. Về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, việc giải ngân mới được 646 tỷ đồng, tức khoảng 0,54% là con số cực kỳ nhỏ so với mục tiêu của chương trình, điều này có nghĩa là việc triển khai chương trình chưa đạt hiệu quả.

Vấn đề quản lý thị trường vàng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có nhiều biện pháp, giải pháp nhưng vẫn chưa hạ nhiệt được giá vàng do nhiều nguyên nhân khác nhau.Trong khi đó, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời cách đây hơn 12 năm. Vì vậy, cần thiết phải đánh giá tổng kết một cách toàn diện nghị định để xem xét sửa đổi phù hợp thị trường hiện nay.

Về thương mại điện tử (TMĐT), việc kinh doanh qua các sàn TMĐT phát triển rất mạnh. Tính đến tháng 12-2023, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Năm 2023, tăng trưởng 25%, đạt 20,5 tỷ USD, tỷ trọng doanh thu TMĐT chiếm khoảng 7,8 - 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.Mặc dù tiền thuế thu từ TMĐT từ năm 2018 đến nay liên tục tăng đều qua các năm vẫn chưa thu đủ. Hiện nay, cơ quan thuế vẫn còn rất khó khăn trong việc quản lý đầy đủ đối tượng nộp thuế và các nguồn thu thuế. Nguyên nhân chủ yếu là khi các giao dịch kinh doanh qua internet thì các hóa đơn, sổ sách truyền thống hầu như không được sử dụng mà dữ liệu kỹ thuật số được sử dụng nhiều hơn.Trong khi đó, các phương pháp quản lý thuế hiện hành không thể thích ứng với sự thay đổi này và quy trình kiểm toán, thu thập thông tin truyền thống khó thực hiện trong các doanh nghiệp internet; hành lang pháp lý đối với quản lý hoạt động xuyên biên giới của các nhà cung cấp nước ngoài tại Việt Nam chưa hoàn thiện.

Vì vậy, việc xây dựng khung pháp lý để tạo ra “sân chơi” TMĐT bình đẳng và bảo đảm để tránh thất thu ngân sách cho Nhà nước là việc làm đúng đắn và hết sức cấp thiết hiện nay.

Trong khi đó, đại biểu Trần Chí Cường- Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nêu ý kiến thời gian qua, việc thoái lui doanh nghiệp ra khỏi thị trường và ngừng hoạt động gia tăng, trong khi doanh nghiệp gia nhập thị trường thấp.Đại biểu đề nghị cần có sự đánh giá kỹ lưỡng, phân tích sâu hơn nữa nguyên nhân. Bên cạnh đó, ngân hàng tiến hành giảm lãi suất nhưng tăng trưởng tín dụng thấp. Đây là bài toán cần có sự xem xét, phân tích thấu đáo, có giải pháp phù hợp để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn nhằm tăng trưởng tín dụng.

Đi đôi với đó, việc cải cách thủ tục hành chính thời gian qua được Chính phủ nỗ lực lớn, đặc biệt là triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án số 06) được đẩy mạnh giữa các địa phương, bộ, ngành.Tuy nhiên, theo đại biểu Cường, việc chậm sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo cùng với việc chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, nhất là luật mới ban hành đã làm gia tăng, tạo tâm lý e dè, sợ sệt, né tránh, đùn đẩy của cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, để đẩy lùi tình trạng này, đại biểu đề nghị đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát các văn bản chồng chéo, trùng lắp, chưa rõ ràng; đồng thời sớm ban hành các quy định chi tiết, các văn bản hướng dẫn các văn bản dưới luật để làm sao triển khai một cách thông thoáng, tạo căn cứ pháp lý, thực sự là điểm tựa cho cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ.

Về chỉ tiêu kế hoạch tiêm chủng mở rộng, đại biểu Trần Chí Cường đề nghị đưa chỉ tiêu 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, thay vì trên 90%. Đại biểu cũng cho rằng, việc chi phí vận tải, nhất là hàng không tăng cao trong thời gian qua đã tác động lớn đến hoạt động du lịch. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải, ngành hàng không cần có giải pháp nhằm tăng cường, phục hồi lại các đường bay, tuyến bay trước đây, nhất là giữa 3 miền để bảo đảm hài hòa nhằm phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và các địa phương.

P.V

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tp-da-nang-gop-y-ve-ke-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-post295517.html