Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang thảo luận tổ về dự án Luật Nhà giáo và Luật Việc làm (sửa đổi)
BHG - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8. Sáng 9.11, sau khi nghe các Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), dự án Luật Nhà giáo và thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Việc làm (sửa đổi) và dự án Luật Nhà giáo. Thảo luận tại tổ 6, các ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang tham gia một số ý kiến vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), dự án Luật Nhà giáo.
Góp ý vào dự án Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Hoàng Ngọc Định cho biết, hiện nay chính sách giải quyết việc làm cho quân nhân, bộ đội xuất ngũ còn gặp nhiều khó khăn; nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm từ ngân hàng chính sách xã hội còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người lao động, trong đó có bộ đội xuất ngũ, phục viên, quân nhân, công an nhân dân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tri thức trẻ tình nguyện. Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật bổ sung chính sách để các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, định hướng nghề nghiệp, các chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay cho quân nhân, công an nhân dân, bộ đội xuất ngũ, tri thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Để đảm bảo chính sách hậu phương quân đội, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về chính sách hỗ trợ việc làm, tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho thân nhân quân nhân (vợ hoặc chồng) đối với trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ phải điều động quân nhân sang đơn vị mới tại địa phương khác để thực hiện nhiệm vụ để ổn định cuộc sống vì nhiều gia đình quân nhân có nhu cầu đi theo quân nhân đến địa phương mới.
Tham gia góp ý vào dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị sửa khoản 1, Điều 4 về giải thích từ ngữ đối với khái niệm Nhà giáo: “ Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”. Khái niệm này phù hợp với Nhà giáo trong các lĩnh vực khác nhau, nhất là lĩnh vực đặc thù như lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Về khái niệm Giáo viên, Giảng viên, đại biểu đề nghị nghiên cứu, có quy định bổ sung địa vị pháp lý đối với những “Thầy giáo quân hàm xanh” đang tham gia xóa mù, dạy chữ ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn.
Theo đại biểu, trong dự thảo Luật có một số quy định chung đối với Nhà giáo nhưng không phù hợp với Nhà giáo hoạt động trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Do vậy đại biểu đề nghị quy định trong dự thảo Luật theo hướng giao Chính phủ quy định những vấn đề cụ thể về Nhà giáo có tính chất đặc thù riêng để áp dụng cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Tham gia vào Luật Nhà giáo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho biết, hiện nay việc thực hiện tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục còn mang tính cơ học (học sinh thì tăng, giáo viên thì thiếu nhưng vẫn phải thực hiện tinh giảm biên chế; một số bộ môn thiếu giáo viên nhưng không có nguồn tuyển…), điều này gây khó khăn cho địa phương.
Liên quan đến quy định về độ tuổi đối với giáo viên mầm non, đại biểu đề xuất xem xét có thể thực hiện chính sách giáo viên cắm bản đối với giáo viên mầm non ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra đại biểu phát biểu tham gia ý kiến về vấn đề kinh phí để thực hiện hợp đồng lao động theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP trong ngành Giáo dục, việc thanh toán chế độ thừa giờ cho giáo viên…