Bảo đảm thống nhất, không bỏ sót quyền hạn của địa phương

Ngày 14/5 ,Tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, thảo luận về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Không để sót quyền hạn, tránh chồng chéo

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trước đó vào chiều 7/5, các đại biểu đã thảo luận tại Tổ về hai nội dung trên. Báo cáo tổng hợp ý kiến của Tổng Thư ký Quốc hội cho thấy có 109 lượt ý kiến góp ý cho dự thảo sửa Hiến pháp và 132 lượt ý kiến với dự án Luật sửa đổi. Ngoài ra, ý kiến nhân dân cũng được tiếp thu thông qua các kênh điện tử như Cổng thông tin Quốc hội, Chính phủ và ứng dụng VNeID với hàng triệu lượt phản hồi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành cuộc họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành cuộc họp.

Theo báo cáo tổng hợp, tuyệt đại đa số ý kiến bày tỏ sự thống nhất cao với việc cần thiết sửa đổi Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Các ý kiến góp ý chủ yếu tập trung vào ngôn từ và kỹ thuật lập pháp. Chính phủ đã có Báo cáo số 420 ngày 13/5, bước đầu tiếp thu, chỉnh lý các nội dung theo góp ý của đại biểu.

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương và đánh giá cao tính đầy đủ của hồ sơ dự án luật. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định về quyền hạn giữa các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp huyện, để tránh bỏ sót hoặc chồng chéo gây ảnh hưởng đến hoạt động điều hành và quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.

Đại biểu cũng đề xuất giữ lại cụm từ “trực thuộc địa phương” trong tên gọi các đơn vị hành chính cấp tỉnh, để đảm bảo tính thống nhất với Hiến pháp và các văn bản Trung ương như Nghị quyết 60.

Về phân quyền và ủy quyền, ông Thắng kiến nghị cần bổ sung trách nhiệm phản hồi của Chính phủ khi nhận được đề xuất từ địa phương, đồng thời đề xuất mở rộng quyền điều chỉnh văn bản ủy quyền cho cơ quan, cá nhân nhận ủy quyền để tăng tính linh hoạt trong thực thi nhiệm vụ.

Đối với việc chi ngân sách, đại biểu đề nghị quy định rõ: Thường trực Hội đồng nhân dân chỉ được quyết định chi ngân sách trong các trường hợp cấp bách giữa hai kỳ họp, tránh lạm quyền, đảm bảo đúng luật định.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương).

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương).

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã nỗ lực biên soạn, chỉnh sửa một luật rất quan trọng, trình kỳ họp thứ chín trong thời gian rất ngắn, song song với việc sửa đổi Hiến pháp và các văn bản khác. Đại biểu Nguyễn Quang Huân muốn tập trung làm rõ nội dung về bầu, miễn nhiệm, điều động Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Theo đó, để xây dựng thể chế, chúng ta sẽ phải trao quyền nhiều hơn cho địa phương, nhưng cũng cần trao nhiều quyền hơn cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, theo đúng tinh thần Hiến pháp về điều hành linh hoạt, thống nhất trong toàn quốc về hành chính quốc gia.

Tại Khoản 2, Điều 36 của dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương đang quy định, Hội đồng nhân dân bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo giới thiệu của Chủ tịch Hội đồng nhân dân và bầu Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy viên Ủy ban nhân dân theo giới thiệu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, nội dung này đúng theo tinh thần điều 114 Hiến pháp hiện nay. Tuy nhiên thì khoản 4 điều 37, quy định Hội đồng nhân dân cũng bãi nhiệm các chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu, nhưng theo Điều 41 thì khi mà Thủ tướng quyết định cách chức Chủ tịch Hội đồng nhân dân, điều động Chủ tịch Ủy ban nhân dân thì không cần HĐND miễn nhiệm, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, về mặt quy định thì đúng với Hiến pháp, nhưng về mặt logic thì không đảm bảo, vì HĐND bầu thì HĐND phải miễn nhiệm, nếu làm đúng như Điều 41 sẽ không hợp lý.

Nếu giữ nguyên Khoản 2 Điều 41, đại biểu cho rằng nên sửa điều 56, HĐND không phải bầu chức danh chủ tịch mà giới thiệu để Thủ tướng phê chuẩn. Nếu thực hiện điều này thì Điều 114 Hiến pháp sẽ phải sửa thêm, đặc biệt là nội dung HĐND bầu UBND cùng cấp đang chưa sửa. Do đó, đại biểu đề nghị, để thống nhất giữa điều 36 và điều 41 của dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương thì sửa thêm điều 114 Hiến pháp.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân cũng đề nghị xem xét thêm điều 5 của dự thảo luật, hiện tại đang quy định ít nhất 45 ngày thì tổ chức HĐND cho đến ngày khai mạc, nếu trước đây thì không vấn đề gì, nhưng gần đây có Nghị quyết rút ngắn kỳ họp QH, HĐND, chúng ta dự kiến 15/3/2026 bầu cử, mà nếu 45 ngày thì tới tận 1/5 mới tổ chức phiên họp HĐND thì không đúng tinh thần.

Giữ nguyên quyền chất vấn để tăng hiệu quả giám sát

Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) bày tỏ lo ngại về đề xuất loại bỏ quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với cơ quan tư pháp như Tòa án và Viện kiểm sát tại địa phương. Đại biểu cho rằng việc thu hẹp quyền chất vấn là chưa phù hợp và thiếu căn cứ vững chắc.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng.

Theo bà Thúy, dù hệ thống tư pháp trong tương lai có thể được tổ chức theo mô hình khu vực không phụ thuộc vào địa giới hành chính, thì các hoạt động xét xử, khởi tố vẫn diễn ra trên địa bàn cụ thể - nơi đại biểu Hội đồng nhân dân đại diện. Do đó, việc duy trì quyền chất vấn là cần thiết để đảm bảo tính đại diện và hiệu quả giám sát.

Đại biểu cũng phản bác quan điểm cho rằng quyền giám sát có thể thực hiện thông qua hình thức kiến nghị, vì chất vấn là công cụ giám sát công khai, trực tiếp và buộc phải hồi đáp. Bà viện dẫn Nghị quyết 27-NQ/TW về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tăng cường kiểm soát quyền lực và trách nhiệm giải trình.

Dẫn chứng thực tế, bà Thúy nêu ví dụ một tỉnh có 28 bản án, quyết định tuyên không rõ khiến việc thi hành án gặp khó khăn, trong đó 11 vụ có kiểm sát viên tham gia. Trong những trường hợp như vậy, nếu đại biểu HĐND không có quyền chất vấn, hiệu quả giám sát sẽ bị hạn chế đáng kể.

Với những phân tích nêu trên, đại biểu đề nghị Quốc hội giữ nguyên quy định về quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với lãnh đạo các cơ quan tư pháp tại địa phương, hoặc ít nhất ghi nhận nguyên tắc trong Hiến pháp để làm cơ sở quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành.

Huy Tùng

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/bao-dam-thong-nhat-khong-bo-sot-quyen-han-cua-dia-phuong-727471.html