Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Ngày 14/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất) và Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận

Theo đó, đã có 109 lượt ý kiến ĐBQH góp ý về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; 132 lượt ý kiến góp ý về Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cũng đã phối hợp với Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan có liên quan để lấy ý kiến Nhân dân từ ngày 6/5 trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và ứng dụng VNeID của Cơ sở dữ liệu quốc gia.

Đến nay, đã có hàng triệu lượt ý kiến góp ý của Nhân dân. Qua tổng hợp sơ bộ cho thấy, về cơ bản tuyệt đại đa số các ý kiến đồng tình và bày tỏ sự thống nhất cao với sự cần thiết phạm vi và nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013.

Đối với Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đa số các ĐBQH cũng bày tỏ sự đồng tình cao với các nội dung của dự thảo luật.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng bày tỏ nhất trí với chủ trương sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, một động thái thiết yếu nhằm thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo cốt lõi của Đảng và Nhà nước về mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng hai cấp. Việc sửa đổi Luật còn hướng tới xây dựng một nền hành chính gần dân, sát dân, thực sự phục vụ nhu cầu của Nhân dân trên địa bàn, thông qua việc đẩy mạnh phân định thẩm quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương và của mỗi cấp chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, đại biểu Tú Anh đề nghị cần rà soát, xác định rõ hơn về nội hàm các khái niệm, yêu cầu và cơ chế thực phân quyền, quy định cụ thể về chủ thể phân cấp, ủy quyền, các điều kiện để phân cấp, ủy quyền và cơ chế chịu trách nhiệm; cần nghiên cứu bổ sung nguyên tắc “phân quyền có điều kiện” để khơi dậy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương các cấp, qua đó giải phóng được các nguồn lực tiềm năng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển toàn diện của địa phương.

Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận

Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận

Tham gia đóng góp xây dựng, đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: Cần quy định rõ hơn về hình thức, đối tượng, phạm vi giám sát, việc giải quyết kiến nghị của cử tri và Nhân dân, đảm bảo tính hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.

Góp ý cụ thể về hoạt động đối thoại giữa chính quyền địa phương cấp xã và Nhân dân, đại biểu cho biết, đa số địa phương đã triển khai tổ chức đối thoại với Nhân dân một cách tốt, giúp chính quyền giải quyết nhiều vấn đề phát sinh. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung quy định về việc chính quyền địa phương cấp xã phải kịp thời tổ chức các hội nghị đối thoại với Nhân dân khi triển khai các chính sách lớn, quan trọng hoặc khi có các vấn đề phát sinh, tạo dư luận, kiến nghị của nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Tạo đồng ý với ý kiến bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp, vì vai trò của HĐND rất quan trọng, trực tiếp và thiết thực đến đời sống của Nhân dân. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp phường, như quy định các biện pháp bảo vệ tài sản, tính mạng, danh dự, nhân phẩm và các quyền lợi hợp pháp của công dân. Về quyền hạn của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, đề nghị bổ sung quy định rõ hơn về hình thức, đối tượng, phạm vi giám sát, việc giải quyết kiến nghị của cử tri và Nhân dân, bảo đảm quyền chất vấn đối với các cơ quan tòa án, kiểm sát. Qua đó tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan dân cử, cơ quan nhà nước trong hoạt động giám sát, đảm bảo tính khả thi của cơ chế chính quyền chịu trách nhiệm trước Nhân dân.

Về bảo đảm sự điều hành liên tục của chính quyền địa phương, dự thảo luật quy định về việc giao quyền Chủ tịch UBND khi khuyết chức danh này, nhưng không quy định cụ thể thời gian thực hiện, dẫn đến tình trạng một số địa phương khuyết chức danh trong thời gian dài, đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể về thời hạn giao quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh (20 ngày) và cấp xã (10 ngày), cũng như thời hạn HĐND bầu Chủ tịch UBND mới (20 ngày cấp tỉnh, số ngày cụ thể cấp xã).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận, tiếp thu các ý kiến góp ý

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận, tiếp thu các ý kiến góp ý

Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Luật. Các ý kiến phát biểu rất sâu sắc, toàn diện, thực tiễn, xác đáng để hoàn thiện dự thảo có ý nghĩa của một nền hành chính nhà nước.

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202505/doan-dbqh-lam-dong-gop-y-du-thao-luat-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-sua-doi-24820c0/