Đà Nẵng chờ cơ hội lớn

Các cơ chế, chính sách mới được áp dụng cho Đà Nẵng, nếu thành công sẽ là tiền đề nhân rộng trên cả nước

Sáng nay, 26-6, Quốc hội (QH) sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết của QH về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Trong các chính sách đặc thù dự thảo nghị quyết, có một số chính sách hoàn toàn mới, trong đó đáng chú ý là thí điểm thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Kỳ vọng mô hình khu thương mại tự do

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết khu thương mại tự do là mô hình chưa có tiền lệ, chưa có thực tiễn ở Việt Nam. "Chúng tôi xác định có rủi ro nhưng chúng tôi chấp nhận. Nếu thành công, đó sẽ là nền tảng để nhân rộng cho cả nước" - Bí thư Nguyễn Văn Quảng nói. Theo ông Quảng, khu thương mại tự do là một trong những đột phá, thể hiện tinh thần dám nghĩ dám làm của Chính phủ cũng như thành phố. Dự thảo nghị quyết lần này đưa ra cơ chế thử nghiệm do mô hình này chưa có tiền lệ, chưa có thực tiễn ở Việt Nam nhưng đã được thế giới khẳng định và thành công.

Nhiều đại biểu QH khẳng định việc phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng nhằm tạo động lực phát triển mới, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.

Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á Ảnh: HẢI ĐỊNH

Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á Ảnh: HẢI ĐỊNH

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng lập khu thương mại tự do hay các chính sách đề xuất trong dự thảo nghị quyết đều mang tính đặc thù, sẽ tạo thêm cơ hội cho Đà Nẵng phát triển. Song, muốn Đà Nẵng phát triển đột phá, trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á; là cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên theo tinh thần Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị thì quan trọng nhất là phải mở rộng không gian phát triển cho thành phố.

Theo ông Cung, nhà nước cần phải ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho Đà Nẵng. Về đường bộ, ngoài việc xây dựng cao tốc nối Đà Nẵng với các tỉnh dọc ven biển, còn phải mở ra để kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, sang Lào, sang Thái Lan. Về đường biển, cần tập trung xây dựng cảng Liên Chiểu. Về đường hàng không, cần nâng cấp và mở rộng sân bay Đà Nẵng. Các công trình này buộc phải có đầu tư của nhà nước. Chỉ khi thực hiện được các dự án đó mới tạo ra vị thế dẫn dắt của Đà Nẵng, các tỉnh xung quanh mới có vị thế bổ sung. Ngoài ra, hãy để Đà Nẵng được sử dụng nguồn thu ngân sách của mình trong một khoảng thời gian đủ dài, có thể là 10 năm không phải nộp về ngân sách trung ương, nguồn thu trong khoảng thời gian đó sẽ được giữ lại để đầu tư cho thành phố.

Chú trọng phát triển vi mạch bán dẫn

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay các chính sách trong dự thảo nghị quyết đều hướng tới mục tiêu phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây là điểm mới, khác biệt so với chính sách ở các địa phương khác. Đà Nẵng sẽ thu hút nguồn lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, hiện thực hóa mục tiêu Chính phủ, Quốc hội đang đặt ra là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chính sách sẽ tập trung vào lĩnh vực người Việt Nam có thế mạnh như thiết kế chip bán dẫn và chip AI; đưa ra nhiều cơ chế để thu hút tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới về đầu tư. Các tập đoàn như: Intel, Qualcomm, Ampere, ARM đã đặt vấn đề đầu tư vào thành phố, họ chỉ chờ cơ chế, chính sách này. TP Đà Nẵng không dựa vào nguồn lực trung ương mà sẽ xây dựng chính sách để tăng tính tự chủ và huy động nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển. Đây là việc rất mới so với địa phương khác, nếu thành công sẽ là nền tảng nhân rộng trên cả nước.

Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á Ảnh: HẢI ĐỊNH

Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á Ảnh: HẢI ĐỊNH

Lãnh đạo TP Đà Nẵng cho biết để "đón sóng" đầu tư, thành phố đang tập trung vào một số nội dung trọng tâm. Dự kiến, UBND thành phố sẽ ban hành đề án phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn vào giữa năm 2024. Thành phố đang trình trung ương phê duyệt các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Trọng tâm của Đà Nẵng là phấn đấu xây dựng hệ thống đào tạo nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Đà Nẵng từng bước hình thành hệ thống ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, nghiên cứu có chất lượng trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn.

Về lĩnh vực vi mạch bán dẫn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng đây là một lĩnh vực rất quan trọng đối với Việt Nam. Có lẽ đây là một cơ hội "ngàn năm có một", chúng ta có thể nhanh chóng đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu chính là lĩnh vực này. Đà Nẵng hiện nay đang hội tụ đủ các điều kiện này, như đang tham gia đề án đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn; 13 năm liền đứng đầu trong công nghệ thông tin...

Cần vào cuộc đồng bộ

TS Trần Du Lịch (người có nhiều năm nghiên cứu, tư vấn chính sách phát triển cho TP Đà Nẵng) cho rằng cần cụ thể hóa nghị quyết của QH bằng các văn bản quy định pháp luật khác như nghị định của Chính phủ, thông tư của bộ, nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND mới có thể nhanh chóng đi vào cuộc sống. Vì vậy, công tác chuẩn bị những công việc này là thách thức rất lớn. Do đó, cần có sự quyết tâm chính trị rất cao của cả hệ thống chính trị địa phương cùng với sự hỗ trợ, đồng trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương trong quá trình thực thi, nhất là tháo gỡ những vướng mắc trong quy trình, thủ tục từng đề án, dự án cụ thể.

Văn Duẩn - Huy Thanh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/da-nang-cho-co-hoi-lon-196240625213416374.htm