Đoàn ĐBQH Hà Giang đề xuất giải pháp về miễn, hỗ trợ học phí và phổ cập giáo dục mầm non

BHG - Chiều 22.5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân và Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi.

Tham gia góp ý vào các dự thảo Nghị quyết trên, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan có nhiều ý kiến đề xuất giải pháp thiết thực.

Trưởng đoàn Lý Thị Lan phát biểu thảo luận. (Ảnh: CTV)

Trưởng đoàn Lý Thị Lan phát biểu thảo luận. (Ảnh: CTV)

Quyết sách mang tính nhân văn sâu sắc

Trưởng đoàn ĐBQH Lý Thị Lan bày tỏ sự đồng tình cao với chủ trương đúng đắn của Chính phủ và Quốc hội. Đồng thời khẳng định: Chính sách miễn, hỗ trợ học phí được triển khai từ năm học 2025 – 2026 là một quyết sách mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ cam kết của Nhà nước trong việc đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em, học sinh, bất kể vùng miền hay điều kiện kinh tế.

Theo Trưởng đoàn Lý Thị Lan, điểm mới được đánh giá cao là việc mở rộng diện thụ hưởng bao gồm toàn bộ trẻ mầm non từ 3 đến dưới 5 tuổi, học sinh trung học phổ thông công lập, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục thường xuyên và cả người học tại các cơ sở ngoài công lập. Trưởng đoàn đề xuất: Cần xem xét mức hỗ trợ học phí cho khối ngoài công lập cần bằng mức hỗ trợ đối với học sinh công lập, thể hiện tư duy công bằng và khuyến khích xã hội hóa giáo dục.

Về cơ chế hỗ trợ ngân sách từ Trung ương cho địa phương chưa cân đối được ngân sách, gắn với thực tiễn địa phương, đại biểu Lý Thị Lan nhấn mạnh, mặc dù Luật Ngân sách quy định các địa phương phải bố trí tối thiểu 20% chi ngân sách cho giáo dục, nhưng với các tỉnh như Hà Giang, khi ngân sách phụ thuộc chủ yếu vào Trung ương thì phần lớn chỉ đủ cho chi thường xuyên, lương và phụ cấp. Nếu không có sự hỗ trợ về nguồn lực từ Trung ương thì sẽ rất khó để các địa phương khó khăn triển khai hiệu quả chính sách, đặc biệt là trong các nội dung về phổ cập giáo dục mầm non và các nội dung trong việc thực hiện miễn, hỗ trợ học phí. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn cụ thể về cơ chế bố trí ngân sách cho địa phương chưa cân đối được thu – chi, thực hiện thống nhất chính sách ngay từ đầu năm học 2025 – 2026.

Đề xuất cơ chế đặc thù về chuẩn giáo viên và hỗ trợ học sinh nội trú, bán trú

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Thị Lan đề xuất cần có cơ chế đặc thù trong tuyển dụng và đào tạo giáo viên mầm non tại các huyện vùng cao, như cho phép tuyển học sinh tốt nghiệp THPT tại địa phương, sau đó đào tạo nâng chuẩn. Mô hình đào tạo “cô giáo mầm non cắm bản” là con em đồng bào dân tộc – từng rất hiệu quả ở vùng núi – cũng cần được nghiên cứu khôi phục, phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thiểu số.

Liên quan đến hỗ trợ học sinh học nội trú và bán trú, đại biểu phản ánh hiện nay vẫn còn tình trạng thiếu đồng bộ về chính sách, cùng một trường, một địa bàn nhưng học sinh thụ hưởng chính sách khác nhau. Do đó, kiến nghị cần xây dựng chính sách mang tính tổng thể, không phân biệt dân tộc hay khoảng cách địa lý, nhằm đảm bảo công bằng cho mọi học sinh trên cùng một địa bàn.

Ngoài ra, đại biểu đề xuất bổ sung chính sách sữa học đường cho học sinh mầm non và tiểu học tại vùng cao nhằm cải thiện thể chất, phòng chống suy dinh dưỡng, thấp còi, một trong những vấn đề còn phổ biến ở địa phương.

Trường nội trú, nơi khởi nguồn cho nguồn cán bộ tương lai

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định, hệ thống trường nội trú và bán trú dân nuôi đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao biên giới, đồng thời tạo nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số. Đại biểu nhấn mạnh: Không ít cán bộ chủ chốt của tỉnh, trong đó có nhiều đại biểu Quốc hội hiện nay, đều đã từng trưởng thành từ những mái trường nội trú. Vì vậy, Trưởng đoàn Lý Thị Lan đề xuất cần quan tâm đầu tư mở rộng mô hình các trường nội trú tại các tỉnh vùng cao, biên giới.

Trưởng đoàn Lý Thị Lan mong muốn Quốc hội sớm thông qua nghị quyết, và Chính phủ có hướng dẫn triển khai cụ thể, đồng bộ, để chính sách sớm đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh, nhất là học sinh vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định thảo luận. Ảnh: CTV

Đại biểu Hoàng Ngọc Định thảo luận. Ảnh: CTV

Tham gia vào dự thảo Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi, đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH Hà Giang cho biết: Đây là Nghị quyết mà đối tượng thụ hưởng là đông đảo người dân, mục tiêu để trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi có điều kiện được huy động đến trường, lớp mầm non để tiếp cận với giáo dục có chất lượng; chính sách hỗ trợ cho trẻ em góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế đối với gia đình ở địa bàn có điều kiện KT – XH đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng ven biển, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, các khu công nghiệp; thu hút tuyển dụng thêm giáo viên mầm non, hỗ trợ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cấp học mầm non yên tâm công tác; tạo điều kiện để cha mẹ trẻ có thời gian phát triển kinh tế gia đình và địa phương; tạo tâm lý tích cực, củng cố niềm tin với Đảng, Nhà nước. Do vậy việc sớm ban hành Nghị quyết là cấp thiết.

Duy Tuấn (tổng hợp)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202505/doan-dbqh-ha-giang-de-xuat-giai-phap-ve-mien-ho-tro-hoc-phi-va-pho-cap-giao-duc-mam-non-185213d/