Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước tại Kỳ họp thứ 7
BHG - Sáng 5.6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực kiểm toán. Tại phiên này, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang có 2 đại biểu tham gia chất vấn Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) Ngô Văn Tuấn.
Đặt câu hỏi chất vấn Tổng KTNN, đại biểu Lý Thị Lan, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang cho biết: Năm 2021, KTNN và Thanh tra Chính phủ đã ký kết quy chế phối hợp hạn chế trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán và thanh tra. Tuy nhiên, trên thực tế từ năm 2020 đến nay cho thấy tình trạng chồng chéo về đối tượng hoặc nội dung giữa KTNN và thanh tra chuyên ngành, thanh tra địa phương vẫn diễn ra. Do đó đại biểu đề nghị Tổng KTNN cho biết giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng này?
Với câu hỏi trên, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết theo quy định của Luật Thanh tra Chính phủ, trên cơ sở báo cáo kế hoạch kiểm toán đã được thống nhất với Thanh tra Chính phủ thì Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn thanh tra bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch để hạn chế việc chồng chéo, trùng lắp.
Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nêu, thời gian gần đây KTNN đã đưa phương châm của hoạt động kiểm toán là gọn nhưng chất lượng, tập trung vào kiểm toán quyết toán, tập trung vào các chuyên đề phục vụ giám sát tối cao của Quốc hội và HĐND nhằm hạn chế các đoàn đầu mối kiểm toán chi tiết, do đó giảm được sự chồng chéo, trùng lắp với các cơ quan thanh tra. Thời gian tới KTNN và Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ, rà soát lại Chỉ thị 1616/CT-KTNN và đẩy mạnh ứng dụng CNTT để tổ chức triển khai, giảm thiểu trùng lắp và chồng chéo giữa các hoạt động thanh tra và kiểm toán.
Chất vấn Tổng KTNN, theo đại biểu Vương Thị Hương, trong thời gian qua ngoài việc kiểm toán ngân sách nhà nước, tài sản công, KTNN còn đi sâu kiểm toán cơ chế, chính sách, đây là những nội dung rất tích cực nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tháo gỡ những bất cập trong thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng các nguồn lực của Nhà nước. Theo báo cáo số 599, KTNN đã có kiến nghị về hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách đối với 270 nội dung/văn bản, tuy nhiên các đơn vị mới thực hiện 98 nội dung/văn bản, tỷ lệ thực hiện kiến nghị thấp, chỉ đạt 36,3%. Đề nghị tổng KTNN làm rõ thêm về vấn đề này? Đâu là nguyên nhân chính và giải pháp của KTNN để nâng cao tỷ lệ thực hiện các kiến nghị kiểm toán đối với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Vương Thị Hương, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn khẳng định việc thực hiện kiến nghị về sửa đổi cơ chế chính sách trong thời gian qua đúng là chậm so với yêu cầu. Tổng KTNN thông tin, trong giai đoạn từ năm 2019 – 2023, cơ quan kiểm toán kiến nghị sửa đổi 1.069 văn bản thì hiện nay, tỷ lệ sửa là khoảng 31,6%. Tuy nhiên, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 74 thì tiến độ sửa chữa văn bản cũng được đẩy nhanh hơn. Riêng năm 2023 đã sửa đổi được 98/270 văn bản, đạt 36%, cao hơn bình quân 5 năm gần đây.
Theo Tổng KTNN, việc tiến hành sửa đổi một văn bản quy phạm pháp luật cần thời gian, xuất phát từ hệ thống pháp luật. Khi Quốc hội ban hành Luật thì cần có nghị định quy định chi tiết và khi có nghị định quy định chi tiết rồi thì cần có thông tư hướng dẫn cụ thể. Có những luật cần sửa đổi, bổ sung nên cần phải có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng hợp, đánh giá trong quá trình hoàn thiện.
Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn khẳng định, trong thời gian tới với trách nhiệm của mình, Tổng KTNN tiếp tục thực hiện chức năng phát hiện những kẽ hở, bất cập để kiến nghị sửa đổi và đôn đốc, theo dõi việc thực hiện kết luận, kiến nghị.