Đoàn ĐBQH Hà Nam thảo luận ở tổ về các dự án luật

Sáng 13/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ 18, gồm các tỉnh: Hà Nam, Thanh Hóa và Trà Vinh.

Phát biểu thảo luận tại tổ, đồng chí Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nam tham gia một số ý kiến đối với Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Theo đó, đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị tại khoản 2 Điều 14 của luật quy định: “.... Cơ quan phân cấp có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp, trừ trường hợp cơ quan, tổ chức được phân cấp có đề nghị và cam kết về việc tự bảo đảm điều kiện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp". Đề nghị xem xét quy định rõ “các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp” để các địa phương thực hiện thống nhất, thuận lợi.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng phát biểu thảo luận.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng phát biểu thảo luận.

Khoản 3 Điều 14 đề nghị xem xét quy định: Cơ quan phân cấp chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của việc phân cấp và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp trong trường hợp không bảo đảm điều kiện theo quy định tại khoản 2 điều này. Vì quy định tại khoản 2 Điều 14 không rõ các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp.

Tại khoản 6 Điều 14 đề nghị làm rõ trường hợp HĐND phân cấp dẫn đến cần thay đổi trình tự, thủ tục, thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp có được áp dụng quy định tại khoản 6 Điều 14 không? Nếu có thì việc UBND tỉnh xem xét, ban hành văn bản điều chỉnh trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các cơ quan liên quan để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp đối với trường hợp HĐND phân cấp có phù hợp hay không?

Đối với khoản 1 Điều 15 đề nghị quy định lại việc ủy quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện; người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo như Dự thảo trước: Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện được ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cùng cấp hoặc chủ tịch UBND cấp dưới; chủ tịch UBND cấp xã được ủy quyền cho công chức chuyên môn thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền hoặc phân cấp.

Ngoài ra, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ việc chủ tịch HĐND ủy quyền cho phó chủ tịch HĐND hay chủ tịch UBND ủy quyền cho phó chủ tịch UBND thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ của mình trong khoảng thời gian xác định thì áp dụng theo quy định nào? Do các trường hợp này không thuộc các trường hợp ủy quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 15.

Đề nghị xem xét sử dụng chung thuật ngữ cho thống nhất “số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước” hay “số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập”. Theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 16 quy định HĐND cấp tỉnh quyết định tổng số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý, còn quy định tại điểm h khoản khoản 1 Điều 19 thì HĐND huyện quyết định số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý theo chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao.

Điểm i khoản 1 Điều 19 đề nghị xem lại nhiệm vụ quyền hạn của HĐND huyện trong việc đổi tên đơn vị hành chính cấp mình và cấp xã trực thuộc. Bởi nội dung này chưa thống nhất với quy định tại khoản 3 Điều 10 (cơ quan có thẩm quyền thành lập đơn vị hành chính cấp nào thì có thẩm quyền đổi tên đơn vị hành chính cấp đó). Trong khi theo quy định tại khoản 2 Điều 10 thì đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Điểm a khoản 14 Điều 28 dự thảo quy định: “Trong thời gian HĐND không họp, Thường trực HĐND được quyết định các nội dung sau đây và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất: Biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét quy định cụ thể hơn nội dung: “Biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp ...”.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị tiếp tục rà soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp trong dự thảo Luật, hạn chế quy định các nhiệm vụ, quyền hạn quá cụ thể trong các lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành để tránh việc mâu thuẫn, trùng lặp với quy định trong các luật khác để bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tính khả thi khi áp dụng thực hiện...

ĐBQH Trần Văn Khải phát biểu thảo luận tại tổ.

ĐBQH Trần Văn Khải phát biểu thảo luận tại tổ.

Thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) năm 2025, đại biểu Trần Văn Khải (ĐBQH tỉnh Hà Nam) cho rằng dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) năm 2025 có nhiều điểm tích cực nhưng vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Đồng thời, đề xuất sửa đổi hoặc bổ sung một số điều bao gồm: Bổ sung tiêu chí rõ ràng cho việc sáp nhập, chia tách địa phương (Điều 9, Điều 11); cải thiện cơ chế giám sát việc thực hiện phân quyền, bổ sung chế tài xử lý sai phạm (Điều 12, 13, 14); xây dựng chính sách riêng cho chính quyền đô thị ( Điều 2, 16, 17); giảm tải công việc cho cấp xã, hỗ trợ nhân lực và tài chính (Điều 23, 24).

Việc điều chỉnh những điểm trên sẽ giúp tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương và bảo đảm tính minh bạch, trách nhiệm giải trình.

Đối với Dự thảo Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, đại biểu Trần Văn Khải đề xuất một số nội dung: Cơ chế cụ thể để xử lý nhân sự dôi dư; biện pháp cụ thể để tránh chồng chéo nhiệm vụ; cần làm rõ cơ chế trách nhiệm giải quyết công việc đang xử lý dở; quy định thời gian thực hiện còn hạn chế…

P.V

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/nguoi-dai-bieu-nhan-dan/doan-dbqh-ha-nam-thao-luan-o-to-ve-cac-du-an-luat-147836.html