Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang lấy ý kiến đóng góp vào một số dự thảo luật
Chiều 15/4, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) và Luật Đường bộ. Các đồng chí: Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đại tá Trần Thế Cường, Phó Giám đốc Công an tỉnh đồng chủ trì.
Cùng dự có các ĐBQH: Phạm Văn Thịnh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp; Nguyễn Văn Thi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; đại diện một số sở, ngành.
Dự thảo Luật TTATGTĐB có 9 chương và 88 điều, trong đó có nhiều nội dung được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Nổi lên là quy định về “Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Một số đại biểu cho rằng không nên cấm tuyệt đối mà nên theo hướng có ngưỡng nồng độ cồn, có thể theo quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là cấm: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”. Đồng thời, sửa đổi quy định liên quan tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.
Đại diện Sở Y tế cho rằng trong cơ thể người luôn có cồn tự sinh, do vậy nếu xét nghiệm máu sẽ cho kết quả có nồng độ cồn. Cơ quan soạn thảo luật và lực lượng công an cần xem xét, cân nhắc quy định này, tránh ảnh hưởng, oan sai cho người bị kiểm tra.
Trao đổi tại đây, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh bảo vệ quan điểm quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Đây là nội dung kế thừa theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ.
Thực tế thời gian qua cho thấy việc kiểm soát chặt nồng độ cồn đã tạo chuyển biến tích cực trong ý thức chấp hành của người tham gia giao thông, tình hình trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự ổn định; tai nạn giao thông giảm mạnh.
Đặc biệt một số đại biểu đề xuất thành lập quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ nhằm hỗ trợ nạn nhân, gia đình nạn nhân do tai nạn giao thông đường bộ gây ra; hỗ trợ cho các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật…
Về dự thảo Luật Đường bộ có 6 chương và 86 điều quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; tổ chức vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.
Qua trao đổi, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát dự án Luật Đường bộ và dự án Luật TTATGTĐB cần bảo đảm thống nhất, tránh trùng lặp và thuận lợi trong áp dụng pháp luật.
Các đại biểu nêu ý kiến cần cụ thể hóa, bổ sung vào Điều 7 - Các hành vi bị nghiêm cấm điều khoản: “Không dừng đón trả khách, hàng hóa nơi không có biển cho phép dừng đỗ”. Về quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, hệ thống đường địa phương, đường đô thị, một số ý kiến đề nghị sửa thành “rà soát theo định kỳ”, không nêu khoảng thời gian nhất định.
Ngoài ra, các đại biểu dành thời gian thảo luận, cho ý kiến về quy định đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ; phạm vi bảo vệ trên không và phía dưới đường bộ; lắp đặt báo hiệu đường bộ; chỉ dẫn tại các vòng xuyến, nút giao, cầu vượt; quy định khoảng cách giữa các bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí...
Việc đầu tư xây dựng phát triển cao tốc; phí sử dụng cao tốc; quyền và nghĩa vụ của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách; quyền và nghĩa vụ của hành khách. Quy định đặt tên đường hiện còn chưa phù hợp, nhiều trường hợp không đúng quy định.
Các ý kiến tại hội nghị được Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, tổng hợp để chuyển đến cơ quan soạn thảo, Quốc hội xem xét.
Tin, ảnh: Quốc Phương